1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người đàn bà tận khổ

Trong vòng ba năm, mệ Quế phải chôn cất cả thảy chín người thân. Nước mắt mệ như vơi cạn giữa cuộc đời cay nghiệt.

Mệ Nguyễn Thị Quế 75 tuổi. Tóc bạc răng long, mệ Quế tưởng cuộc đời thế là hạnh phúc. Ai ngờ trong vòng mấy năm mà chồng, con, dâu, cháu cứ lần lượt bỏ mệ ra đi.

 

Những cái chết bất ngờ

 

Nhà mệ Quế ở trên hòn đảo hiu quạnh nổi giữa sông Gianh (xã Quảng Minh, Quảng Trạch, Quảng Bình). Muốn qua nhà mệ phải đi đò. Trên bến thuyền, hỏi nhà mệ Quế, ai cũng biết hoàn cảnh. Bác lái đò than thở: “Đời, thường tình đã khổ, mệ Quế khổ ngàn vạn lần. Chồng con chết đột ngột, đi hết đứa này đến đứa khác, khổ tận cam lai, họa vô đơn chí…”.

 

Liếp nhà của mệ nằm khuất cuối xóm, tuềnh toàng, trống hoác, mệ ngồi thu lu trong góc nhà nhìn những di ảnh của người thân mà độc thoại: “Răng đi hết để mệ ở lại một mình!”. Nghe tiếng bà Thảo (hàng xóm) dẫn chúng tôi vào, mệ ngoảnh mặt ra chẳng buồn hỏi chuyện. Gợi mãi, mệ mới bắt đầu kể những cái chết bất đắc kỳ tử của gia đình mình mà đến giờ mệ vẫn không lý giải được.

 

Đầu tiên là người con dâu Nguyễn Thị Chí, vợ của con trai cả Nguyễn Văn An. Chị Chí là một phụ nữ đảm đang, sớm hôm tảo tần chăm sóc nhà chồng. Một hôm cả nhà dậy đi bắt cá ven sông, gọi chị Chí chuẩn bị lưới cụ, gọi mãi không thấy động tĩnh, mệ Quế vô mở màn ra thì người chị Chí đã lạnh tanh, chân tay cứng đơ, ngưng thở tự lúc nào. Mệ than thở: “Cả nhà tựa vô con dâu cả, miếng cơm manh áo đều một tay nó lo liệu. Chồng con, anh em đi bắt cá dọc sông Gianh đưa về cho hắn bán. Được bao nhiêu hắn tính toán, đắp đổi cho cả nhà. Hắn tháo vát, siêng năng lắm. Vậy mà ông trời nỡ cướp hắn trên tay tui!”. Nấc lên từng hồi trong dòng nước mắt, mệ Quế kể tiếp: “Con dâu chết chưa hết tang thì đến chồng tui, ông cũng chẳng ốm đau chi, ngủ một đêm, sáng dậy chẳng còn tiếng tăm. Cứ nghĩ do già yếu nên cả nhà, cả họ động viên nhau như thế để khói hương, chôn cất ông”.

 

Người đàn bà tận khổ

Mệ Quế với bàn thờ di ảnh chồng, các con mình. Những đứa chưa được lập di ảnh vì khi sống chúng chưa kịp chụp ảnh. Ảnh: Minh Quê

 

Sáu tháng mất bảy người thân

 

Đầu năm, hai đứa con của em chồng chết vì đột quỵ. Mệ thay mặt chồng chịu tang, đưa tiễn họ về nơi chín suối. Nhưng tận khổ chưa dừng lại. Từ đầu năm 2013 đến nay mệ Quế lại phải chứng kiến tiếp những người con, cháu trong nhà lần lượt ra đi. Đầu tiên là người con cả Nguyễn Văn An, ngoài 53 tuổi. Mệ kể: “Vợ mất, hắn ở lại trong nhà với tui. Trong làng ai thuê chi hắn cũng trải lưng ra lao động kiếm ngày vài chục tới trăm ngàn đồng mua gạo nuôi cả nhà”. Rồi bữa tối mùng bảy tết, anh An đi làm về, thấy phần cơm ít, mệ Quế nhường cho anh An để mệ ăn chút mì tôm còn sót trong bếp nhưng anh An không chịu. “Hai mạ con cứ nhường nhau, tự nhiên thằng con tui nói như linh tính điều gì. Nó sợ nó chết rồi tui khổ, chẳng có ai nương tựa. Tui sợ quá cắt ngang: “Đừng có nói tầm bậy!”. Thế mà tối đó nó gọi tui và cả nhà dậy nói lời từ biệt rồi ngã ra giường mất luôn”.

