1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người cha già và 5 đứa con điên

"Tụi nó có tuổi nhưng có khôn mô. Tui là cha mà còn bị chúng vác cây đánh cho túi bụi. Xót lắm!". Ông Nguyễn Phương ở thôn 1, xã Duy Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam, rớt nước mắt khi nói về năm đứa con của mình - những đứa trẻ mà khi sinh ra đã bị di chứng chất độc da cam với triệu chứng điên dại.

Sáu lần đẻ, năm lần nuốt nước mắt

 

Ông Phương buông đũa, đi cà nhắc lúi húi ra ngõ đón khách. Chị Nguyễn Thị Xí, con thứ năm của ông, cũng bỏ dở bữa ăn đi rót nước. Giữa nhà, mâm cơm còn lại năm người con gái. Những ánh mắt khờ khạo chăm chăm nhìn khách rồi lại chúi vào mâm cơm. Tiếng bát đũa vẫn chạm nhau lách cách đều đều. Bữa ăn trưa đối với năm con người này tóm lại không bị ảnh hưởng chút nào khi chúng tôi đến.

 

Câu chuyện về người cha khốn khổ này bắt đầu từ năm 1968. Lúc này ông Phương đang là du kích tham gia tải vũ khí cho chiến trường ở vùng Đông Giang (Quảng Nam). Một năm sau, ông cưới vợ là cô gái Lê Thị Phụng cũng là du kích tại địa phương. Năm 1969, đứa con đầu lòng của vợ chồng ông ra đời đặt tên là Nguyễn Thị Dương. Hạnh phúc làm cha vừa đến thì cũng là lúc ông bị địch bắn gãy ống chân rồi bị bắt giam ở Hội An. 3 năm sau, ông được thả về.

 

Trở về nhà, ôm chầm lấy con chợt ông hụt hẫng và nghẹn ngào khi thấy nó không biết gọi được một tiếng ba và có những biểu hiện không bình thường. Đã hơn 4 tuổi đầu nhưng Dương chỉ mới chập chững biết đi và bập bẹ học nói. Nhưng, điều vợ chồng ông buồn hơn là đứa con có biểu hiện của bệnh thần kinh nặng.

 

Năm 1974, đứa con thứ hai ra đời và được đặt tên là Thương với niềm hy vọng nó sẽ là con người bình thường. Thế nhưng, mong mỏi bình dị này vẫn quay lưng với vợ chồng ông, Thương cũng lại là một bé gái có những biểu hiện bất thường về tâm thần như chị mình. Hơn một năm sau, đứa con thứ ba tiếp tục ra đời, cũng là gái, tên là Thành rồi cứ gần hai năm thêm một đứa. Nhưng vẫn chỉ là những đứa con với những khuôn mặt khờ khạo, có lớn nhưng không có khôn.

 

Đến đứa con thứ năm, tên là Xí, vợ chồng ông mới nén tiếng thở dài để hy vọng vì thấy nó có khá hơn. Quả nhiên, niềm an ủi rồi cũng đến. Xí lớn lên bình thường như mọi người khác. Năm 1979, vợ ông sinh con út, vẫn là gái, tên Sáu. Đau đớn thay, Sáu cũng là đứa con mang trong mình căn bệnh thần kinh tai quái.

 

Những đứa con của vợ chồng ông cứ lớn lên. Ăn và ngủ, vô tư và khỏe mạnh. Nhưng vợ chồng ông thì ruột gan như xát muối khi chúng mang những khuôn mặt khờ khạo và man dại của người điên. Niềm an ủi duy nhất của vợ chồng ông là Nguyễn Thị Xí - đứa con duy nhất được làm con người đúng nghĩa. Xí được đến trường, ráng học rồi thi đỗ Trường CĐSP.

 

Năm 2000 về làm cô giáo ở thị trấn Nam Phước, có chồng, có con rồi cũng quay về sống với ông vì không chịu nổi người chồng luôn hành hung vợ. Những năm tháng Xí theo học ở trường cũng là thời điểm khốn khó nhất. Bà Phụng đổ bệnh. Một mình ông Phương với vết thương cũ ở chân phải bươn chải đủ cách để chèo chống gia đình trong cơn bĩ cực. Căn bệnh xơ cứng động mạch hành hạ đến ba năm trời rồi bà Phụng mất.

 

Ông Phương lặng đi và cố giấu nước mắt khi nhắc đến giây phút lâm chung của vợ: "Bà biết năm đứa con đang là gánh quá nặng như hàng tạ chì đang đè trên vai tui. Nhưng tui cố an ủi bà cứ thanh thản mà đi, trời sinh ắt trời dưỡng. Tui thương vợ, thương mình và những đứa con. Ai lại không xót khi con cái cứ ngơ ngác nhìn mà không biết một tiếng khóc khi mẹ chết!... Nhưng mà may trời thương, tui cũng còn khỏe, 64 tuổi nhưng việc đồng ruộng còn gánh vác được", ông gặng cười.

 

Nỗi lòng người cha

 

Địa phương hỗ trợ cho một ít, ông mới xây thêm được hai gian nhà. Nhưng tiền xây nhà gần chục triệu đang phải vay mượn. Gia sản của ông là căn nhà, 2 con bò và 6 sào ruộng khoán. Thu nhập hằng tháng ngoài đồng ruộng chỉ dựa vào 353.000 đồng tiền trợ cấp thương binh hạng 3/4 của ông, ba đứa con được trợ cấp mỗi đứa 84.000 đồng, hai đứa 48.000 đồng. Gia đình ông kể cả mẹ con Xí là tám miệng ăn, nhưng chỉ có hai người làm.

 

Năm đứa con bị bệnh tật chỉ biết ăn, hai đứa làm được đôi việc nhẹ, còn lại thậm chí tắm rửa cũng không tự làm được. Nuốt nước mắt, ông tâm sự: “Làm cha ai không xót trước cái cảnh này? Tui không phân biệt con trai hay con gái, nhưng con mình thì cứ ngơ ngơ ngáo ngáo, người không ra người. Trừ con Thương và con Thành có đỡ, ba đứa còn lại chưa khi mô tui sai chúng múc cho mình được miếng nước. Nhiều khi sai nó, nó không làm còn chửi lại mình, có đứa xách ấm ra rồi ném cái ầm xuống sân. Mà cũng không hiểu tại răng lại lắm đứa bị bệnh như rứa không biết. Tui chắc là mình đã bị nhiễm chất độc da cam hồi còn hoạt động ở Đông Giang. Dòng họ nhà tui và bên vợ mấy đời nay chưa có ai bị bệnh tâm thần cả”.

 

Nén tiếng thở dài, ông Phương nói: ông đang tính làm đơn xin cho mấy đứa con được vô trại điều dưỡng tâm thần của tỉnh. Vì nay ông còn kiếm được cái ăn thì còn nuôi được con, chứ nếu không may đổ bệnh thì ai làm mà nuôi năm miệng ăn này? Chợt ông lại lo lắng: "Nhưng đó cũng là dự định vì không biết người ta có đồng ý không. Không biết thủ tục làm ra sao?". Chợt, có tiếng ồn ào ở góc nhà. Hai đứa con của ông giằng nhau giành chỗ nằm trên manh chiếu. Ông quay lại nạt mấy tiếng, một đứa gằn gừ với cha mình rồi bỏ ra sân. Căn nhà phút chốc trở nên yên lặng.

 

Cạnh đó, những đứa con của ông vẫn mang những gương mặt vô cảm. Chắc chắn chúng không thể hiểu được cha mình đang khổ tâm như thế nào.

 

Nguyễn Khánh Thành

Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm