Quảng Bình:
Ngư dân lo lắng vì vay tiền cải hoán tàu cá vẫn chưa chắc được ra khơi
(Dân trí) - Quảng Bình có 388 tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài dưới 15m cần phải cải hoán để đáp ứng với tiêu chuẩn quy định của Luật Thủy sản. Thế nhưng nhiều chủ tàu tại địa phương này lại đang lo lắng, nếu sau cải hoán không được cấp hạn ngạch, tàu cá của họ vẫn phải nằm bờ.
Theo thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, hiện địa phương này có 388 tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài dưới 15m. Những tàu cá này muốn ra khơi thì phải cải hoán để đáp ứng với tiêu chuẩn quy định của Luật Thủy sản.
Ông Lê Ngọc Linh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy Sản Quảng Bình cho biết, tính đến hết tháng 11/2019, đã có 203 chủ tàu cá nộp hồ sơ xin cải hoán. Sau khi xem xét, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương này đã đồng ý cấp giấy cho phép được cải hoán cho 174 trường hợp. Hiện đã có 40 tàu cải hoán xong và đã được cấp đăng ký, đăng kiểm.
Thế nhưng băn khoăn lớn nhất của nhiều chủ tàu hiện nay là câu hỏi liệu sau khi cải hoán có chắc chắn được cấp giấy phép hạn ngạch không. Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản Quảng Bình cũng thừa nhận những lo lắng của ngư dân là có cơ sở, bởi nếu hạn ngạch bổ sung được cấp thấp hơn số hồ sơ đề nghị thì chắc chắn nhiều tàu cá buộc phải nằm bờ.
“ Nếu trường hợp, hạn ngạch bổ sung được cấp thấp hơn số hồ sơ đề nghị thì chắc chắn sẽ có nhiều tàu cá sau khi cải hoán sẽ không được ra khơi”, ông Linh nói.
Xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch là địa phương có số lượng tàu dưới 15m lớn nhất Quảng Bình, các tàu cá tại địa phương này theo truyền thống từ trước đến nay đều đóng theo diện “rộng bề ngang, ngắn bề dọc”, do đó không đảm bảo tiêu chuẩn.
Ngư dân Hoàng Linh, xã Cảnh Dương đã làm xong hồ sơ thủ tục xin cải hoán và dự kiến sẽ thực hiện trong thời gian tới. Ông Linh cho biết ông phải vay hơn 100 triệu đồng để thực hiện cải hoán, thế nhưng cải hoán xong mà không được cấp giấy phép hạn ngạch thì tàu vẫn không thể ra khơi, chủ tàu lại chìm trong nợ nần.
“Giờ muốn đi biển thì phải cải hoán tàu, thế nhưng cải hoán xong lại lo vì không biết có chắc chắn được cấp giấy phép hạn ngạch không. Không được cấp thì lại lâm vào tình thế khó khăn, nợ vay để cải hoán chưa trả mà tàu thì phải nằm bờ thì chẳng khác nào đâm đầu vào vay tín dụng đen”, ông Linh lo lắng.
Trước thực trạng nhiều ngư dân lo lắng khi phải vay mượn để cải hoán tàu, ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương đề nghị cấp trên nên có văn bản hướng dẫn sớm để bà con ngư dân yên tâm với lòng tin chắc chắn sẽ được cấp hạn ngạch bổ sung sau khi cải hoán tàu.
Cũng như xã Cảnh Dương, ở phường Quảng Phúc, TX Ba Đồn cũng có hơn 50 tàu trong diện phải cải hoán. Ngư dân thì sốt sắng làm sao cải hoán nhanh để đủ hồ sơ xin cấp giấy phép. Nhưng khi đã bỏ ra số tiền khá lớn để cải hoán tàu xong lại ngồi chờ đợi và lo lắng.
“Khi biết các thủ tục, tôi đã nhanh chóng làm hồ sơ xin cơ quan ban ngành, con tàu của tôi đã được cải hoán hoàn chỉnh và đã xong thủ tục tục đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, giờ tôi phải đợi đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau mới biết tàu của mình có được cấp lại hạn ngạch bổ sung hay không, việc cấp này còn tùy thuộc vào lựa chọn từ các cấp, ban ngành”, ngư dân Nguyễn Quang Trung nói.
Bên cạnh việc cải hoán và cấp giấy phép hạn ngạch, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của ngư dân hiện nay cũng gặp không ít khó khăn khi thời gian còn chưa đầy 6 tháng. Trong khi đó ở Quảng Bình có gần 1.200 tàu sẽ phải lắp thiết bị giám sát này. Phía Chi cục Thủy sản cho hay, nếu huy động lực lượng làm việc cả ngày nghỉ thì trong 6 tháng cật lực cũng chỉ xong thủ tục khoảng 70% số tàu đăng ký. Như vậy, có thể sau thời hạn quy định, thì có khoảng 300 tàu cá chưa thể đủ thủ tục để ra khơi.
Tiến Thành