Bình Định:
Ngư dân kiếm chục triệu mỗi đêm nhờ săn tôm hùm giống
(Dân trí) - Có thuyền một đêm đánh bắt được 50 - 70 con tôm hùm giống, giá bán từ 300.000 - 350.000 đồng/con...
Mùa đánh bắt tôm hùm giống của ngư dân Bình Định bắt đầu từ tháng Chạp năm trước đến tháng Ba ân lịch năm sau. Đầu mùa, dù tôm hùm giống xuất hiện ít, mỗi đêm mỗi thuyền chỉ đánh bắt được vài ba con nhưng nhờ giá bán cao, từ 300.000đ - 350.000đ/con nên ngư dân cũng có thu nhập khá. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, tôm hùm giống xuất hiện dày ở vùng biển ven bờ, trong khi giá tôm không hạ nên nhiều ngư dân “săn” tôm hùm chuyên nghiệp trúng đậm.
Ông Nguyễn Từ Thiện, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến (huyện Phù Cát), cho biết: “Từ đầu tháng 3 đến nay, mật độ tôm hùm giống xuất hiện nhiều, nên có ghe đi chỉ 1 đêm mà đánh bắt đến những 50-70 con. Trong khi đó giá tôm sao là gần 300.000đ/con, tôm xanh gần 100.000đ/con. Ghe nào trúng tôm, mỗi đêm thu nhập trên 14 triệu đồng. Sau khi chia phần cho phương tiện, mỗi ngư dân tham gia được chia từ 1,4 đến 1,8 triệu đồng/người/đêm. Với thu nhập này của một ngư dân sau một đêm là rất cao”.
Ông Thiện cho biết thêm, toàn xã Cát Tiến có 13.000 dân thì có đến 4.000 người hành nghề ngư nghiệp với 234 tàu thuyền có công suất từ 60 CV trở lên. Trong đó, chủ yếu là đánh bắt xa bờ. Chỉ một số ít đánh bắt gần bờ. Tuy nhiên, do tôm hùm giống xuất hiện nhiều, giá lại cao nên nhiều phương tiện chuyển sang đánh bắt tôm hùm. Hết mùa tôm, ngư dân lại tiếp tục vươn khơi đánh bắt cá ngừ đại dương.
Tôm hùm giống xuất hiện nhiều, giá cao; hơn nữa ngư dân Bình Định còn “phát minh” ra công nghệ đánh bắt tôm hùm giống đặc biệt. Nếu như trước kia ngư dân đánh bắt tôm hùm giống bằng phương pháp thả lưới mành trủ thì bây giờ chuyển sang “công nghệ” đánh bắt tôm hùm giống bằng lưới màng kết hợp cột cây khoan lỗ.
Chị Nguyễn Thị Bảy ở thôn Trung Lương (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) cho biết, mỗi cây có chiều ngang khoảng 2-3cm, dài 50-60cm, trên cây được khoan nhiều lỗ nhỏ. Lưới được may thành tấm hình chữ nhật, mỗi tấm lưới được cột dính với 4 thanh cây (trên 2 cây dưới 2 cây). Tấm lưới màng cột cây được thả chìm cách mặt nước biển từ 3 đến 7m. Tôm đi dựa theo tấm lưới màng, rồi chui vào những lỗ nhỏ được khoan trên thanh gỗ. Khi thu hoạch ngư dân kéo lưới lẫn cây gỗ lên tìm tôm trong những cái lỗ mà bắt nên rất hiệu quả.
Năm nay, nghề đánh bắt tôm hùm giống ăn nên làm ra khiến những hộ ngư dân ở các xã ven biển thuộc huyện Phù Cát dù không có sẵn ghe thuyền cũng mạnh dạn vay vốn làm thuyền thúng nhôm, gắn máy có công suất nhỏ (4-5CV) là có thể tham gia đánh bắt.
Bên chiếc thuyền thúng vùa hoàn thiện, anh Nguyễn Văn Ngã (ở thôn Trung Lương, xã Cát Tiến) phấn khởi khoe: “Thấy bà con trong làng làm ăn ngon lành quá tui cũng vừa làm được chiếc thúng này, giá 16 triệu. Do đánh bắt gần bờ chỉ khoảng vài trăm mét nên dùng máy nhỏ vẫn chạy tốt lại ít nhiên liệu. Nếu trúng đậm tôm hùm giống thì chỉ vài ba đêm là lấy lại vốn”.
Theo ghi nhận, mùa đánh bắt tôm hùm giống năm nay không chỉ có ngư dân ở xã Cát Tiến trúng tôm hùm giống, mà ngư dân các xã Cát Thành, Cát Khánh, Cát Hải (huyện Phù Cát), xã Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn) và TP Quy Nhơn đều chung niềm vui. Chỉ trong một đêm đi đánh bắt, những thuyền nếu “trúng” có thể bắt được từ 20 đến 30 con tôm hùm giống. Sau khi trừ tổn, mỗi thuyền có thể thu nhập từ 8 đến 12 triệu đồng.
Doãn Công