1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngư dân gặp nạn không được trợ cấp vì tòa chưa… tuyên chết

Họ đã lập bàn thờ hương khói cho chồng, con từ 17 tháng nay nhưng vẫn chưa nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ từ chính quyền. Lý do là tòa chưa tuyên bố thân nhân của họ chết. Đó là câu chuyện có thật của người thân 20 ngư dân câu mực ở xã Phổ Quang (Phổ Thuận, Quảng Ngãi) đã mất tích trên biển cùng con tàu QN6-8731 hôm 4/3/2005.

“Sáng kiến” gây phiền phức

 

Hai tháng sau ngày 4/3 ấy, những phụ nữ ngày ngày bồng con ra biển ngóng chồng đã tàn những tia hy vọng cuối cùng. 20 bàn thờ được lập nên, những mái đầu tóc xanh lẫn tóc bạc đội vàng khăn trắng - dấu hiệu của sự goá bụa và khốn khó.

 

Nhưng họ chỉ biết gánh chịu nỗi đau và khó khắn trong thầm lặng…

 

Chủ tịch xã Phổ Quang Nguyễn Anh Tuấn nói: “Trong 20 ngư dân bị nạn, xã tôi có 11 người, tất cả đều thuộc gia đình nghèo. Ngoài tiền hương đèn bà con trong xã phúng viếng cho (200.000 đồng/gia đình), họ chưa được sự giúp đỡ nào. Để kiếm cái ăn, nhiều phụ nữ phải bỏ quê đi tứ tán làm thuê để lại con cái nheo nhóc cho mấy bà già, ông già, rất thảm cảnh.

 

Sau khi tai nạn xảy ra, chúng tôi đã báo cáo lên huyện. Nhưng Phó Chủ tịch huyện Trần Em có ý kiến rằng, đây là trường hợp tai nạn trên biển chứ không phải bão nên huyện khó chi ngân sách hỗ trợ”.

 

Ngày 6/8, trao đổi điện thoại với phóng viên, ông Trần Em cũng khẳng định lại điều này. Theo ông Em thì huyện không những không thể chi ngân sách để thăm viếng, hỗ trợ mà bản thân việc đi thăm viếng thân nhân những người mất tích cũng không. Lý do, theo ông Em là vì… ngại “đấy là chuyện tế nhi, vì chưa chắc họ đã tin người thân mình chết...”.

 

Ông Em nói, ông rất bức xúc vì “quy định” chỉ có chết, mất tích trong cơn bão mới được hỗ trợ còn tai nạn trên biển thì không.

 

Vì coi đây chỉ là một tai nạn như là tai nạn giao thông vẫn xảy ra hàng ngày, nên huyện Đức Phổ đã... im lặng trước nỗi đau “Chan chu” của tàu 8731, thậm chí huyện cũng không báo cáo việc này lên tỉnh (theo ông Em thì chỉ có Phòng Nông-Lâm-Thuỷ sản Đức Phổ báo cáo lên Sở Thuỷ sản mà thôi).

 

Sau này, trước hoàn cảnh quá đỗi thương tâm của những gia đình có người bị nạn trên tàu 8731, UBND xã bức xúc vừa kêu bằng đơn, vừa kêu bằng miệng nhiều lần lên huyện. Khi đó, ông Trần Em - người phụ trách lĩnh vực này của UBND huyện Đức Phổ - mới đưa ra giải pháp là cần Toà án nhân dân huyện tuyên bố những ngư dân kia đã chết (sau 17 tháng mất tích). “Chúng tôi nghĩ rằng, nếu tuyên bố họ chết thì sự giúp đỡ của các cơ quan tổ chức cho thân nhân họ mới dễ dàng” - ông giải thích. “Sáng kiến” này của huyện chẳng những không giúp được gì mà còn mang thêm phiền phức cho những người còn sống.

 

Nộp án phí để được tuyên bố... chết

 

Bà Huỳnh Thị Liêm, người có chồng, con ruột, con rể cùng ra đi trên con tàu 8731 cho biết: Bà và các “thân nhân Chan chư” Phổ Quang đã lên Toà án huyện Đức Phổ 3 lần, gồm các ngày 26/7/2006, 31/7/2006 và 2/8/2006 nhưng chỉ được... nộp 50.000 đồng tiền án phí, cùng những hướng dẫn vừa khó hiểu vừa khó thực thực hiện. Những hướng dẫn đó là: Phải có đơn đề nghị toà tuyên bố thân nhân mình đã chết và phải cung cấp những chứng cứ về thân nhân của mình có đi chiếc tàu đó và đã chết ngoài khơi.

 

Bà Liêm mếu máo: “Chúng tôi đều là phụ nữ, tiền bạc không có, ba cái chuyện giấy tờ không thông, bây giờ bảo phải vào Quy Nhơn tìm Sổ hành trình của biên phòng cửa biển mà chứng minh chuyện có ra cửa của con tàu tàu 8731 (xuất bến từ Quy Nhơn)..., rồi đi tìm những chiếc tàu cùng làm ăn với tàu chồng con tôi bảo họ chứng nhận chuyện chìm tàu... thiệt là khó khăn quá thể”.

 

“Tụi tôi goá bụa đã 17 tháng rồi, bàn thờ chồng con lập nên đã cúng giáp năm rồi, bây chừ toà có tuyên hay không tuyên chồng con chúng tôi chết thì cũng chẳng làm thay đổi thân phận chúng tôi. Chúng tôi cần một sự giúp đỡ chứ không phải một lời tuyên bố” - bà Trần Thị Dừng, người có hai con trai cùng lâm nạn với tàu 8731, bức xúc – “Chúng tôi có đâm chém ai đâu mà phải nộp án phí?”.

 

Gánh nặng của người còn sống

 

Chúng tôi đến thăm một vài gia đình và xót xa khi chứng kiến cuộc sống của họ. Kể từ cái ngày 4/3 đó, đời sống của bà Trần Thị Dừng gắn liền với các trạm xá, bệnh viện, kể cả bệnh viện tâm thần.

 

Trước đó một năm (tháng 3/2004), chồng bà là ngư dân Nguyễn Đức Thắng cũng bị chìm tàu chết. Đến tháng 3/2005, sắp đến ngày giáp năm giỗ chồng thì cả hai con trai bà lại ra đi (theo chiếc tàu 8731), để lại cho bà một cô con dâu đang mang bầu 6 tháng và 2 đứa cháu nội.

 

Bà nằm liệt giường, có lúc mất trí. Chị Huỳnh Thị Vương con dâu bà vừa sinh con xong đã phải ngồi dậy cắp rổ đi bán cá. Chị nghẹn ngào: “Có lẽ phải cho hai đứa lớn nghỉ học thôi (một đứa lớp 4, đứa lớp 5), tôi không còn đủ sức để lo nữa”.

 

Cách nhà bà Dừng không xa là nhà bà Huỳnh Thi Liêm. Đau đã nhiều ngày rồi nhưng bà không nghỉ. Bà nằm liệt giường đã một năm kể từ khi chồng và con trai, con rể ở lại vĩnh viễn với biển cùng con tàu 8731. Giờ đây, bà lại phải gắng ngồi dậy đan lưới. Đôi lúc nghĩ chả muốn sống trong ngôi nhà không còn bóng dáng đàn ông, nhưng nhìn 4 đứa cháu lít nhít bà lại không nỡ.

 

Chỉ vì một “quy định” không đầu không cuối của chính quyền, nhng ngư dân nghèo chịu cảnh tang tóc này đã “vô tình” bị lãng quên trong nỗi đau và sự khốn cùng.

 

Theo Nông Thôn Ngày Nay