1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Quảng Trị:

Người “bắc nhịp cầu hữu nghị” Việt - Lào trên dòng Sê Pôn

(Dân trí) - Nhiều năm nay, người dân qua lại hai bên biên giới tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) và huyện Sê Pôn (tỉnh Savanakhet, Lào) dễ dàng hơn, bởi hàng ngày đều có thuyền đưa người dân qua lại giao lưu văn hóa, sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, chính quyền và lực lượng chức năng đã xây dựng những cặp bản kết nghĩa, làm cho mối quan hệ giữa người dân hai bên biên giới càng thêm gắn kết.

Dòng sông Sê Pôn ngăn cách giữa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet. Do chưa có cầu bắc qua sông nên cư dân hai bên biên giới hàng ngày đi lại bằng những chiếc đò ngang.

Những chuyến đò ngang giúp người dân hai bên biên giới qua lại thuận tiện hơn.
Những chuyến đò ngang giúp người dân hai bên biên giới qua lại thuận tiện hơn.

Dẫu có sự phân định về mặt địa lý, nhưng một số người dân hai bên biên giới vẫn có mối quan hệ họ hàng nên thường xuyên qua lại thăm hỏi lẫn nhau. Bên cạnh đó, người dân tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hàng ngày qua lại làm nương rẫy, trao đổi hàng hóa, làm ăn trên đất bạn; ngược lại, người dân tại huyện Sê Pôn cũng có nhu cầu qua Quảng Trị làm ăn, buôn bán, thăm hỏi người thân.

Ông lão chèo đò thân thiện

Nhằm giúp cho người dân đi lại thuận tiện hơn, lão ông Hồ Văn Tó (65 tuổi, người huyện Sê Pôn) hàng ngày “cắm” tại bến đò Mỹ Yên, trên dòng sông Sê Pôn – ngăn cách giữa huyện Hướng Hóa và huyện Sê Pôn, để đưa người dân qua lại. Bất kể ngày nắng ngày mưa, ông Tó vẫn nhiệt tình đưa đón người dân vùng biên giới đi về.

Những cư dân vùng biên giới sẽ không bao giờ quên hình ảnh lão ông đưa đò thân thiện, luôn nở nụ cười sảng khoái, dẫu tuổi cao nhưng thân thể vẫn cường tráng, tận tình đưa khách mỗi ngày.

Lái đò nhiều năm, ông Tó thuộc hết mọi luồng lạch sông Sê Pôn.
Lái đò nhiều năm, ông Tó thuộc hết mọi luồng lạch sông Sê Pôn.

Giữa trưa nắng, chuyến đò của ông Tó vẫn xuôi ngược dòng sông để chở khách. Dù chỉ một người đợi ở bến sông, nếu có nhu cầu, ông Tó vẫn nổ máy dong thuyền sang chở. Ông Tó nói rằng, mỗi người đều có công việc riêng, họ cần thì mới nhờ mình chở sang. Mình cố gắng một chút để cho công việc người khác được thuận tiện.

Vừa dứt lời ông Tó lại cười hồn hậu, nhổ neo điều khiển thuyền ra giữa dòng sông.

Rất khó để có cuộc trao đổi lâu với người chèo đò, bởi người dân qua lại liên tục. Chúng tôi đành leo lên chiếc thuyền cùng ông Tó chạy dọc sông Sê Pôn.

Ông Tó không nhớ nổi mỗi ngày mình chở được bao nhiêu lượt khách, chỉ ước chừng cũng đến con số hàng trăm người qua lại mỗi ngày.

Ông Hồ Văn Tó kể rằng: “Vợ chồng ông có 7 người con, tất cả đều đã lập gia đình và có cuộc sống riêng. Hiện ông sống cùng với vợ của mình. Để đảm bảo cuộc sống cho hai vợ chồng, ông hành nghề chèo đò trên sông Sê Pôn”.

Mặc dù công việc khá vất vả, mệt nhọc, song ông Tó vẫn miệt mài chèo đò đưa khách qua sông. Ông nói rằng, các con ông lớn rồi, có thể tự làm ăn. Ông lái đò chỉ hy vọng mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn là đủ cho hai vợ chồng ông sống qua ngày.

