1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Người dân các nước cũng rụt rè tố cáo tham nhũng”

(Dân trí) - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng hiện nay việc tố cáo nói chung, tố cáo tham nhũng riêng, không chỉ riêng ở Việt Nam mà người dân các nước cũng rụt rè trong việc này.

Ông Trần Đức Lượng - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.
Ông Trần Đức Lượng - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

Trao đổi với PV Dân trí bên lề buổi lễ phát động chương trình nhân rộng sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) diễn ra sáng 23/6, ông Trần Đức Lượng - Phó tổng Thanh tra Chính phủ - cho biết Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phối hợp với cơ quan chức năng đánh giá về hiệu quả, hiệu lực của các quy định về bảo vệ người tố cáo chống tham nhũng.

“Trong thực tế, quy định về bảo vệ người tố cáo đã có rồi. So với quy định của các nước thì tương đối đầy đủ, phù hợp nhưng khả thi thế nào thì Thanh tra Chính phủ đang gửi văn bản đi xin ý kiến của các địa phương, cơ quan liên quan và đến nay nhận được chưa nhiều phản hồi. Khi có đầy đủ thông tin, Thanh tra Chính phủ sẽ thông tin rộng rãi về chuyện này. Tôi hi vọng rằng việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng tới đây thì phần về bảo vệ người tố cáo chống tham nhũng sẽ được chú ý hơn nữa”- ông Lượng nói.

Phóng viên: Như ông nói, quy định về bảo vệ người tố cáo tham nhũng khá đầy đủ, cơ chế khen thưởng rất cao, nhiều nơi còn mua tin báo tố giác nhưng tại sao người dân e dè, ngại tố cáo tham nhũng như vậy ?

Ông Trần Đức Lượng: Theo cá nhân tôi đây là vấn đề nhận thức. Nhận thức thì phải có quá trình, ngay cả vấn đề thưởng lớn cho người tố cáo cũng thế thôi. Qua quá trình khảo sát có người nói rằng “tôi tố cáo không phải vì để được thưởng”, nhưng cũng có người dân nói rằng “tôi tố cáo và giúp nhà nước thu hồi được nhiều tiền như vậy thì phải thưởng cho tôi xứng đáng”. Cái này còn phụ thuộc vào công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Cả xã hội phải cùng vào cuộc. Chúng ta đã có đề án, chỉ thị rồi và đưa vào rất tốt. Khi chúng tôi báo cáo, các quốc gia thành viên coi đây là một mô hình để học tập. Mình có nhiều thực tiễn tốt, thế giới học tập mình và đồng thời thế giới cũng có nhiều thực tiễn tốt để mình học tập như về việc bảo vệ người tố cáo và xử lý tố cáo nặc danh.

Hiện nay việc tố cáo nói chung, không riêng ở Việt Nam đâu, người dân các nước, theo chúng tôi biết cũng rụt rè trong việc này. Hiện nay có nhiều ý kiến về việc xử lý tin tố giác nặc danh thế nào? Không phải chúng ta không có cơ chế giải quyết. Chúng ta đã có cơ chế giải quyết thông qua xử lý tin báo tố giác tội phạm hoặc là nguồn xử lý thanh tra, kiểm tra, giám sát. Nhưng tôi cho rằng cái nguồn đó phải được phát huy hiệu quả, mạnh mẽ hơn thì người dân sẽ dũng cảm tố cáo.

Trung Quốc không phân biệt tin báo tố giác, dù đó là nặc danh hay chính danh người ta đều thụ lý hết. Thế nhưng ở ta đơn nặc danh muốn thụ lý phải có điều kiện. Bây giờ phải xem lại các điều kiện đó có phù hợp hay không, không phù hợp thì phải lược bỏ, như trong điều kiện để sản xuất kinh doanh ấy, có nhiều điều kiện quá thì người ta sẽ không tự do kinh doanh được, nên giờ phải lược bỏ, giảm bỏ đi những cái không cần thiết. Tôi cho rằng khi đó vai trò của người dân, xã hội, báo chí sẽ được phát huy một cách mạnh mẽ hơn và như vậy thì phòng chống tham nhũng mới phát huy hiệu quả. Công việc chống tham nhũng không phải chỉ của Nhà nước. Không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác cũng như vậy.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay chúng ta có quá nhiều cơ quan tiếp nhận, xử lý đơn thư tố giác tham nhũng nhưng lại không có đầu mối giám sát chặt chẽ việc giải quyết, xử lý và quy trách nhiệm khi vụ việc không được làm đến nơi đến chốn, khiến người tố cáo e dè ?

Hiện nay đã có quy định cả rồi, đặc biệt trong việc xử lý tin báo tố giác tội phạm đã có quy định, trách nhiệm của cơ quan công an, kiểm sát đến đâu. Xử lý đơn thư tố cáo của người có thẩm quyền cũng có quy định trách nhiệm rồi nhưng như bạn nói, có nhiều chủ thể có thẩm quyền tiếp nhận quá nên xem xét bị loãng ra.

Tới đây, theo cá nhân tôi cũng cần có một đầu mối, khi xác định được thì đầu mối đó phải chịu trách nhiệm tới cùng, có thể thẩm quyền giải quyết không phải là anh, nhưng theo dõi, giám sát vụ việc phải có cơ quan đầu mối. Đã có lúc đề xuất giao Thanh tra Chính phủ là đầu mối để thực hiện việc này, nhưng cái này phải thảo luận, bởi đây mới là ý tưởng. Quá trình xây dựng dự án Luật Phòng chống tham nhũng tới đây sẽ còn lấy ý kiến của người dân về chuyện này nữa.

Xin cảm ơn ông !

Thế Kha (thực hiện)