1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngược Mường Chon!

(Dân trí) - “Ngày xưa Mường Chon miềng nghèo lắm, chỉ có người ốm mới được ăn cơm, người khỏe ngày mùa được ăn cháo, ngày ba tháng tám phải ăn củ nâu, cây khủa, ăn mài, ăn đẹt nhưng phải lên tận rừng sâu đào trợt mặt mới có...”, một già làng ở Mường Chon mở đầu câu chuyện với người khách miền xuôi.

Già làng kể tiếp: Cách mạng về, hòa bình lập lại, Mường Chon được đổi tên thành xã Bình Chuẩn, thuộc huyện Con Cuông (Nghệ An). Cuộc sống của bà con có khá hơn, trẻ em được đến trường học, người già được ăn no, mặc ấm, được xem ti vi, nghe nhạc…

 

Mường Chon cô độc

 

Người ta kể lại rằng: Ngày xưa, một số người Kinh ở dưới xuôi, do đói kém đã dắt nhau lên núi đào củ, lấy măng và định cư lại, lập thành bản dần dần thành Mường Chon như bây giờ, với 8 bản mang 8 cái tên rất lạ: bản Quốc, bản Quăn, Xốp Mẹt, Tông Phay, Tung Poọng, Nà Cọ… Hiện Mường Chon có 557 hộ, gần 3.600 khẩu, giao tiếp với nhau chủ yếu bằng tiếng Thái, không kể khoảng 20% dân bản, phần lớn là những cán bộ, biết nói tiếng Kinh.

 

Dân trí thấp, kinh tế khó khăn, phương thức sản xuất cơ bản vẫn là phát-đốt-chọc-trỉa, sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, thế nên đời sống bà con còn nhiều khổ cực.

 

Từ thị trấn Con Cuông đến Mường Chon, trước đây phải mất cả ngày đường đi bộ, đường núi gập ghềnh cheo leo. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa thì muỗi, vắt, mưa rừng, lở núi sẽ ngăn cản bước chân người. Nhiều khi bão lũ “cắt” Mường Chon thành địa đảo cô lập. Nhưng bây giờ nhờ có Chương trình 135/CP của Chính phủ, đã có đường lên Mường Chon, nhưng cũng chỉ thuận lợi giao thông trong mùa khô và phương tiện duy nhất là xe lai. Cả đi và về bằng xe lai mất gần 500.000 đồng/chuyến, giá cao vì đường xá phức tạp, ăn uống, sinh hoạt khó khăn.

 

Địa hình phức tạp, dân trí thấp cho nên sản xuất ở đây còn ở dạng tự nhiên chủ yếu dựa vào cây rừng nương rẫy, con cá dưới suôi, cây rau, củ quả trên rừng. Trâu bò thả trong rừng, lợn gà thả dưới sàn. Lúa làm ra để trong lán ở trong rẫy, ăn từng nào gùi về từng đó. Nguồn thực phẩm do núi rừng cung cấp và chăn nuôi tự nhiên. Muốn ăn rau vác dao lên rừng, muốn ăn cá vác chài ra suối.

 

Ngược Mường Chon! - 1

Một góc Mường Chon. (Ảnh: Nguyễn Duy)

 

Theo thống kê sơ bộ, cả Mường Chon chỉ có 15-20% số hộ có nhà kê; cả xã chỉ có 5-7 cái giếng đào. Công nghiệp hóa ở Mường Chon là cái máy xát gạo chạy bằng dầu ma zút, khói đen nghịt cả bản. Hiện đại hóa là chiếc xe Min “không ăn cỏ vẫn cưỡi lên đi được”.

 

Nhọc nhằn con chữ ở Mường Chon

 

Cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu kéo theo sự gian nan, nhọc nhằn của con chữ ở Mường Chon. Giáo viên lên với Mường Chon đa số là giáo viên trẻ mới ra trường, đang hợp đồng ngắn hạn. Nhiều giáo viên trẻ coi đây như đi “nghĩa vụ không thời hạn” nên chất lượng dạy và học không cao. Có cơ hội là họ rời Mường Chon. Cả xã có một trường mầm non, một trường tiểu học và một trung học cơ sở, nhưng trẻ em trong làng chỉ học để biết cái chữ là thôi.

 

Học sinh cấp 2, 3 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Học sinh học xong trung học cơ sở, về lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái xong là quên luôn cái chữ. Năm trước huyện lên mở lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, có hơn 30 đoàn viên đến học, kiểm tra văn bằng đều tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng… không biết viết vì “lâu không động đến đã quên rồi”.

 

Người Mường Chon nghèo, chỉ biết hỗ trợ thêm cho cô giáo mầm non, y tá bản bằng “tấm lòng” chứ không có đồng tiền, bát gạo. Ngoài 80.000 đồng trên cấp cho hàng tháng, họ không có thu nhập gì thêm.

 

Mấy anh cán bộ xã ở đây, anh nào cũng nợ vợ. Anh Phong chủ tịch xã, mấy năm trước khi còn làm xã đội trưởng huấn luyện dân quân, xã không có tiền phải vay vợ một con trâu để làm thực phẩm, đến nay còn nguyên trong sổ nợ của xã. Năm ngoái, cán bộ Thuần kêu thợ đóng bàn ghế cho xã, khi thanh toán tiền công cũng đem trâu của vợ trả cho thợ.

Mấy anh làm ở xã khóa trước phải giấu vợ vay ngân hàng để trả tiền công cho thợ làm trường học…

 

Mường Chon nhọc nhằn, gian nan như thế. Bà con Mường Chon nghèo như thế. Ngược Mường Chon về rồi, lại thấy lòng nao nao thương nhớ Mường Chon!

 

Nguyễn Duy