1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đắk Nông:

Người cựu chiến binh “cắm” sổ đỏ, làm đường cho dân

(Dân trí) - Thấy con em trong thôn ngày ngày phải “bò” đi học, đi làm trên con đường đất lầy lội, người cựu chiến binh già đã đứng ra thế chấp ngân hàng toàn bộ giấy tờ nhà đất để lấy tiền lo chuyện làm đường cho dân đi.

Chúng tôi đang nhắc đến ông Vũ Khắc Sự, sinh năm 1953 ở bon Păng Sim, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, Đắk Nông, người mà những người dân gọi với cái tên trìu mến là "lão cựu chiến binh khùng”.

Dẫn chúng tôi vào tham quan con đường được khánh thành cách đây chưa lâu, ông Sự tản bộ kể chuyện về cái “khùng”, cái “liều” hồi làm con đường dài cả 1,5 km này một cách hăng say.

 

Ông Sự bên con đường mà ông cùng người dân góp của xây dựng
Ông Sự bên con đường mà ông cùng người dân góp của xây dựng

 

Năm 2012, bon nhận được chủ trương của huyện về làm đường giao thông nông thôn theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thời điểm ấy, đời sống của bà con ở bon Păng Sim còn gặp nhiều khó khăn. Hàng ngày phải chứng kiến con em đến trường lem luốc bùn đất, nông sản làm ra thì rất khó khăn mới vận chuyển ra ngoài quốc lộ để bán được, xe máy phải mang áo xích mới “bò” chậm chạp, ông trăn trở dữ lắm.

Sau bao nhiêu đêm suy nghĩ, ông mạnh dạn xin ý kiến của chính quyền địa phương cho Chi hội Cựu chiến binh bon Păng Sim đứng ra làm đường. Vì ông luôn tâm niệm không có giao thông thì có lẽ cái nghèo, cái lạc hậu cứ đeo bám mãi.

Ban đầu, địa phương cũng nghi ngờ về năng lực của ông, nhưng thấy có sự quyết tâm cao, tin tưởng vào phẩm chất của người lính nên cuối cùng, huyện cũng đồng ý. Xong chuyện chủ trương, việc đầu tiên mà ông và các hội viên là phải đi đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động.

Nhưng những ngày đầu, công tác tuyên truyền thất bại, vì nhiều hộ dân cho rằng, việc làm đường chỉ lợi nước hại nhà. Hại nhà ở đây là khi mở rộng làm đường, họ vừa bị mất đất, vừa bị mất ít nhất 2 hàng cà phê hoặc hồ tiêu nên bất hợp tác. Phải mất nhiều tháng trời theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, việc vận động nhân dân mới mang lại thắng lợi.

Ông tâm sự: “Có gia đình, tôi phải đến tuyên truyền, vận động cả mười lăm hai chục lần họ mới thông tư tưởng. Và chính những hộ này, sau này, họ lại rất nhiệt tình ủng hộ và quay sang vận động các hộ gia đình khác cùng tham gia tích cực. Thấy vậy, tôi mừng lắm”.

Công tác dân vận tạm ổn thì một vấn đề nan giải là lấy tiền đâu ra số tiền 1,6 tỷ đồng để làm con đường này. Số tiền quá lớn, trong khi điều kiện kinh tế của người dân trong bon còn rất khó khăn, việc kêu gọi quyên góp đâu phải là chuyện dễ dàng.

Thế rồi, trong khi chờ vốn giải ngân của Nhà nước, đóng góp của bà con, ông bàn với 4 cựu chiến binh khác thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vay tiền ở ngân hàng thương mại về làm đường. Đồng đội thì tin tưởng nhau nhưng vợ con của họ kịch liệt phản đối. Họ cho rằng ông bị “điên”, bị “khùng”, việc nhà không lo làm cứ làm chuyện đâu đâu. Một lần nữa, ông lại xắn cao ống quần đi làm dân vận. Mất thời gian nhất định, vợ con của các hội viên mới xuôi xuôi. Vì là Chi hội trưởng nên ông phải gương mẫu làm trước, như ông nói “Mình phải đứng mũi chịu sào”.

Ngày đó, ông thế chấp sổ đỏ vay tiền, cộng với tiền nhà nữa là ông lo được gần 1 tỷ đồng rồi. Số tiền còn lại, ông vận động 4 hội viên thế chấp sổ đỏ vay, cộng với tiền của nhân dân đóng góp là đủ số kinh phí dự trù để yên tâm xây dựng con đường.

Có tiền rồi, ông cho tổ chức họp Chi hội phân công cho từng hội viên đảm nhận những phần việc cụ thể, người thì giao làm kế toán, người chịu trách nhiệm thuê máy múc, máy gạt, người huy động nhân dân chung tay làm đường. Và chỉ sau 3 tháng kể từ ngày khởi công, con đường Păng Sim được coi là huyết mạch của bon đã nhanh chóng hoàn thành.

