Bình Định:
Ngư dân an táng “Ông Nam Hải” nặng hơn 1 tạ
(Dân trí) - Ngày 18/1, Ban vạn Lăng ông Nam Hải (xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, Bình Định) và ngư dân trong xã đã trang trọng tổ chức lễ cúng tế và chôn cất cá voi (người dân vùng biển gọi là Ông Nam Hải) theo phong tục truyền thống ở địa phương.
Con cá voi lụy bờ được ngư dân địa phương phát hiện, toàn thân màu đen, da trên lưng có gai, thân dài 1,6m, vòng bụng rộng khoảng 0,7m, vây dài 0,3m, đuôi nằm ngang dài trên 0,5m, ước nặng hơn 1 tạ.
Ngay sau đó, Ban vạn Lăng ông Nam Hải (xã Nhơn Hải) cùng ngư dân trong xã đã trang trọng tổ chức lễ cúng tế và chôn cất cá Ông theo phong tục truyền thống ở địa phương.
Theo tín ngưỡng của ngư dân vùng biển, cá voi được ngư dân vùng biển tôn thờ và gọi là cá Ông (thần Nam Hải), nên việc cá Ông lụy bờ (gặp nạn, chết trôi vào bờ) là tín hiệu vui cho cả vùng biển. Bởi họ tin rằng, Ông Nam Hải sẽ đem lại điều may mắn khi hành nghề đánh bắt cá trên biển cũng như trong cuộc sống.
Đặc biệt, người phát hiện cá Ông đầu tiên sẽ phải để tang 3 năm. Ông sẽ phù hộ cho ngư dân này, khi hành nghề sẽ được mùa tôm cá, có cuộc sống bình an.
Trước đó, khoảng 22 giờ ngày 17/1, vợ chồng anh Huỳnh Văn Viên (37 tuổi, trú thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn) đang đánh lưới bắt cua ghẹ tại vùng biển Hòn Khô thuộc Xã Nhơn Hải thì phát hiện cá voi chết và mắc vào lưới. Sau đó, vợ chồng anh Viên đã vớt xác cá voi, dùng thuyền chở vào bờ, trình báo với chính quyền địa phương và Ban vạn Lăng ông Nam Hải xã Nhơn Hải.
Ông Trần Xích (88 tuổi, ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải, kể lại: “Cá Ông lớn nhất được phát hiện ở địa phương vào khoảng thập niên 80, Ông dài trên 14m, nặng gần 10 tấn dạt vào bờ. Do Ông quá lớn và nặng không thể đưa đi chôn cất trước Lăng Ông, nên ngư dân đưa về bãi biển và lấp đất, chờ 3 năm sau mới hốt cốt Ông vào trong lăng để thờ".
Doãn Công