1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nam:

Người đàn bà tật nguyền và mong muốn được hiến xác cho Y học

(Dân trí) - Cuộc đời bà vốn đã kém may mắn, sống một cuộc sống cô độc, bản thân bà lại bị căn bệnh teo cơ hành hạ, phải sống cảnh tật nguyền, nhưng bà vẫn mong sau khi qua đời có thể được hiến xác cho Y học, góp phần giúp đỡ những số phận kém may mắn khác.

Đó là ước muốn cao cả của bà Nguyễn Thị Túy (63 tuổi), ở xóm 4, phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Một người phụ nữ không may bị tật nguyền, sống cô độc nhưng lại có tấm lòng nhân hậu.

Tuổi thơ bất hạnh của cô bé học giỏi

Vừa ngồi tay thêu tấm khăn, bà Túy vừa kể lại cuộc đời “chát đắng” của mình. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 3 anh chị em, từ nhỏ bà Túy vốn như những đứa trẻ bình thường khác. Bản thân bà từ nhỏ lại ham học hỏi, làm thơ giỏi, chăm ngoan có tiếng ở vùng quê đồng bằng chiêm trũng này.

Bà Nguyễn Thị Túy, người đàn bà tật nguyền muốn hiến xác cho Y học
Bà Nguyễn Thị Túy, người đàn bà tật nguyền muốn hiến xác cho Y học

Thời cắp sách đi học, bà Túy luôn mơ ước sau này sẽ trở thành kỹ sư khai thác dầu mỏ, được theo những con tàu đi khắp mọi miền của đất nước. Quyết tâm trở thành kỹ sư còn cô học trò Túy ngày ấy thể hiện qua 2 câu thơ tự sáng tác, viết trên góc học tập để tự động viên mình: “Ta sẽ khai mỏ dầu thật sạch/ Đóng những con tàu đi khắp đại đương”.

Ước mơ ấy càng gần hơn khi bà thi đỗ Đại học Hàng Hải. Nhưng số phận trớ trêu đã không mỉm cười với bà. Đúng lúc ước mơ sắp thành hiện thực thì bà bị căn bệnh quái ác hành hạ. Trong một buổi sáng thức dậy, hai chân bà Túy tự dưng tê buốt, không thể nào đi nổi. Ba ngày sau đó, chân bà đã không thể lê nổi. Gia đình cấp tốc đưa bà vào viện khám thì được bác sỹ kết luận bà bị teo cơ.

Ước mơ đến giảng đường Đại học với bà Túy bỗng chốc tan biến. Trở về nhà, bà Túy nhiều lần phó mặc số phận, muốn buông xuôi tất cả. Nhưng vì thương bố mẹ, bà lại gắng gượng mà sống.

Ước mơ cuối đời của người đàn bà tật nguyền cô độc

Đôi mắt ướt nhòe bà Túy kể lại gia cảnh bất hạnh: “Vào năm 1971, anh trai cả của tôi lúc đó đang là giáo viên cấp hai, tuổi còn trẻ nhưng không may bị viêm màng não, không được phát hiện, đã qua đời ở tuổi 27. Rồi năm 1987, chị gái cũng tật nguyền, bỏ gia đình mà đi sau một đêm đi dạy thêu về dính nước mưa”.

Rồi bố mẹ bà cũng khuất núi, bỏ lại một mình bà không người thân thích trên thế gian. Bà sống cô độc, làm bạn với những tấm khăn, thuê thùa kiếm sống qua ngày. Cũng may có hàng xóm láng giềng luôn quan tâm giúp đỡ bà nên bà đỡ tủi thân.

Căn nhà nhỏ nơi bà Túy một mình sống đơn độc suốt nhiều năm qua
Căn nhà nhỏ nơi bà Túy một mình sống đơn độc suốt nhiều năm qua

Bà Túy cho biết, ngày trước bà thêu vá tại trung tâm công tác xã hội tỉnh Hà Nam, nhưng sức khỏe yếu dần bà xin về. Về nhà, ngoài việc dựa vào việc thêu thùa để sống, bà còn được hưởng 360 nghìn đồng/tháng trợ cấp. Căn nhà bà đang ở cũng là nhà tình nghĩa của chính quyền, trung tâm công tác xã hội cùng bà con chung tay giúp giúp đỡ.

Bà Túy cũng như bao người phụ nữ khác, mơ ước có một gia đình nhỏ nhỏ, có vợ chồng con cái quây quần bên nhau. Nhưng mơ ước ấy với bà đúng là thứ vô cùng xa xỉ.

Bà Túy hi vọng, nguyện vọng cuối cùng được hiến xác cho Y học sẽ thành hiện thực
Bà Túy hi vọng, nguyện vọng cuối cùng được hiến xác cho Y học sẽ thành hiện thực

Cuộc sống với bà cứ trôi qua trong sự cô độc, bất hạnh như vậy. Năm 2011, theo dõi qua ti vi, đài báo, bà thấy sự phát triển của ngành Y nước ta còn kém so với nước ngoài, trong đầu bà bắt đầu nảy ra ý định muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa... Rồi bà nảy ra ý định sau này, lúc mất đi, bà được hiến xác cho Y học, phục vụ công tác nghiên cứu, chữa bệnh, tạo thêm cơ hội sống cho những người bệnh khác...

Bà Túy cho biết: “Tôi cũng đã tiến hành làm thủ tục, hồ sơ liên quan đến việc đăng ký hiến xác để gửi lên Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Hà Nam và trường Đại học Y Hà Nội phê duyệt... Hi vọng, nguyện vọng cuối cùng của tôi sẽ thành hiện thực!”.

Đức Văn