Gần hai năm qua, cư dân hai bên biên giới không xa lạ gì với lão ông chèo đò. Ông Tó cũng đã quen thuộc với nhiều người. Những ai đi thuyền của ông Tó đều cảm nhận được sự thoải mái bởi tính cách vui vẻ, nhiệt tình của ông.


Ông Tó nói rằng, lái đò cũng là công việc mệt nhọc.

Ông Tó nói rằng, lái đò cũng là công việc mệt nhọc.

Ông Tó cho biết, người dân qua lại thuyền của ông có cả người Việt lẫn người Lào. Do có mối quan hệ họ hàng nên họ thường qua sông để thăm hỏi nhau, rồi trao đổi hàng hóa, làm nương làm rẫy.

“Người đi bộ thì tùy ý, muốn đưa bao nhiêu cũng được. Còn những ai đi xe máy, hoặc chở hàng hóa thì mình thu tiền”, ông Tó nói.

Nói về sức khỏe của mình, ông Tó cười bảo: “Bản thân mình giờ già rồi, còn sức thì còn chèo đò, không còn sức thì nghỉ thôi”. Ông Tó cũng định cho mình những nguyên tắc riêng, là ông chỉ chở khách ban ngày, còn buổi tối ông không lái đò. Chỉ những trường hợp cần kíp như đau ốm, hay có việc gấp ông mới nhận chở.

Những người như ông Tó góp phần bắc nhịp cầu hữu nghị Việt Lào.
Những người như ông Tó góp phần "bắc nhịp cầu hữu nghị" Việt Lào.

Mỗi ngày dong thuyền qua lại trên dòng sông Sê Pôn không biết bao nhiêu dạo nên ông đã quen thuộc mọi luồng lạch. Ông Tó nói rằng, sông Sê Pôn mùa này nước cạn nên có nhiều đá nhô lên. không biết luồng thì thuyền đâm phải dễ bị hỏng hóc. Chưa kể máy móc bị hư hỏng thì chi phí sửa chữa càng lớn.

Gắn kết người dân biên giới

Những năm gần đây, hoạt động buôn lậu trên dòng sông Sê Pôn rất nóng bỏng và phức tạp. Một số đối tượng lợi dụng địa hình biên giới để tuồn hàng lậu từ Lào vào nội địa kiếm lợi nhuận. Lực lượng chức năng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn buôn lậu.

Hành nghề chèo đò thời gian dài, ông Tó luôn tự răn mình phải chấp hành pháp luật của hai nước.

Ông Tó cho biết, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cũng thường xuyên tuần tra, gặp gỡ, thăm hỏi, động viên ông chấp hành tốt, không vi phạm pháp luật. Bản thân ông cũng cam kết không tiếp tay chở hàng lậu, hoặc có hành vi phạm pháp.

Lực lượng biên phòng tuần tra, tuyên truyền người dân chấp hành pháp luật.
Lực lượng biên phòng tuần tra, tuyên truyền người dân chấp hành pháp luật.

Tham gia chở khách hàng ngày qua lại hai bên biên giới để giao lưu văn hóa, sản xuất kinh doanh, những người như ông Tó được xem là người “bắc nhịp cầu hữu nghị” Việt – Lào.

Nhằm duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; xuất phát từ tình hình thực tiễn khu vực biên giới, tỉnh Quảng Trị đã giao cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nghiên cứu, đề xuất hình thức, biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ biên giới và tăng cường công tác đối ngoại trong tình hình mới. Theo đó, mô hình kết nghĩa bản - bản đối diện hai bên biên giới đã ra đời.

Từ mô hình điểm “bản kết nghĩa” đầu tiên được thực hiện giữa bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) và bản DenSaVan (huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet), hiện nay đã có nhiều bản kết nghĩa được tổ chức giữa hai bên biên giới giữa tỉnh Quảng Trị với 2 tỉnh Savanakhet và Salavan.

Sau nhiều năm thực hiện kết nghĩa bản - bản đối diện hai bên biên giới đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, góp phần củng cố, phát triển bền vững mối quan hệ đoàn kết, gắn bó đặc biệt; từ sinh hoạt bản làng đến giúp nhau cùng phát triển kinh tế, dựng vợ gả chồng, giao lưu văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên giữa hai bên.

Đ. Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm