1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngư dân trở về từ Hoàng Sa: “Biển của ta, ta cứ đánh bắt”

(Dân trí) - Đó là khẳng định của các chủ tàu cá và ngư dân Quảng Nam vừa có chuyến biển gần 1 tháng từ vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đang đặt giàn khoan Hải Dương 981 phi pháp trên vùng biển Việt Nam.

Ngày 5/6, 15 tàu cá của ngư dân 2 xã Tam Hải và Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã trở về cảng Kỳ Hà sau gần 1 tháng đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Hàng trăm người thân đã chào đón các ngư dân trở về.

Chủ tàu cá QNa 90178 – ông Phạm Bá Hẹn (trú xã Tam Quang) kể: Khi ra đến ngư trường Hoàng Sa, đã có hàng chục tàu các loại của Trung Quốc “chào đón”, họ đi thành từng đoàn và sẵn sàng ngăn cản, quấy rối công việc đánh bắt của ngư dân, thậm chí tấn công vào ngư dân.

Tàu cá QNa 91559 của ông Ngô Ry bị tàu Trung Quốc đâm hỏng
Tàu cá QNa 91559 của ông Ngô Ry bị tàu Trung Quốc đâm hỏng
 

Một trong những tàu cá bị tàu Trung Quốc tấn công là tàu cá QNa 91559 của ông Ngô Ry (trú xã Tam Hải). Theo ông Ry cho biết, ngày 14/5, đội tàu cá của ngư dân huyện Núi Thành sau hai ngày trực chỉ Hoàng Sa đã đến ngư trường truyền thống để tiến hành đánh bắt.

Tuy nhiên, vào trưa hôm đó, một tàu vỏ sắt của Trung Quốc mang số hiệu 11075 với “danh nghĩa” là tàu chụp mực to gấp nhiều lần tàu gỗ của ngư dân Việt Nam bất ngờ xuất hiện rồi đâm thẳng vào đuôi tàu QNa 91559. Cú tông khá mạnh làm cho thanh đà ngang giữ cabin của tàu QNa 91559 bị gãy.

Ông Ngô Ry bức xúc: “Tàu của Trung Quốc toàn là các tàu to như tàu vận tải. Nếu tàu của ngư dân mình chạy không kịp sẽ bị đâm vào một cách thô bạo”. Ông Ngô Ry cho biết, sau cú đâm vào tàu mình, chiếc tàu vỏ sắt của Trung Quốc vượt lên nhưng tàu QNa 91559 đã mở máy để né tránh và chạy thoát. “Nếu tôi không chạy thoát thì chắc cũng như tàu cá của bà con ngư dân Đà Nẵng bị chìm rồi”, ông Ry nói. Dù “bị thương” khá nặng nhưng tàu QNa 91559 của ông Ry vừa khắc phục vừa kiên cường bám biển cho đến ngày trở về.

Các ngư dân Quảng Nam cùng người thân vừa trở về sau chuyến biển dài ngày ở khu vực Hoàng Sa
Các ngư dân Quảng Nam cùng người thân vừa trở về sau chuyến biển dài ngày ở khu vực Hoàng Sa
 

Dưới nước thì tàu cá ngư dân Quảng Nam luôn bị tàu Trung Quốc xua đuổi, còn trên trời thì Trung Quốc liên tiếp cho máy bay tuần thám lẫn trực thăng lượn nhiều vòng gần tàu của ngư dân để đe dọa, gây áp lực tâm lý cho ngư dân.

Ngư dân Ngô Thanh Việt (32 tuổi, trú tại xã Tam Hải) đi trên tàu QNa 91559 cho biết, liên tiếp trong những ngày từ 13/5 đến những ngày đầu tháng 6, mỗi ngày Trung Quốc đều cho máy bay tuần thám lượn lờ trên bầu trời. Có lúc máy bay của Trung Quốc bay rất gần tàu của ngư dân để đe dọa, uy hiếp, xua đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Chủ tàu QNa 90244 – ông Huỳnh Văn Tạo cũng bức xúc về việc ngư dân của mình đánh cá trên vùng biển chủ quyền của mình mà lại bị tàu Trung Quốc hăm he tấn công. Ông cho rằng Trung Quốc muốn đuổi ngư dân của Quảng Nam ra khỏi ngư trường truyền thống của ông cha để lại ngàn đời nay hòng độc chiếm vùng biển này.

Tuy nhiên, theo ông Tạo ngư dân Quảng Nam luôn kiên cường bám biển dù có khó khăn vì luôn bị Trung Quốc xua đuổi. “Vì đây là vùng biển của mình thì mình cứ đánh bắt, Trung Quốc có đuổi thì mình chạy, nhưng không thể bỏ biển được, ngư dân mình bỏ biển là tạo cớ để Trung Quốc lấn tới và sẽ mất luôn biển”, ông Tạo nói.

Khi ra ngư trường Hoàng Sa, đội tàu cá của ngư dân Quảng Nam hoạt động cách giàn khoan Hải Dương 981 trên dưới 10 hải lý về phía Tây Nam và đi thành từng tổ đội để có gì thì có thể hỗ trợ lẫn nhau, vì thế các ngư dân cũng yên tâm hoạt động đánh bắt bình thường trên vùng biển chủ quyền của mình.

Trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch Hội nghề cá Quảng Nam – ông Ngô Tấn – cho biết, dù có bị tàu của Trung Quốc phá rối nhưng đối với bà con ngư dân Quảng Nam đây là một chuyến biển thành công. Mặc khác, dù vùng biển đang “nóng”  với những hành động thô bạo và ngang ngược của Trung Quốc nhưng ngư dân Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung rất có niềm tin vì sau lưng bà con ngư dân là lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển luôn trợ giúp mỗi khi ngư dân gặp nạn, bảo vệ ngư dân làm ăn chính đáng trên vùng biển chủ quyền.

Ông Ngô Tấn cũng cho rằng, việc ngư dân kiên cường bám biển đã thể hiện chủ quyền của vùng biển trước hành động xâm lấn của Trung Quốc. “Với sự bảo vệ của lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, bà con ngư dân chúng ta rất yên tâm, không hề nao núng và quyết tâm giữ biển đảo đến cùng”, ông Ngô Tấn phát biểu.

Công Bính