Người canh “giấc ngủ” cho hàng trăm nghệ sĩ tại Sài Gòn
(Dân trí) - Sau ánh hào quang sân khấu, các nghệ sĩ cải lương, nhân viên hậu đài thường tìm về vui thú điền viên. Song, vẫn có một số ít trong số họ đã âm thầm với công việc công quả tại Chùa Nghệ sĩ như một cách để tri ân những người quá cố.
Một trong số đó là ông Nguyễn Đình Độ, nhân viên hậu đài từng gắn bó cả tuổi xuân cho sân khấu cải lương. Cánh tay phải bị bại liệt do căn bệnh áp huyết, chỉ với một cánh tay trái ông vẫn thường ngày quét dọn, lau rửa cho những ngôi mộ nghệ sĩ được sạch sẽ, gọn gàng.
Ông tham gia vào gánh hát từ những năm 1970 với công việc là kéo màn cho gánh hát Trâm Hoa Mai. Trong gần 20 năm trong nghề, ông đã theo đoàn hát đi hầu hết các tỉnh ở khắp ba miền đất nước. Sau này, khi các đoàn hát tan rã, ông về quê sống bằng nghề bán vé số kiếm sống qua ngày. Năm 2006, khi sức khoẻ quá yếu, ông xin vào việc công quả trong Chùa Nghệ sĩ để tiếp tục gắn bó với những nghệ sĩ đã từng lừng danh một thời.
Hiện tại ông Độ nhận trông nom hàng trăm ngôi mộ nghệ sĩ. Cái nghề vất vả chẳng ai muốn làm nhưng với ông đó lại là niềm hạnh phúc. Với chiếc áo sờn vai, dáng đi liêu xiêu nhưng mọi việc ông Độ đều làm nhanh nhẹn và chăm chỉ như một người thợ chuyên nghiệp. Không chỉ làm công việc lau chùi mồ mả, ông còn tranh thủ đi bán vé số để kiếm thêm thu nhập gửi về phụ giúp gia đình.
“Đối với tôi, được góp một phần công sức nhỏ bé, hàng ngày nhổ cỏ, quét lá, trồng hoa và thắp hương cho những nghệ sĩ là một niềm hạnh phúc. Tôi không có tài năng làm nghệ thuật như họ thì tôi bỏ chút công sức để tri ân các nghệ sĩ. Tôi chăm sóc mộ các nghệ sĩ như chăm sóc chính những người thân trong gia đình” - ông Độ tâm sự:
Công việc hàng ngày ở nghĩa trang nhìn qua tưởng đơn giản nhưng không dễ dàng. Ngoài việc quét dọn, tưới cây, ông Độ còn phải nhang khói cho các phần mộ vào ngày rằm, mùng một, những ngày lễ, Tết.
Dù rời xa ánh đèn sân khấu đã lâu nhưng mỗi khi nhắc lại những ngày tháng còn rong ruổi theo các đoàn hát, ánh mắt người đàn ông khắc khổ này lại sáng ngời.
Khi tuổi già sức yếu, ông Độ đã dự tính sẽ xin về khu dưỡng lão dành cho nghệ sĩ bên quận 8. Nơi đây đã có hàng chục nghệ sĩ nổi tiếng một thời lui về nương tựa vào nhau những ngày cuối đời.
Trung Kiên - Xuân Hinh