1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Người dân có thể phải gánh 2 loại phí lưu hành xe

(Dân trí) - Bộ Giao thông vận tải vừa đưa ra đề xuất thu phí lưu hành đối với xe mô tô, gắn máy, xe ô tô cho quỹ bảo trì đường bộ. Như vậy, nếu tính cả việc Hà Nội, TPHCM thu phí ùn tắc, người dân có thể phải gánh 2 khoản phí lưu hành xe.

Theo ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Giao thông vận tải): Cục Đường bộ đã xây dựng hai phương án thu phí bảo trì đường bộ: thu phí phương tiện qua giá xăng dầu hoặc thu phí các loại xe qua đăng ký, đăng kiểm mới.
 

Phương án 1 là thu qua giá xăng dầu. Theo đó, tổ chức cá nhân nhập khẩu hoặc sản xuất chế biến xăng dầu có nghĩa vụ nộp đủ, đúng hạn số tiền phí xăng dầu vào ngân sách nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế. Phí xăng dầu được tập trung toàn bộ cho ngân sách Trung ương quản lý, sử dụng theo Luật ngân sách nhà nước hiện hành.

 

Mức thu cụ thể là 1.000đ/lít đối với xăng các loại và 500đ/lít đối với dầu diezel. Theo phương án này, 50% số phí thu được (ước khoảng 3.400 tỷ đồng) sẽ chuyển vào quỹ bảo trì đường bộ.

 

Tuy nhiên, phương án này gặp nhiều khó khăn bởi các loại hình không tham gia giao thông đường bộ như đường thủy, đường sắt, sử dụng thiết bị phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp cũng phải đóng phí.
 
Người dân có thể phải gánh 2 loại phí lưu hành xe - 1
Hạ tầng giao thông xuống cấp đang là nỗi "kinh hoàng" của người dân

 

Phương án 2 là thu theo đầu xe mô tô, xe máy đăng ký mới và thu lưu hành xe ô tô.

 

Về lưu hành ô tô, mức thu tính theo tháng trong chu kỳ kiểm định và theo trọng tải 5 nhóm xe được quy định. Nhóm chịu phí thấp nhất là 1,2 triệu đồng/tháng, nhóm sau tăng 20% so với nhóm trước.

 

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến ngày 31/3/2009, cả nước có hơn 982 nghìn xe ô tô, như vậy tổng số tiền dự kiến thu được khoảng 1.407 tỷ đồng. Cơ quan thuế và cơ quan đăng kiểm đứng ra thu được hưởng phần trăm, số còn lại sẽ đưa vào quỹ quản lý bảo trì đường bộ.

 

Về lưu hành mô tô, xe máy, các phương tiện này sẽ đóng phí một lần khi đăng ký mới, mức thấp nhất là 300.000 đồng/xe, cao nhất là 1,5 triệu đồng/xe. Theo tính toán, nguồn thu này đạt khoảng 2.103,6 tỷ đồng/năm.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, “cần thay đổi quan niệm coi việc sử dụng đường là đương nhiên, miễn phí sang quan niệm sử dụng đường bộ cũng là sử dụng dịch vụ công cộng tương tự như nước sạch, điện, điện thoại… Người sử dụng phải trả tiền để nhận được dịch vụ ngày càng tốt hơn”.

 

Đề xuất thu phí lưu hành phương tiện của Bộ GTVT hoàn toàn tách rời với đề án thu phí nhằm giảm ùn tắc giao thông mà Hà Nội và TPHCM đang kiến nghị. Trong trường hợp này, người dân tại hai thành phố lớn kể trên có thể phải “cõng” hai loại phí lưu hành xe.

 

Dự kiến mức thu với ô tô:

 

- Nhóm 1: ô tô 12 chỗ ngồi trở xuống, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt là 1,2 triệu đồng/tháng.

 

- Nhóm 2: ô tô 12 - 30 chỗ, xe tải 2 - 4 tấn, mức phí tăng 20% so với nhóm 1

 

- Nhóm 3: ô tô từ 31 chỗ trở lên, xe tải 4 - 10 tấn, mức phí tăng 20% so với nhóm 2

 

- Nhóm 4: ô tô 10 - 18 tấn, xe container 20 feet, mức phí tăng 20% so với nhóm 3.

 

- Nhóm 5: ô tô tải 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet, mức phí tăng 20% so với nhóm 4.

 

Dự kiến mức thu với mô tô, xe máy:

 

- Xe gắn máy là 300 nghìn đồng/xe.

 

- Mô tô có dung tích xi lanh từ 70 - 100cm3 là 600.000 đồng/xe.

 

- Mô tô từ 100cm3 - 175cm3 là 1.100.000 đồng/xe.

 

- Mô tô lớn hơn 175cm3 là 1.500.000 đồng/xe.

 

 

Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm