1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người cựu chiến binh già và những đứa con điên dại

(Dân trí) - Sinh được 4 người con thì cả 4 đều điên dại, mấy chục năm qua, vợ chồng ông lăn lộn với ruộng đồng để nuôi những đứa con không thể thành người. Đến cuối đời, ông vẫn canh cánh: khi ông chết, các con sẽ sống ra sao?

Gia đình có hoàn cảnh éo le đó là gia đình ông Nguyễn Văn Truyền (74 tuổi) bà Đinh Thị Định (68 tuổi) ở xóm 6, Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam.

 

Thầm lặng nuôi con

 

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê chiêm trũng Hà Nam, vừa tròn 18 tuổi người thanh niên Nguyễn Văn Truyền tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau 10 năm ròng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, ông trở về địa phương với một cơ thể lành lặn. Những tưởng sẽ được bình yên bên vợ, ai ngờ đâu “cuộc chiến” của cuộc đời ông lại bắt đầu ngay sau ngày đất nước thống nhất.

 

Sinh hạ 4 người con thì cả 4 đều điên điên khùng khùng. Người con đầu lòng là Nguyễn Thị Hoà do bệnh quá nặng đã chết cách đây mấy năm. Ba người còn lại là Nguyễn Văn Bình 34 tuổi, Nguyễn Thị Mai 32 tuổi và Nguyễn Thị Mài 28 tuổi đều trong tình trạng điên dại. Lúc mới sinh ra đứa nào cũng khoẻ mạnh trắng trẻo, nhưng rồi cả bốn đưa đều có lớn mà chẳng có khôn.

 

Ban đầu vợ chồng ông chạy cũng chạy chữa khắp nới, nhưng sức cùng lực kiệt, vợ chồng ông đành bó tay phó thác cho số phận. Có người ăn, không có người làm, vợ chồng ông làm quần quật quanh năm suốt tháng chỉ đủ hai bữa qua ngày. “Đói khổ đã đành nhưng khổ nhất là đeo thêm tiếng “kiếp trước ăn ở thất đức” nên con cái mới bị như vậy. Dân làng nhiều kẻ khinh rẻ ra mặt, người thông cảm cũng lảng tránh không đến gần”, bà Định nói mà nước mắt lưng tròng.

 

Mọi sự chia sẻ, giúp đỡ của độc giả xin gửi về:

 

1. Ông Nguyễn Văn Truyền, xóm 6, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam

 

2. Quỹ Nhân Ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Số 2/48 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: 04. 7366491 (máy lẻ 403)

“Đấy anh xem, nhà tôi có khác gì cái trại tâm thần đâu, ba đứa con mỗi đứa một góc cứ ú ớ, cười nói suốt ngày. Có hôm đang nửa đêm có đứa tỉnh dậy soi gương cười một mình. Có lúc lại khóc rú lên. Quần áo thì một ngày thay đến bốn năm bộ… Mọi việc từ ăn uống đến vệ sinh chúng đều làm theo bản năng. Chỉ tội cho bà ấy, cứ cách một hôm lại gánh cả gánh quần áo ra sông giặt một mình”, ông Truyền than thở.

 

Nhìn ba người con điên dại, tôi phần nào hiểu được những đớn đau mà vợ chồng người cựu chiến binh ấy đang phải chịu đựng. Bà Định tâm sự: “Dù thế nào thì chúng nó cũng là con mình đứt ruột đẻ ra. Nhiều lúc nhìn các con cười mà tôi rơi nước mắt”.

 

Lo khi khuất núi

 

“Cả 4 đứa con tôi đều là nạn nhân da cam, hưởng trợ cấp loại một (hơn 900 nghìn đồng/tháng), tôi thì đau yếu triền miên, cứ động đến làm việc gì là tức ngực không thở được, vậy mà không hiểu các anh về làm chính sách xem xét thế nào chỉ xếp cho tôi là nạn nhân chất độc da cam loại hai (hơn 500 nghìn đồng/tháng)”, ông Truyền buồn bã nói.

 

Ngoài số tiền trợ cấp ít ỏi, thu nhập của cả gia đình ông chỉ trông vào mấy sào ruộng. Ông Truyền lại mắc bệnh khó thở, không thể làm việc nặng, mọi việc đồng áng đều do bà Định gánh vác. Bà Định thở dài: “Vất vả mấy tôi cũng chịu được, ngày nào vợ chồng tôi còn sống, các cháu sẽ còn có miếng ăn. Nhưng chúng tôi già rồi, sống chết không biết thế nào, chỉ lo cho mấy đứa, khi bố mẹ chết rồi không biết ai chăm sóc”. 

 

Dù tuổi cao sức yếu, nhưng hàng ngày ông Truyền vẫn phải đạp xe mấy chục cây số đi đưa thư cho xã. “Tiền công chẳng đáng là bao nhưng cố kiếm thêm nuôi các cháu”, ông Truyền chia sẻ.

 

Tiễn chúng tôi ra về, bà Định lại tất tải quẩy đôi quang gánh ra đồng làm cỏ, ông Truyền cũng đẩy chiếc xe đạp lên uỷ ban để kịp giờ đưa công văn. Trong nhà, 3 người con điên dại vẫn hồn nhiên cười ú ớ…

 

Thái Bình