1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngư dân chìm tàu không đồng ý nhận mức bồi thường gần 4,6 tỷ đồng

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc ngư dân tại Quảng Bình bị chìm tàu trên biển mỏi mòn chờ bảo hiểm gần 2 năm ròng, mới đây, phía công ty bảo hiểm đã có thông báo bồi thường số tiền gần 4,6 tỷ đồng. Tuy nhiên chủ tàu vẫn chưa đồng tình với mức giá này.

Sau khi Báo Dân trí có bài viết phản ánh về việc ngư dân Nguyễn Văn Thân (SN 1970, trú tại xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) bị chìm tàu trên biển gần 2 năm qua nhưng chưa được chi trả tiền bảo hiểm, Công ty Cổ phần Bảo Minh (Bảo hiểm Bảo Minh) đã có thông báo về công tác bồi thường.

Theo thông báo của công ty bảo hiểm, tổng số tiền bảo hiểm của tàu cá QB – 928.69TS là 5,2 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi giám định, tính toán cũng như chiếu theo các quy định, điều khoản đã đặt ra, gia đình ngư dân Nguyễn Văn Thân chỉ được đền bù số tiền gần 4,6 tỷ đồng.

Ngư dân chìm tàu không đồng ý nhận mức bồi thường gần 4,6 tỷ đồng - 1

Thông báo bồi thường của Công ty Cổ phần Bảo Minh.

Trong đó, bảo hiểm nêu rõ sẽ khấu trừ 520 triệu đồng tiền chế tài, tương đương với 10% với lý do vào thời điểm tàu gặp nạn, chủ tàu và các thuyền viên chưa áp dụng mọi biện pháp cần thiết để cứu nạn và bảo vệ tàu. Cùng với đó, phía bảo hiểm cũng sẽ không bồi thường một số máy móc thiết bị trên tàu khác.

Ngày hôm qua 19/8, thông báo bồi thường này cũng đã được chuyển trực tiếp đến ngư dân Nguyễn Văn Thân, 2 bên sẽ dựa vào thông báo này để ký hợp đồng bồi thường trước khi bên bảo hiểm tiến hành chi trả. Thế nhưng theo ngư dân Thân, ông vẫn chưa đồng tình với việc công ty bảo hiểm khấu trừ chế tài lên đến hơn nửa tỷ đồng, đây là con số quá lớn đối với gia đình ông.

Ngư dân chìm tàu không đồng ý nhận mức bồi thường gần 4,6 tỷ đồng - 2

Vợ chồng ngư dân thân cho rằng tiền khấu trừ chế tài quá cao và mong muốn phía bảo hiểm xem xét lại.

“Họ bảo chế tài bảo hiểm tôi phải chịu là 10% trên tổng tiền bảo hiểm, số tiền này cũng lên đến 520 triệu đồng. Trừ số tiền này là do tôi không áp dụng các biện pháp cứu tàu. Thế nhưng trên thực tế, tôi và các thuyền viên đã dùng hết mọi cách mà không được. Tôi cũng được đại diện của công ty bảo hiểm tại Quảng Bình hướng dẫn làm đơn để họ xem xét lại rồi”, ông Thân cho hay.

Như Dân trí đã phản ánh, gia đình vợ chồng ngư dân Nguyễn Văn Thân có truyền thống đi biển nhiều đời nay. Sau hơn 10 năm đánh bắt bằng tàu cá 350CV, đến năm 2017, ngư dân này quyết định đóng một con tàu vỏ gỗ mới với công suất 1.100CV để vươn khơi đánh bắt. Toàn bộ chi phí cho con tàu và ngư lưới cụ gần 8 tỷ đồng.

Để đóng được con tàu này, gia đình ông Thân đã phải vay mượn trên 7 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Quảng Bình (5 tỷ đồng).

Ngư dân chìm tàu không đồng ý nhận mức bồi thường gần 4,6 tỷ đồng - 3

Chứng nhận bảo hiểm tàu cá của gia đình ông Thân.

Sau khi đóng tàu, gia đình ông Thân được Công ty Bảo hiểm Bảo Minh liên hệ ký hợp đồng, tin tưởng phía công ty này, ông Thân đã quyết định ký. Cụ thể, Bảo hiểm Bảo Minh đã thống nhất ký hợp đồng bảo hiểm bằng 70% giá trị con tàu là khoảng 5,2 tỷ đồng, kèm theo rủi ro tai nạn thuyền viên 30 triệu đồng/người.

Với hợp đồng bảo hiểm này, con tàu của ông Thân sẽ phải đóng gần 50 triệu đồng/năm. Nếu gặp rủi ro, phía bảo hiểm sẽ đền bù 100% số tiền trong hợp đồng đã ký (chưa tính khấu trừ).

Con tàu được hoàn thiện và có chuyến biển đầu tiên vào tháng 6/2017. Thế nhưng, điều không may đã xảy ra với con tàu của ông Thân, khi mới được 4 chuyến biển đã gặp nạn rồi chìm trên vùng biển Hoàng Sa, rất may ông Thân cùng 6 ngư dân khác đã được lực lượng cứu hộ ứng cứu và đưa vào bờ an toàn.

Ngư dân chìm tàu không đồng ý nhận mức bồi thường gần 4,6 tỷ đồng - 4

Trụ sở chi nhánh Bảo hiểm Bảo Minh tại Quảng Bình

Sau khi tàu chìm, ngư dân Thân đã liên hệ với công ty bảo hiểm để được đền bù. Đồng thời làm đơn thẩm định, cấp nộp giấy tờ cho công ty bảo hiểm. Thế nhưng việc bồi thường đã bị chậm gần 2 năm qua. Không còn tàu đi biển, ông Thân và con trai thất nghiệp, thỉnh thoảng xin đi tàu bạn để kiếm thu nhập, trả một khoản nợ khổng lồ “treo” lơ lửng trên đầu. Mỗi tháng, gia đình này phải gánh hơn 40 triệu đồng tiền lãi ngân hàng.

Sau khi Dân trí phản ánh sự việc, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh cũng đã có thông báo bồi thường đến ngư dân Nguyễn Văn Thân. Tuy nhiên ngư dân này vẫn chưa đồng tình với mức đền bù phía bảo hiểm đưa ra.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Tiến Thành