"Người dân không cần những Bộ trưởng chỉ biết tiếp thu, ghi nhận"
(Dân trí) - Góp ý kiến về công tác điều hành của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc thẳng thắn: "Người dân cần những vị Bộ trưởng hành động, có thể làm chuyển động, chuyển biến ngành mình phụ trách, không cần đến những vị Bộ trưởng chỉ biết nói tiếp thu, ghi nhận, nghiên cứu tháo gỡ, chờ Chính phủ, Trung ương quyết định"…
Phát biểu tại phiên họp tổ sáng 23/3, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) chia sẻ trước sự có mặt của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Tôi mong muốn Chính phủ trong nhiệm kỳ tới, Thủ tướng mới sẽ có phong cách làm việc mới, tư duy mới, đầy quyết liệt".
Ông Phúc góp ý, Chính phủ chỉ nên đóng vai trò kiến tạo và không nên mất quá nhiều thời gian vào những công việc cụ thể, xử lý các công việc kinh doanh, nội bộ của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
"Người dân cần những vị Bộ trưởng hành động, có thể làm chuyển động, chuyển biến ngành mình phụ trách, không cần đến những vị Bộ trưởng chỉ biết nói "tiếp thu, ghi nhận, nghiên cứu tháo gỡ, chờ Chính phủ, Trung ương quyết định... Bộ trưởng phải là những người có tư duy hành động, đi ngay vào thực tiễn để giải quyết vấn đề, còn nếu trong thẩm quyền của mình mà không giải quyết được, cứ chờ cấp trên thì dân bầu lên làm gì" - đại biểu Phúc nhìn nhận.
Là Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế, ông Nguyễn Văn Phúc cũng cho hay, thời gian qua, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo với sự góp mặt của nhiều chuyên gia kinh tế, đưa ra những nghiên cứu, kiến nghị, tuy nhiên phần tiếp thu và thực hiện tháo gỡ của các cơ quan bộ ngành Chính phủ vẫn còn hạn chế.
Đồng ý với quan điểm này, ông Hồ Trọng Ngũ (đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) cũng đưa ra nhận xét, từ kinh nghiệm của Chính phủ, nếu giao đúng người đúng việc thì cả lĩnh vực phụ trách sẽ có chuyển biến.
Lấy ví dụ ở lĩnh vực giao thông, ông Ngũ cho rằng, với sự năng động của vị tư lệnh ngành và Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực (người đồng thời đảm nhận nhiệm vụ là Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia) vấn nạn tai nạn giao thông đã giảm thiểu rõ rệt, được cử tri đánh giá cao. Nếu các lĩnh vực khác cũng như vậy, nền kinh tế sẽ trở nên năng động hơn.
Ông Võ Kim Cự (đại biểu tỉnh Hà Tĩnh) cũng đưa ra nhận định, nếu trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội đều có những vị "tư lệnh" xông xáo và hành động thì bộ mặt của ngành và lĩnh vực đó sẽ chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, theo ông Cự, trong quản lý nhà nước vẫn phải thừa nhận thực tế việc thực hiện chính sách từ Trung ương đến địa phương không đồng bộ, chưa nghiêm túc nên không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ông Cự dẫn chứng, có những vấn đề "nóng" được cử tri quan tâm nhưng vẫn còn tình trạng địa phương này giải quyết triệt để còn địa phương khác không làm cũng không sao. Trách nhiệm của người đứng đầu cần phải được thể hiện rõ nét hơn, lãnh đạo phải biết lo các vấn đề xảy ra tại địa bàn của mình.
Theo ông, trong điều hành, Chính phủ cần bao quát và biểu dương những lãnh đạo địa phương làm tốt và đồng thời cũng phải có những lãnh đạo phải chịu trách nhiệm khi không làm tốt nhiệm vụ. "Tôi rất tiếc là thời gian qua việc đánh giá vẫn kiểu... hòa cả làng, những nơi nghiêm túc, làm tốt cũng không thấy biểu dương gì" - ông Cự bình luận.
Cũng trong phiên thảo luận tổ sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao về công tác soạn thảo, ban hành Hiến pháp và hàng loạt bộ luật quan trọng của Quốc hội khóa XIII.
"Sự điều hành của Quốc hội khóa XIII rất linh hoạt, biết xác định và giải quyết được những vấn đề trọng tâm của đất nước. Tôi nhớ năm 2011, chúng ta đứng trước vực thẳm, tôi đã thấy một bức tranh rất đen tối với lãi suất và lạm phát cao, nhưng chỉ sau 5 năm thì đã kéo đất nước bước vào tư thế khác. Bây giờ, các chỉ số kinh tế vĩ mô đã cải thiện" - đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) ghi nhận.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, công tác giám sát của Quốc hội vẫn còn hạn chế. Theo đó, chỉ khi làm tốt công tác này thì Quốc hội mới thể hiện được vai trò của mình là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho quyền lực của nhân dân.
Bích Diệp