 

Đường thôn Păng Sim nay đã sạch sẽ và đẹp hơn rất nhiều
Đường thôn Păng Sim nay đã sạch sẽ và đẹp hơn rất nhiều

 

Con đường được đổ xi măng rộng 3 m, dày 14 cm, với tổng chiều dài 1,5 km. Ngày con đường hoàn thành, ông mời cán bộ chuyên môn huyện xuống thẩm định chất lượng đến nơi đến chốn. Chi hội Cựu chiến binh cũng có cam kết bảo hành con đường trong 2 năm nếu có hư hỏng sẽ tự bỏ kinh phí ra sửa chữa hoàn toàn.

Con đường hoàn thành, trong khi bà con rất đỗi vui mừng thì ông lại càng lo. Ông phải chạy đi chạy về lên huyện không biết bao nhiêu lần làm thủ tục để hoàn tiền lại cho các hội viên trả nợ ngân hàng lấy sổ đỏ ra. Vì thủ tục phức tạp nên mất một thời gian khá dài, ông mới nhận được số tiền Nhà nước hỗ trợ. Phần của nhân dân đóng góp thì tạo điều kiện cho bà con góp từ từ trong nhiều năm.

Thành công của con đường đầu tiên ở Păng Sim đã tạo ra phong trào hưởng ứng tham gia đóng góp làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn bon. Cũng với hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ông và các hội viên khác trong Chi hội đã vận động người dân làm được 2 con đường khác nữa với chiều dài hơn 2,5 km.

Nhiều gia đình có con đường đi qua sẵn sàng chặt bỏ cà phê, hồ tiêu, tình nguyện hiến đất không lấy tiền đền bù để mở rộng hai bên hành lang. Những gia đình có điều kiện kinh tế khá thì đóng kinh phí nhiều hơn để bù cho các gia đình khó khăn. Như vậy, tổng chiều dài của cả 3 con đường là hơn 4 km, với kinh phí xây dựng hơn 5 tỷ đồng; trong đó nhà nước hỗ trợ 75% còn nhân dân đóng góp 25% kinh phí. Ông rất vui vì được chứng kiến con cháu tung tăng tới trường trên những con đường thuận tiện, sạch sẽ, xe máy cày chở nông sản, phân bón chạy bon bon.

Không dừng lại ở việc quyết tâm làm đường cho dân, người đàn ông đó còn trăn trở việc làm sao để cho dân bớt nghèo. Ông lại trăn trở, lại tìm cách.

Năm 1999, ông được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh bon Păng Sim. Như ông tâm sự, nhiệm vụ tuy nhỏ nhưng rất nhiều việc phải làm. Năm mới đảm nhiệm Chi hội trưởng, chứng kiến nhiều hội viên cựu chiến binh trong bon dù có nhiều đất nhưng vì thiếu kinh nghiệm sản xuất, kỹ thuật yếu và thiếu vốn đầu tư nên cái nghèo cứ mãi đeo đuổi.

Thế rồi, trên cơ sở các phong trào chung, ông tổ chức họp Chi hội phát động phong trào hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế gia đình. Cứ một hội viên có kinh tế khá, ông phân công hỗ trợ, giúp đỡ từ 1 -2 hội viên nghèo có thêm động lực, điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Để có cơ sở và thống nhất trong hội viên, ông xây dựng nghị quyết của Chi hội đàng hoàng, gắn với đó là những giải pháp thực hiện trong thực tiễn một cách thật cụ thể.

Cứ thế, các giải pháp hỗ trợ hội viên nghèo nhanh chóng phát huy hiệu quả như động viên phát triển kinh tế, hỗ trợ về kiến thức, vốn đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, nhiều hội viên có kinh nghiệm đã nhiệt tình “cầm tay chỉ việc”.

Gia đình ông ở sát quốc lộ 14 gần với trung tâm xã nên cũng thuận tiện cho hoạt động buôn bán. Trước hoàn cảnh khó khăn của một hội viên, ông đã cho mượn đất, một phần kinh phí mở quán kinh doanh ăn uống. Nhờ làm ăn có uy tín, quán làm ăn ngày càng khá nên hội viên này giờ đã thoát nghèo vươn lên có kinh tế gia đình thuộc diện khá giả.

Chỉ trong vòng 5 năm qua, Chi hội đã có 7 hội viên nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Trước hoàn cảnh của một số hội viên nghèo còn khó khăn về nhà ở, ông đã cùng với anh em trong Chi hội vận động, ủng hộ xây nhà ở hỗ trợ đồng đội. Kết hợp với kinh phí hỗ trợ của Huyện hội, Chi hội cũng đã xây dựng nhà ở cho 2 hội viên.

Giờ đây, dù tuổi đã cao nhưng mỗi khi nhắc đến công tác Hội, ông còn tâm huyết lắm, sẵn sàng làm khi còn sức khỏe và đầu óc minh mẫn. Và cái quý nhất là đi đến đâu trong bon, ông cũng được người dân nơi đây kính trọng, đón tiếp rất niềm nở như chính người thân của họ lâu ngày mới gặp lại.

Đức Cường