“Người dân có thể phải trả giá ghê gớm vì thủy điện Sông Tranh”

(Dân trí) - TS Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam, gay gắt cho rằng: Nếu không thận trọng, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 và nhiều người dân có thể phải trả giá ghê gớm vì công trình này. .

Động đất ở Sông Tranh 2 là “hiện tượng đặc biệt” - Đó là khẳng định của GS.TS Cao Đình Triều - Viện Vật lí địa cầu - tại hội thảo đánh giá an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2 vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức. Đây là buổi hội thảo công bố Đề án “Đánh giá tình hình động đất khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiệt hại” do Hội KH&KT Địa Vật lý Việt Nam (thuộc VUSTA) tiến hành.

Tại đây, các chuyên gia tham gia đều bày tỏ lo ngại về nguy cơ phát sinh tai biến địa chất, trượt lở đất, bên cạnh yếu tố động đất có thể dẫn đến kịch bản xấu nhất là vỡ đập. Động đất cực đại ở Sông Tranh 2 có thể lên tới 6,1 độ richter, không phải 5,5 độ richter như khẳng định của EVN.

GS.TS Cao Đình Triều khẳng 
định: Động đất ở Sông Tranh 2 là “hiện tượng đặc biệt”

GS.TS Cao Đình Triều khẳng định: Động đất ở Sông Tranh 2 là “hiện tượng đặc biệt”
!

GS.TS Cao Đình Triều cho biết, theo khảo sát, khu vực xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên nền cấu tạo địa chất là đá granite bị phong hóa mạnh với nền địa chất rất yếu. Thực tế cho thấy trước khi có hoạt động tích nước, chưa từng phát hiện động đất ở khu vực này. Nay động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 có biểu hiện dồn dập, thành từng đợt, đợt sau có xu thế tăng về cường độ, tần suất. Trong khi đó, đập được xây dựng trong phạm vi ảnh hưởng của đới đứt gãy cấp 2 Trà My, đã hoạt động từ lâu, có chiều rộng từ 10-30km, chiều dài 67km, có khả năng phát sinh động đất cực đại từ 5,0-6,1 độ richter, cao hơn khẳng định của EVN.

GS Triều thẳng thắn bày tỏ lo ngại, không loại trừ khả năng xảy ra kịch bản xấu nhất với Sông Tranh 2. Trên thế giới, 1% số đập đã có sự cố. Năm 1975, sự cố vỡ đập Bản Kiều (Trung Quốc) đã gây ra thảm họa đại hồng thủy lớn nhất thế giới. Ở Việt Nam, các đập lớn chưa có sự cố, tuy nhiên các đập nhỏ, hiện tượng vỡ đập đã xảy ra. Gần đây nhất, ngày 4/10/2010, mưa lớn kéo dài đã dẫn đến tràn đập Hồ Ô gây ngập lụt nghiêm trọng.

Cùng chung quan điểm, PGS.TSKH Phạm Văn Quýnh (Đại học Quốc gia Hà Nội), ủy viên hội đồng khoa học đánh giá kết quả thực hiện đề án trên, cho hay, đập Sông Tranh 2 nằm trên nền đá granite là rất nguy hiểm. Đá granite rất cứng nhưng khi gặp nước lại mềm đi nhiều, khiến nền móng đập trở nên yếu. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia độc lập cũng cho thấy có tới 12 đứt gãy hoạt động trong khu vực xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2.

GS.TS Cao Đình Triều khẳng 
định: Động đất ở Sông Tranh 2 là “hiện tượng đặc biệt”
Đông đất liên tiếp diễn ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 khiến đời sống của người dân  đảo lộn.

Đáng lưu ý nhất là đứt gãy Trà My rất phức tạp, có bề rộng 10-30km và dài 6-7km. Đứt gãy này được nhận định đi qua khu vực đập thủy điện Sông Tranh. “Đã có sai lầm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng đập Sông Tranh 2, không có quốc gia nào xây thủy điện ở vị trí có đới đứt gãy hoạt động, trên nền móng đá granit. Hiện Sông Tranh 2 mới ở cao trình 140m đã xảy ra động đất 4,2 độ richter. Nếu mực nước lên cao trình 172m, khả năng phát sinh động đất cực đại là rất lớn. Chủ đầu tư Sông Tranh 2 phải có trách nhiệm trước nỗi hoang mang của nhân dân” - ông Quýnh cảnh báo.

TS Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam, gay gắt cho rằng: Nếu không thận trọng, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 và nhiều người dân có thể phải trả giá ghê gớm vì công trình này.
 
Đồng quan điểm, GS-TS Vũ Trọng Hồng, cho rằng, điểm yếu của Việt Nam là chưa hề có đánh giá về động đất kích thích ảnh hưởng đến thủy điện như thế nào, Việt Nam cũng chưa có bất cứ nhà khoa học nào chuyên sâu về động đất kích thích. Với thực trạng hiện nay, ông Hồng tiếp tục đề xuất: không nên tích nước tại Sông Tranh 2.

 Phạm Thanh