Người dân đi lại 8 vòng mới làm được một hồ sơ đất đai
(Dân trí) - Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, trước khi thực hiện liên thông, cải cách các thủ tục hành chính, người dân phải đi lại 8 lần giữa cơ quan thuế, kho bạc và ngành TN-MT để xử lý hồ sơ đất đai.
Sáng 18/2, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính TPHCM, chủ trì hội nghị Tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2021 và triển khai công tác cải cách hành chính năm 2022. Tại buổi làm việc, các sở, ngành và địa phương đều thống nhất quan điểm, cải cách hành chính là yêu cầu tất yếu đối với một địa phương như TPHCM.
Ngoài việc tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính còn giúp hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu, gây phiền hà. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục còn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và giúp địa phương hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử.
Làm sao để xử lý nửa triệu hồ sơ đất đai mỗi năm?
Trình bày tại hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM, thông tin, kể từ khi thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp, việc thực hiện đăng ký biến động nhà, đất thuộc thẩm quyền cấp sở gặp nhiều khó khăn. Với trung bình hơn 500.000 hồ sơ mỗi năm, Sở TN-MT cần có các giải pháp kịp thời trong ứng dụng công nghệ thông tin và phối hợp, liên thông với các cơ quan nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục.
"Nếu không thực hiện liên thông và cải cách các khâu, người dân phải đi lại 8 lần giữa cơ quan thuế, kho bạc và ngành TN-MT mới có thể hoàn tất xử lý hồ sơ đất đai. Điều này khiến người dân, doanh nghiệp gặp phiền hà và mất nhiều thời gian", ông Nguyễn Toàn Thắng dẫn chứng.
Trước tình trạng trên, Sở TN-MT đã lựa chọn ngành Thuế để liên thông các thủ tục, ký quy chế phối hợp giữa các bên. Tuy nhiên, ngay cả khi các bước thực hiện được đồng nhất, trong thời gian đầu, dữ liệu về đất đai vẫn phân tán rời rạc, gây khó khăn cho việc xử lý hồ sơ.
Lãnh đạo ngành TN-MT TPHCM thông tin thêm, hiện tại, Tổng cục Quản lý đất đai đang xây dựng Đề án "Kết nối liên thông điện tử giữa Cơ quan đăng ký đất đai và Cơ quan Thuế". Trong khi chờ bản đề án hoàn thành, Sở TN-MT, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố và các chi nhánh vẫn tiếp tục tìm cách tháo gỡ khó khăn hiện hữu.
Những vấn đề trước mắt trong việc giải quyết thủ tục đất đai của TPHCM hiện tại là thiếu nhân sự hướng dẫn, tiếp nhận thủ tục kê khai thuế trong khi nội dung khai thuế phức tạp, đa dạng. Mặt khác, các hồ sơ liên quan ngành Thuế yêu cầu nhiều chứng từ, ngay cả khi liên thông điện tử, nhiều hồ sơ bị Chi cục Thuế trả về do thiếu các loại giấy tờ, khai.
Lãnh đạo Sở TN-MT đánh giá, đến hiện tại, với nhiều nỗ lực, công tác liên thông Thuế điện tử giữa Cơ quan Đăng ký đất đai và Cơ quan Thuế đang từng bước ổn định, thông tin trao đổi nhanh chóng, chính xác, giảm được thời gian xác định nghĩa vụ tài chính khi thực hiện thủ tục đất đai. Việc liên thông điện tử đã phát huy hiệu quả rõ nét trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19 khi người dân, doanh nghiệp hạn chế được việc làm thủ tục trực tiếp ở nhiều cơ quan.
Bên cạnh đó, công tác liên thông điện tử trong giải quyết hồ sơ nhà đất đã giúp các đơn vị tiết kiệm thời gian, kinh phí, nhân sự, đảm bảo tính công khai, minh bạch và hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực.
Dịch vụ công trực tuyến chưa thật sự hiệu quả
Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TPHCM, bày tỏ, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến là một trong những giải pháp hữu hiệu trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, được nhiều cá nhân, tổ chức lựa chọn. Tuy nhiên, TPHCM còn số lượng lớn thủ tục hành chính chưa phát sinh hồ sơ, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa thật sự hiệu quả, chưa thu hút, hấp dẫn cá nhân, tổ chức sử dụng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là biểu mẫu, quy trình thủ tục, hướng dẫn còn rườm rà, phức tạp, gây lúng túng cho người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Về mặt khách quan, một bộ phận dân cư là người lao động, nông dân còn trở ngại nhất định trong sử dụng, cập nhật internet.
Chánh Văn phòng UBND TPHCM cũng nêu thực trạng, phần lớn dữ liệu chưa được liên thông, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, gây khó khăn cho cán bộ trong thao tác nghiệp vụ, xử lý hồ sơ. Ngoài ra, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp còn e ngại trong bảo mật thông tin nên vẫn lựa chọn cách giải quyết hồ sơ truyền thống.
Trước những thực trạng và nguyên nhân trên, Văn phòng UBND TPHCM đưa ra giải pháp, các đơn vị cần đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thực hiện các thủ tục hành chính và lược bỏ các bước trung gian. Các bộ thủ tục hành chính cần được rà soát để tinh gọn, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục không phát sinh hồ sơ trong 3 năm.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính TPHCM, trong năm 2021, các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã đã nhận giải quyết hơn 17,8 triệu hồ sơ, đang giải quyết hơn 593.000 hồ sơ và hơn 32.000 hồ sơ giải quyết quá hạn. Trong số hơn 32.000 hồ sơ quá hạn, hơn 97% vụ việc đã được thực hiện thư xin lỗi.