Người đàn bà “câu xác” trên sông Lam
(Dân trí) - Theo nhẩm tính của một nhân viên trạm thu phí cầu Bến Thủy, mỗi năm có khoảng 10-15 người trẫm mình tại cây cầu này. Nhận “trách nhiệm” vớt xác những con người dại dột ấy về cho gia đình an táng là một người đàn bà 48 tuổi.
Chị Nguyễn Thị Thủy, nhân viên thu vé Trạm phí cầu Bến Thủy, nhẩm tính, mỗi năm ít nhất cũng có khoảng 10 - 15 người trẫm mình tại cây cầu này. Chị khẳng định, đã nhảy xuống dòng sông Lam hung dữ này thì cầm chắc cái chết. Cầu đã trở thành “nhân chứng sống” của biết bao chuyện tình dang dở, trắc trở…
Và một người gắn liền với những cái chết không đáng có ấy là chị Nguyễn Thị Nguyệt, 48 tuổi, trú tại khối 1, thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh - Người được mệnh danh là người đàn bà “câu xác” độc nhất vô nhị trên dòng Lam, “trục vớt” những linh hồn lầm lỡ, ký thác thân mình xuống sông, để gia đình người xấu số đưa về an táng.
Chị Nguyệt sống cùng người con trai trong ngôi nhà “tí hon” trên bãi bồi cạnh cầu Bến Thủy, làm nghề vạn chài. Gia cảnh nghèo túng, chị Nguyệt còn mang thêm căn bệnh cột sống khó chữa nên nợ nần liên miên.
Chị sinh ra trong một gia đình có tới 12 anh chị em, mẹ mất sớm, cha vội vàng đi bước nữa, chị trở thành trụ cột chèo lái nuôi nấng đàn em. Cả tuổi trẻ của chị gắn với mẻ lưới, cần câu trên dòng Lam. Lo cho các em yên bề gia thất cả, chị đã qua tuổi thanh xuân, ngày ngày đìu hiu cùng sông nước.
Cha mẹ khi xưa nghèo khó, giờ chị cũng theo nghề mẹ cha, kiêm luôn “nghề” vớt xác trên sông Lam. Chị Nguyệt dẫn chúng tôi ra phía triền sông, chỉ tay về phía xa xa cửa biển: “Đó các chú coi, không năm nào không có chuyện buồn ở cây cầu này. Nhiều người chết tội lắm”, chị nghẹn giọng. Thương nhất là khi chị bồng trên tay xác những em học trò, sinh viên. “Có lần tui vớt được cái xác mà không cầm nổi nước mắt, nhìn nét mặt ngây thơ, trên người tử thi còn nguyên bộ áo dài trắng” - Chị Nguyệt nói trong nước mắt.
Thấy chị Nguyệt vất vả, nhiều khi đối mặt với hiểm nguy, người dân xung quanh khuyên chị từ bỏ cái nghề “không ai làm” nhưng chị vẫn có mong muốn: “Mình nghèo thì đã nghèo rồi, khổ thì đã khổ rồi, thôi làm một chữ phúc cho đời cũng tốt”.
Chị có một mong ước, mong sao cậu con trai duy nhất của chị được tiếp tục học lên lớp 10, có học thức để ra đời kiếm một cái nghề tử tế, không phải vất vả như chị bây giờ. Vừa nói, chị vừa nhìn cậu con trai đang lụi hụi đan lại chiếc vớt cũ đã sờn, lén gạt nước mắt.
Trần Minh