1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hà Tĩnh:

Người con thủy chung của đồng bào Chứt

(Dân trí) - Trong câu chuyện của người đồng bào dân tộc Chứt, Trung tá Dương Thanh Tịnh - tổ trưởng tổ công tác Rào Tre (thuộc đồn Biên phòng Bản Giàng, Hà Tĩnh) - đã trở thành người con thủy chung với bản.

Gần 10 năm lăn lộn với vùng biên đầy nắng và gió này, không quá dài trong cuộc đời binh nghiệp, nhưng ngần ấy năm đủ để Trung tá Dương Thanh Tịnh bắt nhịp với hơi thở cuộc sống của đồng bào dân tộc Chứt nơi đây.

Cùng ăn, cùng ở với bản làng

Sinh ra và lớn lên trên thành phố Hà Tĩnh, nhưng Trung tá Dương Thanh Tịnh, lại xem Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) như ngôi nhà thứ 2 của mình. Từ thói quen, nếp ăn, phong tục tập quán, hay chuyện của từng gia đình người Chứt tại bản… anh đều nắm rõ.

Anh Tịnh nhớ lại, khi mới nhận nhiệm vụ về công tác tại tổ công tác đặc biệt cắm tại bản Rào Tre, anh đã gặp rất nhiều khó khăn trong công việc do chưa hiểu tiếng nói và các phong tục tập quán của người dân địa phương dẫn đến nhiều hạn chế trong việc tuyên truyền cho bà con hiểu đúng về các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

“Đối với nhiều dân tộc khác thì mất khoảng 1 tháng để bộ đội làm quen nhưng đồng bào người Chứt rất khó. Một phần do thời gian phát hiện muộn so với đồng bào khác, tư duy nhận thức của người Chứt còn rất mông muội, nói để người dân hiểu rất khó lắm. Vì vậy nói không chưa đủ, mình phải cầm tay chỉ việc mới được”, anh tâm sự.

Người con thủy chung của đồng bào Chứt
Trung tá Dương Thanh Tịnh - trạm trưởng trạm công tác đặc biệt (thuộc đồn Biên phòng Bản Giàng) tại Rào Tre

Để lấy được niềm tin nơi bà con, Trung tá Dương Thanh Tịnh và bộ đội biên phòng, phải xuống từng nhà dân, cùng hướng dẫn đồng bào tập ăn chín uống sôi, ngủ phải mắc màn, làm nhà vệ sinh gia đình, khám chữa bệnh cho người dân… “Không chỉ một lần mà rất nhiều lần phải bà còn mới nhớ được một chút. Nhìn thấy bà con thay đổi từng chút một, anh em ai cũng mừng, động viên nhau kiên nhẫn hướng dẫn thêm”, Trung tá Dương Thanh Tịnh nhớ lại.

Chỉ tay về phía bà con đang gieo trồng lúa, anh Tịnh lắc đầu: “Bây giờ nhìn thạo chẳng khác gì người Kinh nhưng trước đây chỉ mỗi công đoạn cắm cây mạ xuống bùn non thôi nhưng không ít người phải dặn đi dặn lại tới hàng chục lần".

Nhìn những cánh đồng lúa đã bắt đầu phủ xanh khắp bản, đó cũng là thành quả từ sự kiên nhẫn của trung tá Dương Thanh Tịnh và cán bộ cắm bản. Từ nhiều năm nay, cứ đến mùa vụ bà con đã tự ra đồng cày cấy, làm ra lương thực cho gia đình.

Người con thủy chung của đồng bào Chứt
Nhờ những lần cầm tay chỉ việc của bộ đội biên phòng bà con người Chứt đã biết trồng lúa nước thành thạo

Gần 10 năm cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc với người dân bản địa, anh Tịnh đã từng bước hiểu được tiếng nói và phong tục của người dân, giúp tình cảm giữa anh với bà con dân bản ngày càng thêm gần gũi..

Nhắc đến bộ đội Tịnh, ông Hồ Lon (65 tuổi) hồ hởi kể lại lần suýt chết: “Cách đây 2 năm, tôi ốm một trận. không biết bệnh gì, mà thấy cứ ho suốt.  Không dám lên bệnh xá vì xa lại sợ tốn tiền lắm. Về nhà, thầy mo bảo tôi sắp chết. Lúc đó, bộ đội Tịnh sang thăm rồi bảo người nhà nấu cơm, lấy nước cơm cho thêm 3 thìa đường. Sau đó, bộ đội Tịnh về trạm lấy thêm thuốc cho uống. 3 ngày sau tôi khỏe bình thường, may có bộ đội Tịnh không thì chết rồi…”.

Nhớ lại chuyện cũ, anh Tịnh cười, nói với chúng tôi: “Lần đó ông Lon bị viêm phế quản thôi. Đây cũng là bệnh phổ biến của người dân tại đây.Nhưng hồi đó bà con còn mê tín, chỉ nghe theo thầy mo thôi. Cũng từ những lần như thế thầy mo cũng hết thời ở bản rồi”.

Không chỉ chăm lo về đời sống, cái chữ cho đồng bào là một trong những trăn trở của anh.  Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, anh Tịnh còn là đại diện phụ huynh của 42 học sinh trong bản. Do nhận thức của phụ huynh học sinh trong bản còn nhiều hạn chế, mọi vấn đề liên quan đến chế độ, việc học tập của các cháu, nhà trường đều báo về tổ công tác Biên phòng. Vào đầu năm học mới, Trung tá Dương Thanh Tịnh trực tiếp làm việc với Ban giám hiệu của các trường có con em đồng bào Chứt theo học, đồng thời liên lạc với các giáo viên chủ nhiệm để trao đổi về kết quả học tập của các cháu ở trường.

Lo Tết đồng bào rồi mới đến Tết gia đình

Dẫu chưa thể thoát ra khỏi sự nghèo khó, nhưng từ khi bộ đội biên phòng về cắm bản đời sống đồng bào Chứt đã có nhiều khởi sắc.

Đến nay, 33 hộ dân trong bản có 9 hộ mua được xe máy, 75% hộ có ti vi, 5 xe đạp. Người dân có ý thức tích trữ để dành cho con cái ăn học; biết đến trung tâm y tế để chữa bệnh mỗi khi ốm đau. Đồng bào Chứt đang bắt đầu diện mạo mới trong quá trình xây dựng cuộc sống.

Gần 10 năm công tác tại đây, chưa năm nào trung tá Dương Thanh Tịnh đón một cái Tết trọn vẹn cùng gia đình. Anh chia sẻ, “Đơn vị rất tạo điều kiện cho anh em tại đây về ăn Tết cùng gia đình nhưng do tính chất công việc nên mọi người cũng tranh thủ ăn Tết vội để ở lại với bà con. Mỗi năm thường 26 tháng Chạp, nếu không trực, đơn vị cho anh em về phép.  Nhưng chúng tôi thường tận đêm 30 mới nghỉ. Nhiều năm đón Tết với bà con ở đây”.

Tất tả chuẩn bị Tết cho người Chứt
Tất tả chuẩn bị Tết cho người Chứt

Lý do cũng bởi chính thói quen của bà con dân bản. Cánh đàn ông người Chứt có sở thích uống rượu. Lợi dụng điểm yếu này, kẻ xấu ở vùng khác thường hay trà trộn vào gạ gẫm đổi hàng hóa. Từ gạo, ngô đến gà, lợn, trâu, bò.... Đã ba lần anh Tịnh cùng với năm chiến sĩ khác, phóng xe máy rượt đuổi hàng chục cây số để lấy lại ba con trâu cho bà con khi bị kẻ xấu mang đi. 

Năm mới về công tác, do chưa biết, anh cùng anh em trong trạm mổ lợn, chia gà, thực phẩm sớm để bà con đón Tết. Thế nhưng, mới chia lúc chiều thì buổi tổi đã có người lạ vào bản cầm theo rượu để đổi. Thậm chí, thịt đã đem vào nồi nấu, cũng vớt ra để đổi rượu.

Nắm được việc này, hàng năm đến chiều tối 30 tháng Chạp, anh em đem thịt phân phát cho bà con tránh tình trạng trên.

Gần 10 năm nay, rất hiếm hoi anh Tịnh được đón giao thừa cùng gia đình. “Vợ cũng rất thông cảm cho điều kiện công việc của mình. Với lại về mình cũng không yên tâm, thế nên năm nào cũng cứ lo Tết cho bà con rồi còn Tết ở nhà phải nhờ đến vợ”, anh cười chia sẻ.

Bộ đội biên phòng chăm chăm lo Tết cho đồng bào người Chứt
Bộ đội biên phòng chăm chăm lo Tết cho đồng bào người Chứt 

 

Phượng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm