ĐBSCL:

Người dân Khmer náo nức đón năm mới

(Dân trí) - Người dân Khmer vùng Nam Bộ bắt đầu chào đón năm mới. Tết Chol Chnăm Thmây đang rộn ràng ở khắp nơi.

Đồng bào dân tộc Khmer ở vùng ĐBSCL khắp nơi bắt đầu đón Tết cổ truyền, không khí tại các chùa, khu dân cư có đông đồng bào Khmer sinh sống trở nên nhộn nhịp hơn.

Cờ hoa treo đón năm mới ở các chùa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Cờ hoa treo đón năm mới ở các chùa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại Trà Vinh, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống đã hoàn tất những công việc của ngày cuối năm để đón năm mới. Tại các chùa, cờ hoa được treo khắp nơi mang đến những màu sắc đặc trưng của Tết Chol Chnăm Thmây. Lãnh đạo địa phương mấy ngày qua đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm và chúc Tết sư sãi các chùa và người dân.

Tại Cần Thơ, không khí đón Tết Chol Chnăm Thmây cũng tất bật từ những ngày qua. Có mặt tại chùa Viễn Quang (quận Ninh Kiều), PV ghi nhận có nhiều phật tử đến chùa cùng gói bánh tét, đây là một truyền thống của chùa này. Một bạn sinh viên đang sống ở chùa chia sẻ: "Năm nào đến Tết, các bạn sinh viên và bà con xung quanh cũng tề tựu gói bánh, người làm việc này, người làm việc kia vui lắm".

Chùa Viễn Quang ở Cần Thơ trang trí nhiều hình ảnh đặc sắc đón Tết.
Chùa Viễn Quang ở Cần Thơ trang trí nhiều hình ảnh đặc sắc đón Tết.

Tết Chol Chnăm Thmây là Tết đón năm mới của người dân Khmer. Ngày giờ giao thừa của năm mới dao động qua các năm chứ không cố định. Năm nay, giờ giao thừa lúc 2h12 phút ngày 14/4.

Theo Thượng tọa Lý Hùng - Trụ trì chùa Viễn Quang (TP Cần Thơ), Tết Chol Chnăm Thmây sẽ kéo dài trong 3 ngày, năm nay từ 14- 16/4/2013. Trước giờ giao thừa tại các chùa, phật tử cùng sư sãi quét dọn nhà chùa, tượng phật cho mới. Còn tại nhà dân, họ cũng sẽ trang trí bàn thờ, cúng ông bà trong thời khắc bước sang năm mới.

Vào đúng thời khắc giao thừa, các chùa lập một bàn thờ chư thiên trước chánh điện, thỉnh quý sư, mời phật tử đến nguyện tụng kinh. "Các sư sãi đội lên đầu hình thần 4 mặt đi nhiễu 3 vòng quanh chùa để thỉnh chư thiên năm mới xuống thay chư thiên năm cũ, đây là nghi thức không thể thiếu của Tết Chol Chnăm Thmây", một vị sư ở chùa Viễn Quang cho biết.

Gói bánh là một truyền thống trong dịp Tết cổ truyền của đồng bào Khmer.
Gói bánh là một truyền thống trong dịp Tết cổ truyền của đồng bào Khmer.

Ngày Tết thứ nhất, người dân sẽ đến chùa mang theo hoa quả nhang đèn và đặc biệt là phải có 2,5m vải màu trắng hoạc vàng để cầu siêu cho ông bà tổ tiên. Sang ngày thứ hai, các chùa làm lễ đắp núi cát để tri ân thần gió, nước, đất, lửa và cầu mong một năm mới tốt đẹp hơn. Và ngày thứ ba, sư sãi cùng phật tử làm lễ cầu siêu và tắm Phật, tắm chư tăng, con cháu tắm cho ông bà thể hiện công ơn sinh thành, nuôi dưỡng.

Theo các nhà sư cho biết, trong những đêm của Tết, các chùa đều tổ chức cầu an, một số nơi tổ chức thuyết pháp về cuộc sống cho người dân. Người dân có thể mời sư sãi về nhà để cầu siêu và cầu an cho năm mới ngay tại gia đình.

Với người dân Khmer, họ đón Tết trong sự vui vầy sum họp của gia đình, họ cũng đến nhà chúc nhau năm mới. Tuy nhiên, theo các sư, trong 3 ngày Tết, nhìn chung người dân chủ yếu là họ đến chùa để tham gia những hoạt động do các chùa tổ chức trong không khí vui tươi, phấn khởi. Có một điều khá đặc biệt là hầu như nhà nào ở nông thôn cũng gói bánh, sau đó họ mang đến chùa để cúng dường lấy lộc.

Tết Chol Chnăm Thmây đang rộn ràng ở khắp nơi của vùng ĐBSCL. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Tết Chol Chnăm Thmây đang rộn ràng ở khắp nơi của vùng ĐBSCL. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Theo ghi nhận của PV Dân trí trong ngày 14/4, không khí Tết cổ truyền của đồng bào Khmer đang rộn ràng ở khắp nơi khi tiếng nhạc mừng bằng tiếng Khmer vang lên khắp các chùa. Nhiều người Kinh, Hoa ở đồng bằng cũng cùng chung vui với họ, góp phần làm cho Tết Chol Chnăm Thmây thêm ý vị, nghĩa tình anh em hơn.

Tết Chol Chnăm Thmây là một trong 3 lễ tết lớn trong năm của đồng bào dân tộc Khmer, gồm: Chol Chnăm Thmây, Sen- Đon ta và Ok- om- bok.

                                                                                                Huỳnh Hải