Quảng Trị:

Người dân đánh giá chất lượng dịch vụ công qua điện thoại

(Dân trí) - Thông qua dịch vụ tin nhắn hoặc điện thoại, người dân có thể phản ánh ý kiến của mình về thái độ, chất lượng phục vụ công tại các văn phòng một cửa, hoặc biết thông tin về hiện trạng hồ sơ của mình đã được cơ quan liên quan xử lý đến đâu.

Ngày 24/12, tỉnh Quảng Trị đã công bố khởi động dự án “Dân chấm điểm M-Score”. Dự án này là sáng kiến có ý nghĩa thiết thực của tổ chức Quốc tế Oxfam tại Việt Nam, chương trình sáng kiến Việt Nam thuộc Trường Đại học Indianna (Hoa Kỳ), phối hợp với Trung tâm phân tích và dự báo – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Mục đích của Dự án nhằm thông qua quy trình khảo sát, thông tin thu thập được và kết quả xếp hạng chất lượng dịch vụ công của các Văn phòng Một cửa, cung cấp cho Thường trực HĐND tỉnh thông tin khách quan, chính xác để xem xét kết quả, hiệu quả phục vụ người dân của cơ quan chức năng và cán bộ công chức nhà nước. Đồng thời, công bố kết quả khảo sát cho người dân, công chức Văn phòng Một cửa, UBND các huyện, thành phố, thị xã và trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.

Người dân đánh giá chất lượng dịch vụ công qua điện thoại
Dự án được thực hiện sẽ tạo sự tương tác giữa người dân và cơ quan công quyền trong việc trao đổi thông tin

Bên cạnh đó, dự án nhằm thiết lập cơ chế để người dân có thể phản hồi và yêu cầu chính quyền giải trình về chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân. Trong đó, mục tiêu cụ thể là: Thiết lập cơ chế đánh giá chất lượng dịch vụ công tại cấp cơ sở cho người dân một cách đơn giản, thuận tiện và hiệu quả; nâng cao chất lượng dịch vụ công tại cấp cơ sở; giảm chi phí người dân chi trả cho dịch vụ hành chính công; tăng tiếp cận bình đẳng cho các nhóm yếu thế (dân tộc thiểu số, phụ nữ); tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình và tạo phương thức giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ công cho các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan dân cử địa phương.

Để thực hiện, người dân sẽ nhận được tin nhắn và điện thoại từ tổng đài ngay sau khi hoàn thành giao dịch tại Văn phòng Một cửa, để đánh giá kết quả phục vụ dân tại các văn phòng này. Ngoài ra, người dân có thể gọi điện trực tiếp đến đường dây nóng 18008081 để biết thông tin về hiện trạng hồ sơ của mình, cũng như phản ánh, góp ý về thái độ và cách làm việc của cán bộ, nhân viên tại các văn phòng này. Kết quả khảo sát sẽ được công khai trên báo, đài, loa phát thanh địa phương, cũng như trên website: www.danchamdiem.vn.

Đánh giá về dự án, ông Lê Bá Nguyên, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Dân chấm điểm M-Score là một sáng kiến mới trên thế giới và Việt Nam, lần đầu tiên được xây dựng, thí điểm triển khai tại tỉnh Quảng Trị. Để việc thí điểm thực hiện có kết quả thực tiễn và phát triển bền vững trong tương lai, Thường trực HĐND tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm tài trợ của các tổ chức quốc tế; sự phối kết hợp và đề cao trách nhiệm của mỗi đối tác tham gia triển khai Dự án; sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành, địa phương liên quan”.

Bà Lê Thị Hoa, đại diện Oxfam tại Việt Nam, chia sẻ, điểm quan trọng nhất của dự án này hướng tới nhằm tạo nên sự tương tác, trao đổi thông tin giữa người dân với phía các cơ quan công quyền địa phương.

“Thông qua việc nhắn tin hoặc trao đổi qua điện thoại, người dân có thể trình bày ý kiến của mình về chất lượng phục vụ công tại các văn phòng Một cửa. Từ đó, qua các phương tiện thông tin, các đơn vị nhận được phản ánh sẽ bổ sung, điều chỉnh các giải pháp, cơ chế để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ, nhằm cải thiện tốt hơn quan hệ với người dân”, bà Hoa nhấn mạnh.

Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc chương trình Sáng kiến Việt 
Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc chương trình Sáng kiến Việt Nam, thuộc Đại học Indianna phân tích những ý nghĩa của dự án 

Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc chương trình Sáng kiến Việt Nam, thuộc Đại học Indianna cho biết: “Sáng kiến này đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Chương trình Sáng kiến Việt Nam sẽ hỗ trợ hết mức để dự án được thực hiện và đạt hiệu quả”.

Sau khi thử nghiệm tại 9 Văn phòng Một cửa cấp huyện, mô hình được nhân rộng trong toàn tỉnh và các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục...từ đó sẽ nhân rộng thực hiện tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

P.V