4.000 tỉ đồng hay 40.000 mạng người?

(Dân trí) - Mất 4.000 tỉ đồng cũng là tiền của dân, nhưng dân thà mất tiền hơn mất mạng. Tất nhiên, để công bằng và đúng phép nước, cần phải xử lý những người đưa ra quyết định xây dựng công trình này. Theo ý kiến các bạn, nên chọn 4.000 tỉ đồng hay 40.000 mạng người?

 

 

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 

 

Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn Quốc hội tỉnh Quảng Nam tại huyện Bắc Trà My, vấn đề được bàn luận căng thẳng nhất chính là thảm họa ẩn chứa từ công trình thủy điện Sông Tranh 2. Đã có kiến nghị rất mạnh dạn cần phải hủy công trình này để đảm bảo an toàn tính mạng cho dân.

Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui nêu ý kiến: “Từ khi Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đến nay đã xảy ra rất nhiều trận động đất. Không ai đọc được chữ “ngờ” do thiên tai hết. Thứ nhất là không cho Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước và  thứ hai là phải hủy bỏ Thủy điện Sông Tranh 2”.

Nguyên phó thư huyện ủy Bắc Trà My – ông Huỳnh Tấn Sâm phát biểu: “Đập Thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế không có cửa xả đáy nên đây là vấn đề hết sức lo lắng cho nhân dân. Vì tính mạng hàng ngàn người dân Quảng Nam, chúng tôi kiến nghị Trung ương phải thuê các chuyên gia giỏi của nước ngoài để vào cuộc, cần có đánh giá chính xác về động đất lâu dài, có đảm bảo an toàn cho Thủy điện Sông Tranh 2 không. Không nên để thảm họa xảy ra rồi ngồi đó mới tính, rồi ân hận”.

Cho đến nay, dù ai có nói cách gì dân cũng không còn tin về sự bảo đảm an toàn từ phía Tập đoàn điện lực VN (EVN). Học sinh học tốt sao được khi luôn trong tình trạng sơ tán vì động đất? Người dân làm ăn sao được khi bị ám ảnh tính mạng và tài sản có thể bị hủy hoại bất cứ lúc nào? An cư mới lạc nghiệp, cư bất an thì không thể xây dựng cơ nghiệp.

Mới đây, trả lời báo chí, TS. Sinh học Lê Trần Chấn phải thốt lên trong kinh ngạc : “EVN liều thật. Họ đã hợp pháp hóa tài liệu của hội thảo thành nghiên cứu khoa học về động đất kích thích tại thủy điện Sông Tranh 2. Thậm chí họ liều đến mức còn ‘bịa” rằng trong báo cáo phân tích của tôi đánh giá về Thủy điện Sông Tranh 2”. Các tài liệu khác còn chứng minh, EVN đã không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với công trình này, mà dùng các xảo thuật để hợp thức hóa nó. Đối với một công trình lớn và hệ trọng liên quan đến tài sản, sinh mạng của nhân dân, họ dám phù phép như vậy thì quả thật là quá liều.

Công trình Thủy điện Sông tranh 2 được đầu tư với tổng vốn hơn 4.000 tỉ đồng. Nếu hủy là coi như mất trắng, nhưng đổi lại là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hơn 40.000 dân vùng hạ lưu. Đó là bài toán cần phải có lời giải, quyết định lúc này để không tới lúc quá muộn. Nếu ai nói an toàn, thì phải ký cam kết chịu trách nhiệm? Người chịu trách nhiệm không phải chỉ là lãnh đạo của EVN mà những vị lãnh đạo thuộc các cấp cao hơn.

Mất 4.000 tỉ đồng cũng là tiền của dân, nhưng dân thà mất tiền hơn mất mạng. Tất nhiên, để công bằng và đúng phép nước, phải  đưa những người có trách nhiệm quyết định xây dựng công trình này ra để xử lý.

Theo ý kiến của các bạn, nên chọn 4.000 tỉ đồng hay 40.000 mạng người?

 

 

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!