Đà Nẵng:
Người dân bức xúc vì giá đền bù dự án đường cao tốc quá "bèo"
(Dân trí) - Nếu nhận tiền đền bù, người dân không đủ để trả tiền công thợ khi xây dựng một căn nhà mới giống như căn nhà cũ, chưa nói đến tiền đâu mua vật liệu xây dựng và đủ các thứ khác.
Hàng chục người dân ở xã Hòa Tiến (Hòa Vang, Đà Nẵng) vừa gửi đơn thư đến UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan liên quan cùng báo chí kiến nghị về giá đền bù nhà cửa và đất vườn sẽ bị giải tỏa trong dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Ông Lê Văn Khanh (trú thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến) có diện tích nhà và đất vườn tổng cộng hơn 101m2, được Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 2 (thuộc Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) chia làm 2 mức giá đền bù khác nhau; trong đó ông được áp giá cho đất thuộc diện tích nhà 90m2 là 136.000đồng/m2 và đất khuôn viên hơn 11m2 với giá 65.800 đồng/m2. Tổng cộng với vật kiến trúc khác ông được nhận gần 155 triệu đồng.
Còn ông Đặng Hữu Trung (trú thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến) có diện tích nhà và vườn tổng cộng 251m2. Với tổng diện tích này, ông được Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 2 chia làm 3 mức giá khác nhau; trong đó 150m2 được áp cho diện tích đất nhà với giá 136.000đồng/m2, 91m2 được áp giá cho đất khuôn viên (đất thổ cư) là 65.800đồng/m2 và đất cây trồng hàng năm là 10,8m2 với giá 50.000đồng/m2. Cùng với các vật kiến trúc khác, ông Trung sẽ được nhận trên 263 triệu đồng.
Theo trình bày của người dân ở đây, họ không thể chấp nhận mức giá đất nhà chỉ có 136 ngàn đồng/m2. Bên cạnh đó, đất thổ cư thuộc đất ở không thể phân loại đất khuôn viên và đất trồng cây lâu năm. Nhà cửa áp giá theo quyết định 62/2012/QĐ/UBND và 63/2012/QĐ-UBND ngày 20/12/2012 là không phù hợp với thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, diện tích đất tái định cư chưa áp dụng cụ thể, việc bố trí tái định cư và hỗ trợ tái định cư tự do phải rõ ràng như mỗi hộ nhận được bao nhiêu lô, loại đường nào… Đặc biệt người dân yêu cầu Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 2 phải tổ chức họp dân, đối thoại với dân trước khi tiến hành giải tỏa.
Theo ông Đặng Văn Đây (trú thôn Lệ Sơn 2), cách đây 2 năm Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 2 đã tổ chức họp dân nhưng nói chung chung, chưa cụ thể mà sau đó lại áp giá đền bù. Cán bộ đi kiểm định không đưa ra bảng giá cho bà con xem, không niêm yết giá. Đất cùng trong 1 sổ đỏ lại bị chia ra áp đến 2-3 mức giá khác nhau khiến người dân không hiểu.
Tại thôn Thạch Bồ (xã Hòa Tiến), trên 10 hộ dân cũng gởi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng thắc mắc về giá đền bù nhà và đất của mình. Ông Đặng Ngọc Hòa có 773m2 đất ở và khuôn viên, trong đó ông cũng được chia ra 2 phần để áp giá. Tổng cộng ông được đền bù trên 770 triệu đồng.
Với cách tính giá này, theo ông Hòa là “gây thiệt thòi cho người nông dân chúng tôi quá. Tôi có 8 khẩu gồm mẹ, hai vợ chồng và con, nếu chia đều thì mỗi người chưa đến 100 triệu đồng, làm sao mà xây dựng lại nhà cửa. Trong khi đó gia đình tôi thuộc diện chính sách”.
Theo ông Hòa, năm 2011, cán bộ Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 2 có đến kiểm định và đo đạc, sau đó bảo dân chúng tôi ký thì ký. Đến tháng 4/2013 người dân ở đây bất ngờ nhận được bản áp giá đền bù, trong khi đó người dân không được gặp cán bộ Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 2 hay cơ quan chức năng nào để đối thoại, nêu thắc mắc của mình để thỏa mãn.
Bất ngờ nhất là cuối tháng 3 vừa qua, người dân nằm trong diện giải tỏa của dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi ở xã Hòa Tiến nhận được giấy mời của Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 2 lên nhận tiền. Với số tiền quá thấp, tất cả người dân đều không nhận. Đến ngày 10/4, người dân nhận được giấy mời của xã Hòa Tiến để đăng ký tái định cư.
Tuy nhiên, tại cuộc họp này người dân chỉ được gặp lãnh đạo xã chứ không có cán bộ nào của Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 2 để đối thoại; vì thế những ý kiến của người dân không được giải quyết thỏa đáng vì xã chỉ là đơn vị trung gian ghi nhận ý kiến của người dân rồi gởi lên các cấp cao hơn giải quyết.
“Chúng tôi đều đồng thuận với chủ trương của Nhà nước về việc xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi nhưng với giá đền bù như thế thì chúng tôi không chấp nhận”, người dân cho biết.
Ngày 24/4, trao đổi với PV Dân trí về những kiến nghị của người dân về giá đền bù quá thấp, ông Võ Ngọc Học – Trưởng Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 2 – cho biết, giá đền bù cho người dân là do quy định của TP Đà Nẵng, đơn vị chỉ thực hiện theo. Còn người dân có ý kiến thì ông sẽ trả lời để cho dân hiểu.
Ông Học cũng cho rằng giá đền bù thấp thì người dân sẽ trả tiền đất tái định cư cũng thấp chứ không theo giá thị trường. Khi PV đặt câu hỏi với số tiền đền bù thấp như thế thì người dân sẽ không đủ tiền để xây dựng một căn nhà mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ? Ông Học cho rằng người dân khi nhận đất có thể nợ tiền sử dụng đất trong thời gian từ 5-10 năm, ngoài ra còn có chính sách hỗ trợ đối với một số trường hợp khó khăn.
Khi PV hỏi vì sao giá đền bù được tính từ năm 2011, đến nay người dân mới nhận theo giá cũ? Ông Học cho biết: “Chính sách giá thời điểm nào thì áp dụng theo thời điểm đó”. Ông Học cũng cho rằng không thể áp dụng giá đất nông thôn của người dân đang ở với đất trong khu tái định cư đã được quy hoạch có hạ tầng đầy đủ.
Đây là lần thứ 2 người dân bị giải tỏa dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi ở xã Hòa Tiến kiến nghị về giá đền bù. Tháng 12/2012, người dân ở đây cũng bức xúc với giá đền bù đất ruộng quá thấp và phản ảnh với cơ quan có thẩm quyền cùng báo chí; sau đó Dân trí đã phản ảnh qua bài viết “Dân bức xúc vì giá đền bù dự án đường cao tốc quá thấp”. Sự việc sau đó được cơ quan chức năng Đà Nẵng giải quyết ổn thỏa cho người dân.
Công Bính