 

Chưa hết ngày thứ 49 tang con cả, mệ Quế lại nhận một cú sốc khác, người con thứ (anh Sự, 49 tuổi) cũng tự nhiên lăn đùng ra chết. “Sáng sớm ấy thằng Sự đi đơm đó ngoài sông rét lạnh, không ăn chi, lại ngâm dưới nước sông cả ngày, kiếm được ít cá, lên bờ bán có chút tiền, hắn xin vợ cho 2.000 đồng đi mua cốc rượu, uống xong mấy phút thì ngã xuống đất chết. Tui không biết sao ông trời lại lột con cái người thân của tui hết người này đến người khác” - mệ Quế lại vắt lai quần quệt nước mắt mếu máo.

 

Số phận nghiệt ngã vẫn chưa dừng lại, người con út của mệ Quế - anh Nguyễn Văn Lý cũng bỏ mệ mà đi khi tang trắng của người con thứ chưa quá một tháng.          

 

Tang con chưa xong đến tang cháu ruột. Đứa cháu trai con anh An đi biển, tàu chìm không tìm được xác. Mệ phải lập mộ gió để hương khói. “Ruột đứt chưa lành”, hung tin nữa lại đến khi mới đây, đứa con thứ hai của anh An (làm thợ hồ ở xã bên) chết tức tưởi ở đầu làng do tai nạn giao thông. Quệt nước mắt, mệ thở dài: “Phải hương khói cho đám tóc xanh, quá là đau lòng. Đáng ra chúng phải hương khói cho tui mới phải. Sao ông trời bắt tui phải khổ thế này?”.

 

Nhà mệ Quế xơ xác, tiêu điều khi tang trùng tang. Ảnh: Minh Quê
Nhà mệ Quế xơ xác, tiêu điều khi tang trùng tang. Ảnh: Minh Quê

 

Khổ tận cam lai

 

Chúng tôi tìm cách hỏi về cuộc sống thường nhật, mệ Quế lại nấc trong nước mắt: “Giờ vợ thằng Sự, vợ thằng Lý xin tui đưa các con về nương tựa bên nhà ngoại hết. Thằng An thì cả hai vợ chồng mất rồi, để lại bốn đứa con thì mất hai đứa, còn hai đứa ở với tui. Cũng vì nghèo mà một đứa chẳng được học hành chi. Thằng Nguyễn Văn Bình 20 tuổi rồi, ngày ngày lên rừng kiếm củi bán mua gạo, còn đứa con út Nguyễn Văn Luận đang học lớp 9 ở trong xã. Tui cố vay mượn cho nó học, có bữa hắn xin tui 2.000 đồng nộp quỹ lớp, tui nuốt nước mắt nói với hắn: “Mệ chẳng có đồng nào nữa, cháu ơi!”. Tui tủi thân tủi phận, 2.000 bạc cũng chẳng có cho cháu như chúng bạn nữa, chú ơi!”. Kể đến đó mệ lại khóc, tiếng khóc của mệ nấc lên từng hồi, đứt quãng. Mệ gánh vác nỗi đau quá lớn, không gì có thể bù đắp.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Minh, cho hay trường hợp mệ Quế, xã đã tính đến nhưng chưa có cách gì để hỗ trợ chính sách, không kiếm ra được nguồn nào hằng tháng, hằng năm. Xã chỉ biết vận động nhân dân ủng hộ để giúp mệ Quế vượt qua hoạn nạn. Nhưng bà con cũng nghèo, thôi được chút nào hay chút ấy!

 

Bí thư chi bộ thôn Minh Hà - ông Nguyễn Trung Thành cho biết chỉ riêng thôn ông, sáu tháng đầu năm 2013 đã có 14 người mất khi còn trẻ, người bị tai nạn giao thông, người bị đột quỵ… Trường hợp mệ Quế là khổ nhất, nghèo nhất nhưng thôn cũng chưa làm gì được vì người dân nơi đây quá nghèo. Ông mong muốn có cá nhân, đơn vị nào đó giúp đỡ để mệ Quế có thể nuôi cháu học hành tới nơi tới chốn và thoát được cảnh nghèo khó. Người dân thôn nghèo này chỉ có thể góp ít gạo giúp mệ tằn tiện qua ngày.

 

Theo Minh Quê
Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm