1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những vàng thoi thuở ấy - Bài cuối:

Người coi giữ kho vàng trên chiến khu

Những năm đầu 90, tôi may mắn thi thoảng dong xe đạp với ông Tạ Đình Đề đây đó trong các ngõ ngách xó xỉnh của Hà Thành. Ông đến là lắm người quen!

Mà việc gặp người quen hình như chỉ là cái cớ mà sau này mới giật thột và bừng ra rằng, nhà cách mạng lão thành Tạ Đình Đề những dịp ấy muốn tạo điều kiện cho những anh làm báo trẻ người non dạ như tôi có cơ hội được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử đã rất cao niên. Mà với họ không còn mấy thời giờ trên dương thế?
 
Bà Tống Minh Phương và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bà Tống Minh Phương và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Trong những buổi guồng xe như thế, tôi theo ông rẽ vào một hẻm nhỏ...

 

Hẻm ấy là ngõ Nguyễn Chế Nghĩa. Và căn hộ chật chội của bà Tống Minh Phương...

 

...Năm 1933 khi vào làm ở Sở Hỏa xa Vân Nam, Trung Quốc, Tạ Đình Đề mới 16 tuổi. Liền đó chàng thanh niên tạ Đình Đề được giác ngộ rồi tham gia Hội Ái hữu Cứu quốc sau đổi tên là Việt Nam giải phóng cứu quốc do Việt Minh lãnh đạo.

 

Trước khi vào một bước ngoặt của cuộc đời hoạt động (được cử đi Liễu Châu theo học tại Phân hiệu chuyên ngành tình báo của Trường Quân sự Hoàng Phố được đào tạo trở thành gián điệp và tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc) Tạ Đình Đề có những năm tháng được sự che chở đùm bọc của tổ chức Việt kiều ở Côn Minh trong đó có gia đình ông bà Tống Minh Phương.
 
Tống Minh Phương là tên chồng. Ông Phương mất đã lâu. Còn bà vợ tên là Hoa. Hình như ông Đề nhỉnh tuổi hơn bà Hoa một chút nhưng hai người xưng ông bà với nhau khá thân thiết. Ông đi đâu lâu nay mà bặt tăm thế ông Đề? Vẫn cái cười khơ khơ vô tư như mọi bận, hai người tíu tít chuyện chừng như quên bẵng sự có mặt của tôi. Lát sau, bà Hoa, khuôn mặt nhẹ nhõm phúc hậu hướng cái nhìn ấm áp về phía ông Đề nói với tôi giọng thương cảm rằng, ông ấy công lao lớn lắm đấy thế mà chịu lắm lắm những oan khuất... Ông Đề lại cười khơ khơ, cái bà này, công ông bà thì ai kể ra nhỉ?
 

Công lao của ông bà Tống Minh Phương hình như đến thời điểm đó chưa ai kể và bà cũng chẳng chịu kể ra mặc dù tôi cố gợi theo lời nài nỉ của ông Đề... Thành thử chắp nối lại câu chuyện của hai người và mãi sau này ông Đề nhắc đến một cách rành rẽ thì chuyện của bà Hoa đại để thế này.

 

Bà vốn quê ở làng Kim Liên, Hà Nội. Hồi trẻ phiêu bạt sang tận Côn Minh. Việt kiều Côn Minh đa phần dân nghèo. Vợ chồng Tống Minh Phương vất vả lần hồi mới tạm đủ ăn và dần dà gây dựng được một hiệu may kha khá.

 

Hóa ra hai ông bà cùng trong tổ chức Ái hữu với ông Đề. Bà con trong hội Ái hữu vẫn thường xuyên quyên góp tiền để gửi về nước cho tổ chức Việt Minh theo đường dây bí mật là quán sách ở chợ Đồng Xuân.
Bà Tống Minh Phương.
Bà Tống Minh Phương.
 

Hai vợ chồng Tống Minh Phương mở quán cà phê Tân Nam là nơi đi về của nhiều cán bộ từ trong nước sang hoạt động bí mật.

 

Có thể nói vợ chồng Tống Minh Phương là nhân chứng cũng là người có công đầu đặt nền móng cho mối quan hệ Việt - Mỹ.

 

Sử liệu còn ghi rõ sự kiện trường hợp nhảy dù xuống Hòa An, Cao Bằng của trung úy phi công Uyliam Saw cuối năm 1944.

 

Trong một chuyến bay oanh tạc căn cứ quân Nhật ở Bắc Việt Nam, Uylliam Saw bị du kích ta bắt và dẫn về căn cứ Việt Bắc. Non tháng trời bị dẫn giải đi khắp nơi, qua những chặng đường rừng gian nan, Saw nói mình mừng tưởng phát điên khi được dẫn đến gặp Bác. Niềm vui tột độ của Saw không phải là biết mình thoát chết mà anh ta được nói tiếng Anh thoải mái với Bác Hồ sau từng ấy ngày câm lặng!

 

Sau đó, Bác Hồ có việc đi Côn Minh, mang theo Uylliam Saw. Saw được trả cho tướng C. Chennault, Tư lệnh quân đoàn 14 của Quân đội Mỹ làm nhiệm vụ đánh quân Nhật có căn cứ ở Côn Minh- Quế Lâm, Trung Quốc. Tướng Chennault hết sức cảm ơn Giải phóng quân Việt Nam đã cứu phi công Mỹ và tặng Hồ Chí Minh một tấm ảnh cá nhân dưới đề bạn chân thành của ông. Clair L.Chennault kèm 6 khẩu súng lục, 2 vạn viên đạn và tiền. Nhưng Bác chỉ nhận súng và đạn... Mối quan hệ giữa Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh với lực lượng đồng minh chống phát xít cụ thể là quân đội Mỹ ở Trung Quốc đã bắt đầu được thiết lập như thế...

 

Tầm nhìn xa trông rộng của Bác thời điểm ấy đã thấy nhân dân hai nước Việt - Mỹ đều có mẫu số chung là hoà bình độc lập bởi đều có kẻ thù chung là phát xít Đức, phát xít Nhật. Sau chuyến đi ấy thiếu tá A.Patti, phụ trách cơ quan OSS ( office Strategic Service- Cơ quan phục vụ chiến lược) của quân đoàn 14 và thiếu tá Thomas đã theo Bác về Cao Bằng.

 

Đó là lần đầu tiên ông Đề và bà Hoa được gặp Bác Hồ, “gầy, nhanh nhẹn và mắt sáng”. Bác Hồ đã ở lại nhà bà Hoa trong suốt thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với những người Mỹ đồng minh.

 

Những cuộc tiếp xúc của Hồ Chí Minh với các nhà quân sự Mỹ đã đem lại những kết quả tích cực. Một đơn vị biệt kích có tên là Con Nai cũng đã được thành lập nhằm cung cấp những tin tức tình báo về quân đội Nhật. Có thể nói, chuyến đi của Bác sang Trung Quốc lần ấy đã thu được thành công trong việc thiết lập một mối quan hệ quốc tế đặc biệt.

 

Rồi trong nước, lực lượng có tên Bộ đội Việt - Mỹ ra đời gồm 200 quân do ông Đàm Quang Trung chỉ huy và Thomas là tham mưu trưởng.

 

Trong trận đánh quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên ngày 20 tháng 8 năm 1945, bộ đội Việt Mỹ đã sử dụng vũ khí tiếp tế gồm tiểu liên, trung liên, súng trường, súng ngắn, còn có một đại liên và 2 súng cối 60mm, 4 khẩu badoca.

 

Tháng 4-1945, Hồ Chí Minh về nước và địa điểm Quán cà phê của ông bà Tống Minh Phương vẫn làm nơi liên lạc của các đồng chí của mình và với những người bạn Mỹ.

 

Từ Tân Trào, Tuyên Quang, ngày 9-6-1945, Hồ Chí Minh đã gửi một lá thư cho quân đoàn Mỹ ở Côn Minh. Thư có đoạn Ông làm ơn đưa bức thư này tới người bạn của tôi tên là Tống Minh Phương ở quán cà phê... Mười hoặc mười hai ngày sau đó họ sẽ trao cho ông một gói quà trong đó có những lá cờ của các nước Đồng minh. Tôi rất cảm ơn ông nếu ông gửi những thứ đó cho tôi bằng cách nhanh nhất.

 

Gia đình bà Hoa, nhận được lời dặn của Bác, vẫn ở lại Côn Minh làm cơ sở liên lạc.

 

Nhưng đến giữa năm 1946, quân của Vũ Hồng Khanh theo Tưởng Giới Thạch chạy sang Côn Minh gây rối, ông bà Tống Minh Phương gấp rút bán toàn bộ gia sản để về Hà Nội.

 

Gặp lại Bác lần thứ hai, bà Hoa rất xúc động khi Bác nói với ông Trần Duy Hưng: “Bác giao cô chú Tống Minh Phương cho chú để chú bố trí chỗ ăn ở”.

 

Hưởng ứng Tuần lễ Vàng, vợ chồng bà đã hiến toàn bộ gia sản mang từ Côn Minh về trị giá 200 lạng vàng.

 

Số tài sản của ông bà Tống Minh Phương hiến đã được tổ chức dùng vào một việc bí mật.

 

Một trăm cây vàng dùng để mua nhà ở phố Lò Ðúc làm nơi an dưỡng cho các đồng chí đau yếu. 100 cây còn lại mua căn biệt thự Tây của một Pháp kiều ở khu vực Ngã Tư Sở có tên Biệt thự Cây Liễu.

 

Suốt thời gian này, Bác Hồ được bố trí nghỉ đêm ở nhiều địa điểm nội và ngoại thành. Hai tháng trước ngày Toàn quốc kháng chiến, bà Hoa xuống Biệt thự Cây Liễu để trông và dọn dẹp nhà cửa để Bác đến ở.

 

Nhà có ba gian thì gian đầu dành cho Bác. Gian giữa hội họp. Gian cuối ngăn đôi, vợ chồng anh Võ Nguyên Giáp ở nửa gian, bà Hoa ở nửa gian còn lại. Mãi đến 5 giờ chiều ngày 19/12/1946 ông bà Tống Minh Phương mới rời ngôi nhà này lên chiến khu.

 

Việc bà Hoa được đồng chí Nguyễn Lương Bằng, chức vụ như Thống đốc Ngân hàng lúc đó tin cậy giao tất cả số vàng quyên góp được trong Tuần Lễ Vàng để bà Hoa coi giữ trong điều kiện khó khăn ngặt nghèo hiểm nguy trên chiến khu Việt Bắc là cả một câu chuyện ly kỳ. Như bà Hoa nhớ lại là cứ hơn tháng hoặc vài tuần là kho vàng phải di chuyển để giữ bí mật. Khi thì cất giữ trong hang núi. Một lần vàng chuyển đến giấu ở một hang đá. Mà hang này dân địa phương đồn có... ma! Có mấy người dân quân địa phương cử trông coi kho với bà Hoa tò mò, hàng này là gì vậy? Bà Hoa đáp là tài liệu bí mật của đoàn thể. Đến đêm dơi bay kiếm mồi phát ra âm thanh rùng rợn khiến mấy anh dân quân sợ lắm. Hôm sau thì họ bỏ gác chuồn mất!

 

May mắn sau đó vàng được vào sổ sách, đóng gói... Việc coi giữ cũng được khoa học nhẹ nhàng đỡ vất vả hơn. Nhưng việc coi kho vàng ngân khố quốc gia khi đó vẫn là công tác bí mật...

 

Hòa bình, bà Hoa được bố trí công tác bên ngành Ngoại thương đến khi về hưu.

 

...Hôm ấy, khi đã ra đến đường, tôi băn khoăn hỏi thêm ông Đề rằng bà Tống Minh Phương vốn giàu có như thế, từng ủng hộ 200 cây vàng trong Tuần Lễ Vàng sao nhà cửa ọp ẹp vậy? Thoáng nhanh căn phòng chật chội chỉ khoảng 20 mét vuông trong một khu tập thể đông người...

 

Ông Tạ Đình Đề cười lắc đầu, tính ông bà ấy thế. Khiêm nhường kín đáo lắm nên mới làm công tác bí mật trong nhiều năm được. Sau 1954, khó khăn lắm, ông bà cứ lẳng lặng đi thuê nhà không muốn phiền người khác... Căn phòng ấy là nhà nước phân phối cho đấy. Trong khu tập thể này nhiều người không biết bà Hoa trước đây làm gì chỉ biết bà ấy có nhiều ông làm to tới thăm!

 

Thu 2013

 

Theo Xuân Ba

Tiền Phong