1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngửa cổ chờ lương mới

Ngoại trừ một số doanh nghiệp đã trả lương vượt khung lương tối thiểu, một số đơn vị hành chính sự nghiệp “tự động” áp dụng lương mới, còn lại đa phần những người hưởng lương "ba cọc, ba đồng" từ các cơ quan nhà nước hay các đơn vị sự nghiệp vẫn "ngửa cổ" chờ lương mới, dù đã vào những ngày cuối cùng của tháng 10.

Tự làm khó mình


Gần 1 tháng có hiệu lực điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu, song hầu hết CBCNV hưởng lương từ ngân sách tại Đà Nẵng đều chưa được nhận mức lương mới. Sự "sốt ruột" của người lao động là có thật, bởi giá cả thị trường đang leo thang từng ngày, đặc biệt là sau ngày tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, nguyên nhân triển khai chậm trễ việc chi trả lương lại là... từ các cơ sở, các DN.

Giám đốc Sở Tài chính TP.Đà Nẵng - bà Lê Thị Hường - cho biết, ngay từ đầu năm, đã có dự toán ngân sách cho việc chi trả tăng lương, ngân sách không hề bị động trước sự điều chỉnh này; mặt khác, các đơn vị hưởng lương từ ngân sách hiện nay tự rút tiền từ kho bạc để chi trả cho CBCNV của mình, nên sẽ không có vướng mắc nào cả. Thông tư của Bộ Tài chính đã có hướng dẫn rõ ràng, các đơn vị, cơ quan chỉ cần căn cứ bảng lương, bố trí dự toán, nộp Sở Tài chính để chúng tôi tổng hợp, trình UBND TP duyệt là có thể rút tiền chi trả lương mới. Song cho đến nay, tại Đà Nẵng chưa có đơn vị nào trình dự toán bảng lương mới.

Bà Hường cũng cho biết, Sở Tài chính TP đã có công văn hướng dẫn gửi tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn, đôn đốc việc triển khai thực hiện các thủ tục để sớm chi lương cho người lao động, chậm nhất vào cuối tháng 10/2005.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu và làm được như các cán bộ tài chính Đà Nẵng. Chị Mai Thanh Bình - TCty Bảo Việt Việt Nam - bức xúc: Quyết định tăng mức lương cơ bản có từ 1/10, nhưng cho tới thời điểm này, cơ quan tôi cũng như nhiều cơ quan khác, nhất là các đơn vị hành chính vẫn chưa được hưởng lương theo quyết định mới.

Theo tìm hiểu, tôi được biết dù nghị định đã quy định cụ thể về việc nâng mức lương tối thiểu lên 350.000đ, nhưng vì chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể nên các cơ quan, đơn vị chưa có căn cứ để thi hành. Và vì thế, dù đã có nghị định quy định rõ ràng, nhưng các đơn vị cứ phải chờ đợi thông tư để có thể tiến hành trả lương mới.

Tương tự, tại TPHCM, anh Nguyễn Anh Dũng - nhân viên một đơn vị sự nghiệp có thu tại phía nam trực thuộc Bộ Tài chính - cho biết: "Trong tháng 10 này, cơ quan tôi vẫn chưa thanh toán lương theo mức lương tối thiểu mới điều chỉnh. Tôi được cơ quan thông báo phần chênh lệch của mức lương mới sẽ được truy lĩnh sau, nguyên nhân do phải chờ thông tư hướng dẫn thực hiện và quyết định điều chỉnh quỹ lương của cơ quan chủ quản".

Linh hoạt: Người ăn lương được nhờ


Thực tế, cũng có một số đơn vị "linh hoạt" căn cứ vào bảng lương cũ, để tự nâng lương cho nội bộ rồi ứng tiền ngân sách để chi trả. Sở LĐTBXH Đà Nẵng là một ví dụ.

Ông Nguyễn Văn An - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính của sở - cho biết, việc chi sớm lương cho CBCNV là cần thiết, nếu không có vướng mắc gì thì cứ giải quyết sớm, không nên kéo dài sự mong đợi của mọi người, nhưng cách làm của nhiều đơn vị là tự làm khó mình trước, chứ chính sách tiền lương không bị vướng ở bất kỳ khâu nào. Vấn đề này cũng được GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng Phạm Tấn Tài khẳng định tương tự.

Bà Nguyễn Thị Dân - Trưởng phòng Lao động, tiền công, tiền lương, Sở LĐTBXH TPHCM - cho biết: "Áp dụng mức lương tối thiểu theo nghị định mới, đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp của thành phố việc thực hiện khá đơn giản, nên hầu hết các đơn vị đều triển khai trong kỳ lương tháng 10 này".

Đối với các DN, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc TT Dịch vụ việc làm TPHCM - Sở LĐTBXH, kiêm Tổ trưởng Tổ thông tin thị trường lao động - nhận xét: "Trong thực tế tại TPHCM, nhiều DN đã trả lương tối thiểu cho người lao động vượt mức quy định của Nhà nước, nên việc DN thực hiện quy định điều chỉnh mức lương tối thiểu theo Nghị định 118 trong tháng 10 này không là vấn đề quá khó khăn để các DN không thể thực hiện được. Mặt khác, mặt bằng lương tại TPHCM hiện nay các DN đưa ra khi tuyển dụng trong tháng 10 đã cao hơn trước đây 15-20%, bình quân mức lương thấp nhất được các DN đưa ra từ 800.000 - 1.500.000 đồng/tháng trở lên".

Không tăng còn hơn!

TS Hoa Nghĩa Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Châu Đốc (An Giang) - cho rằng: "Lương mới chỉ có lợi cho người có thâm niên. Trước đây, khi chưa có mức lương mới, chúng tôi dùng toàn bộ số tiền 35% viện phí theo Nghị định 10 của Chính phủ để chi bồi dưỡng cho y - bác sĩ tham gia trực, khám chữa bệnh nói chung. Từ ngày áp dụng mức lương mới, chúng tôi phải lấy khoản tiền này đắp vào quỹ lương chung.

Như vậy, vấn đề ở đây không phải tăng lương, mà thực chất chỉ là vét từ túi này sang túi khác một cách không công bằng. Bởi trước đây, người lao động sẽ hưởng thêm theo khả năng và công sức trực tiếp tham gia phục vụ, còn bây giờ thì lợi thế lại thuộc về người có thâm niên, hay nói cách khác là cứ "sống lâu" sẽ được chế độ "lão làng". Nếu không kịp thời có những giải pháp thích ứng, theo tôi tăng lương như thế chỉ là cách làm lấy tiếng, chớ không thực sự kích thích tinh thần làm việc tích cực của người lao động".

Th.S Hoàng Xuân Quảng - Phó Hiệu trưởng ĐH An Giang: Hàng loạt giáo viên vô cớ bị sụt lương. Trước khi có mức lương mới, trường áp dụng chính sách về quy chế với chế độ ưu đãi ngành sư phạm, nên bình quân thu nhập của người lao động khoảng 1,7 triệu đồng/ người/ tháng. Từ khi áp dụng mức lương mới, trừ số cán bộ trực tiếp giảng dạy tại khoa Sư phạm, nhìn chung thu nhập bị sụt, nhất là số cán bộ giảng dạy tại các khoa: Nông nghiệp, Công nghệ thông tin, Kinh tế... do được xếp vào danh mục ngoài sư phạm. Điều này thật là bất hợp lý.

Điều này chắc chắn có ảnh hưởng nhất định đến tinh thần làm việc, thái độ cống hiến của không ít giáo viên.

Theo Lao Động