Hà Tĩnh:
Người cựu chiến binh mang "án" ung thư, làm kinh tế giỏi
(Dân trí) - Gần 10 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư thanh quản, giờ đây ông không những đã thoát khỏi cái “án tử” mà còn trở thành một trong những hội viên tiêu biểu về nghị lực vượt khó trong làm ăn kinh tế giỏi.
Người chúng tôi muốn nói đến đó là ông Phan Khắc Toàn (SN 1947, trú tại thôn 2, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh)
Nghị lực
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó lại đông anh em. Nên mới 21 tuổi ông Toàn đã lấy vợ là bà Trần Thị Mai, người cùng quê. Và một năm sau, hai vợ chồng chào đón đứa con gái đầu lòng trong niềm hạnh phúc vỡ òa.
Đến năm 1971 mặc dù chưa nằm trong diện chính sách phải đi bộ đội nhưng ông cố nén lòng xa người vợ trẻ, xa đứa con thơ xung phong tình nguyện đi ra chiến trường. Ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình - Trị - Thiên thuộc đơn vị k10.
Sau khi đất nước giải phóng người thanh niên ấy trở về với gia đình, nhưng đau đớn thay ông đã bị di chứng của chất độc màu da cam với thương tật lên đến 70%.
Dù đau đớn nhưng ông vẫn luôn tỏ ra lạc quan. Thế nhưng, “sóng gió, bão bùng” vẫn cứ tiếp tục ập vào cuộc sống của ông.
Năm 2004, khi ông đang định bắt tay vào việc xây dựng mô hình VAC, thì một tai họa ập đến với ông. Bác sĩ cho biết, ông mắc bệnh ung thư thanh quản…
Lúc nhận “án tử” trên tay, ông dường như sụp đổ hoàn toàn. Ông buông xuôi, buồn bã, thậm chí muốn từ bỏ phẫu thuật để tránh gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Thật may, nhờ được sự động viên kịp thời của những người thân trong gia đình, ông như được tiếp thêm nghị lực.
“Lúc đó tôi nghĩ lúc chiến đấu với kẻ thù, ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh đến thế tôi còn không chùn bước, huống gì căn bệnh này”, ông Toàn tâm sự.
Gia đình đã quyết bán toàn bộ tài sản của gia đình được 35 triệu, cộng thêm tiền vay mượn được tổng số tiền là 80 triệu đồng, ông liền ra Hà Nội điều trị.
Sau gần 10 năm kiên trì “đấu tranh” giành sự sống, ông như phát khóc vì sung sướng khi được các bác sỹ cho biết không tìm thấy di căn ung thư trên cổ của ông, bệnh tình của ông đã tốt hơn ông không còn phải điều trị xạ trị nữa.
“Lúc đó tôi đã khóc khi nghe bác sĩ báo tin. Cuối cùng, sau chuỗi ngày dài đằng đẵng tôi cũng đã chiến thắng cái căn bệnh quái ác đó”, ông Toàn vui mừng kể lại.
Mất niềm tin là mất tất cả!
Trong khoảng thời gian chiến đấu với giành giật mạng sống với tử thần bao nhiêu câu hỏi cứ ùa về trong đầu ông: Làm sao để có tiền để tiếp tục đi chữa bệnh? làm sao để có tiền trang trải cho cuộc sống, lo cho vợ con?...
Năm 2006, sau khi nhận được tiền vốn vay từ ngân hàng, ông chia nhỏ ra, một phần dành để trả trả nợ, phần mua tiền thuốc thang, phần còn lại ông quyết tâm đầu tư làm ăn kinh tế.
Ông thuê người làm chuồng nuôi lợn, trâu, bò, kết hợp với chăn nuôi gà, ngan, rồi đào ao thả cá, trồng các loại cây ăn quả với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Nhờ sự quyết tâm, kiên trì học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế của các hộ dân trong xã, mô hình vườn ao chuồng của ông phát triển thuận lợi.
Và giờ đây, trong tay ông đã hơn 20 con trâu, bò, hàng trăm con lợn, hơn 500 con ngan, 0,6 ha các loại cây ăn quả: vải thiều, cam, bưởi và gấn 1 ha diện tích mặt hồ nuôi cá.
Mỗi năm sau khi trừ tất cả các chi phí ông cũng thu về hơn 200 triệu đồng.
Sau hai năm, ông đã trả hết số nợ, đi lên làm giàu bằng đôi tay của mình. Đến năm 2014, khi biết mình đã thoát khỏi cái “án tử”, ông như có thêm động lực. Ông đầu tư thêm hệ thống chuồng trại, mua thêm các thiết bị máy móc, mở rộng quy mô trang trại.
Chính nhờ sự nghị lực, lòng quyết tâm mà ông từ một hộ nghèo trong thôn đã trở thành nông dân giàu có nổi tiếng khắp vùng. Mô hình kinh tế của ông cũng đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người dân trong thôn.
“Bình thường có 2 đến 3 lao động thường xuyên làm việc tại trang trại. Thu nhập cũng 4 đến 5 triệu đồng/tháng”, ông Toàn cho biết.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, bằng kinh nghiệm của mình, ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp con giống, hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho nhiều hộ dân trong xã.
“Lúc đầu thấy ông nợ nần chồng chất, cuộc sống hết sức chật vật , tiền ăn chẳng có mà lại đi vay mượn để đầu tư làm kinh tế không ai nghĩ ông lại có thể làm nên một sự nghiệp như ngày hôm nay” ông Trần Văn Thái, một người hàng xóm của ông Toàn chia sẻ.
Tạm biệt ông Toàn nhưng câu nói của ông khiến chúng tôi nhớ mãi: “Không có gì là không thể. Dù khó khăn đến cỡ nào nếu có niềm tin, nghị lực và sự quyết tâm thì sẽ vượt qua. Mất niềm tin là mất tất cả!”.
Trần Phương - Nguyễn Nga