1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người dân được phép đốt "pháo hoa" hay "pháo hoa nổ"?

Thế Kha

(Dân trí) - Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, không ít người dân hiểu nhầm quy định về được phép đốt "pháo hoa" được nêu trong Nghị định 137/2020 vừa được ban hành.

Người dân được phép đốt pháo hoa hay pháo hoa nổ? - 1

Pháo hoa không tiếng nổ, chỉ tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian được Nhà máy Z121 (Bộ Quốc phòng) sản xuất. (Ảnh tư liệu)

Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho biết, sau khi Nghị định số 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo được Chính phủ ban hành, đã có nhiều người dân hiểu không đúng quy định về việc sử dụng "pháo hoa" và "pháo hoa nổ".

Điều 17 Nghị định 137 nêu rõ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Pháo hoa chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

"Nghị định cũng đã định nghĩa rất rõ ràng thế nào là pháo hoa rồi. Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Đơn cử như các loại pháo cắm vào bánh gato sinh nhật thì đó chính là pháo hoa"- vị này nói.

Việc nghiên cứu, sản xuất pháo hoa do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện và phải đáp ứng đầy đủ rất nhiều quy định nghiêm ngặt. Người dân sẽ chỉ được phép mua pháo hoa do các doanh nghiệp này cung ứng.

Đại diện C06 khẳng định, người dân không được phép vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng pháo nổpháo hoa nổ; nếu vi phạm có thể bị xem xét, xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Người dân được phép đốt pháo hoa hay pháo hoa nổ? - 2

Công an tỉnh Lạng Sơn khởi tố đối tượng vận chuyển pháo nổ (Ảnh tư liệu).

Nghị định 137 định nghĩa: Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

"Pháo nổ" gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.

Pháo hoa nổ chỉ được các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức bắn vào các dịp: Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Quốc khánh, Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày 30/4; kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế; trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Người dân được phép đốt pháo hoa hay pháo hoa nổ? - 3
"Pháo hoa nổ" được tổ chức bắn vào đêm Giao thừa ở TPHCM.

Trong thời gian trước Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ Công an sẽ có chiến dịch tuyên truyền về phòng chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt "pháo nổ" và "pháo hoa nổ".