Nghệ An:
Ngược núi chặt luồng cứu đói
(Dân trí) - Giữa lúc hạt gạo trong chum cạn kiệt, hàng chục người dân xã Châu Bính (Quỳ Châu, Nghệ An) đổ xô lên rừng chặt thuê cây luồng đắp đổi qua ngày. Ngày công rẻ mạt, công việc nguy hiểm nhưng để “no cái bụng”, họ không còn lựa chọn nào khác.
Những ngày giáp hạt, đi chặt luồng thuê là cách cứu đói của không ít người dân miền núi Nghệ An
Chị Sáu là một trong số hàng chục người dân bản Mờ, xã Châu Bính (Quỳ Châu, Nghệ An) lên bản Khủn Na (xã Đồng Văn, Quế Phong) này đi chặt luồng thuê. “Nhà có 2 sào ruộng, lúa mới cấy xong, việc không có, tiền không có, gạo thì hết, có người thuê chặt luồng là đi thôi. Ở nhà thì đói à?”, anh Vi Văn Tiến dắt lại cái dao cho chắc chắn nơi mạng sườn nói với lại phía sau rồi xăm xăm bước lên núi.
“Họ trả tiền theo cân chứ không trả tiền theo diện tích khai thác mô. Ai may mắn chọn được rừng dễ khai thác thì còn đỡ, chứ gặp cánh rừng dốc, riêng cái khoản đưa luồng ra khỏi rừng rồi chuyển xuống chỗ tập kết cũng bở hơi tai rồi. Rồi những gốc luồng bị chặt như mũi dao nhọn hoắt, sơ sểnh một tý là nó “khoét” vào bàn chân, bắp chân. Cái anh gốc luồng ni sắc lắm, vết thương hở hoác máu chảy như xối”, anh Tiến cho biết thêm.
Thường thì đội khai thác luồng thường là anh em trong nhà đi chung với nhau. Để chuẩn bị cho chuyến “ngược núi”, có khi dài đến 2 tuần họ phải lỉnh kỉnh mang theo gạo, muối, cá khô, xoong nồi… Sáng, núi rừng mờ trong sương nên công việc của họ bắt đầu từ 9h sáng, sau khi đã ăn thật no. Ngày làm việc của họ kéo dài cho tới 3-4 giờ chiều.
Đưa được những cây luồng dài cả chục mét từ trên đỉnh núi xuống điểm tập kết, cánh phụ nữ sẽ bắc nồi nấu cơm, cánh đàn ông tranh thủ mặt trời chưa tắt để chặt luồng, chẻ luồng rồi bó thành từng bó đợi thương lái đến. Có những khi luồng chặt được ít quá, không bõ công cho xe vào chở nên thương lái bỏ luôn, chẳng thèm vào cân. Những lúc như thế, thợ chặt luồng chỉ biết ngậm ngùi nhìn công sức của mình thành ra công cốc.
Chứng kiến bữa cơm của thợ chặt luồng chúng tôi không khỏi xót xa. Bữa cơm có mấy con cá mắm kho mặn chát và một ít rau rừng. Thậm chí đến cái bát cũng không đủ. Bê cái vung xoong lên để và cơm, anh Vi Hiển thanh minh: “Hôm lên đây, đưa mỗi người một cái bát nhưng đi giữa đường vỡ mất rồi…”. Mệt mỏi sau một ngày làm việc quần quật nên chỉ một loáng nồi cơm đã hết veo.
“Đi cả tuần trên này thì con cái để ai trông?” chúng tôi hỏi. Chị Sáu cười: “Ai trông? Chúng nó tự trông nhau chứ. Trước khi đi chuẩn bị cho 3 đứa ở nhà mấy lon gạo với một ít thức ăn. Đứa lớn nấu cơm cho hai đứa nhỏ ăn rồi đưa nhau đi học. Không đi chặt luồng thì lấy mô ra tiền mà đong gạo, mà nộp tiền học cho con? Con nhà khó phải sớm biết lo thôi”.
Dọc con đường vào sâu trong vùng lòng hồ, thảng hoặc chúng tôi bắt gặp những bó luồng chất đống để khô bên vệ đường. Những ngày trèo núi chặt luồng của nhóm thợ nào đó đã không được mua. Nghĩa là ở đâu đó bát cơm mùa giáp hạt của người dân miền núi nghèo này sẽ vơi đi nhiều lắm.
Hoàng Lam