"Ngóng" trạm dừng nghỉ trên cao tốc từ Hạ Long về Móng Cái
(Dân trí) - Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khi đi vào vận hành sẽ mở ra hành trình kết nối thông suốt từ TP Hạ Long đến TP Móng Cái hoàn toàn bằng cao tốc dài gần 180 km. Tuy nhiên, đến nay, trên toàn tuyến vẫn chưa có trạm dừng nghỉ nào được triển khai xây dựng…
Theo kế hoạch, trong quý III năm 2022, tỉnh Quảng Ninh sẽ chính thức khai thác tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Đây là tuyến cao tốc trọng điểm của Quảng Ninh, có tổng chiều dài 80,23 km. Sau khi hoàn thành, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ đưa Quảng Ninh thành địa phương sở hữu 200 km đường cao tốc.
Hiện nay, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang bước vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng, với việc lắp đặt hộ lan, đèn đường, biển báo... để chuẩn bị đi vào vận hành.
Là một trong những người đi "tiền trạm" một mạch từ cầu Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên lên TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, anh Nguyễn Quang Hà (43 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều) bày tỏ ngạc nhiên khi suốt hành trình gần 200km của tuyến cao tốc hiện chưa có trạm dừng nghỉ nào được triển khai xây dựng.
"Tôi đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ 100 km nhưng thấy ít nhất 2 trạm dừng nghỉ để các phương tiện, hành khách có điểm tạm dừng, nghỉ chân để tiếp nhiên liệu, giải quyết nhu cầu cá nhân… Tôi nghĩ đây là hạng mục công trình thiết yếu gắn với cao tốc vì chạy quãng đường dài hàng trăm km với tốc độ cao mà không có trạm dừng nghỉ, thực sự không đảm bảo an toàn" - anh Hà băn khoăn.
Theo anh Hà, toàn tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào vận hành trong thời gian tới chắc chắn sẽ làm gia đột biến lượng phương tiện lưu thông trên toàn tuyến cao tốc kết nối từ TP Hạ Long đến TP Móng Cái. Tuy nhiên, đến nay, cả tuyến đường vẫn chưa bố trí xây dựng một trạm dừng nghỉ nào để giải quyết nhu cầu đi vệ sinh cho người đi xe; có chỗ cho những lái xe buồn ngủ nghỉ lấy lại sức hoặc xử lý sự cố kỹ thuật bất ngờ.
Chị Vũ Thị Thu Hiền (32 tuổi, trú tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) cũng cho rằng, trạm dừng nghỉ bố trí dọc theo tuyến đường cao tốc là hạng mục thiết yếu, có ý nghĩa quan trọng với việc cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu dừng nghỉ của lái xe, hành khách, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả khai thác công trình.
"Cá nhân tôi khi trải nghiệm đi thử thực tế cũng rất bất ngờ với việc cả tuyến đường cao tốc dài như vậy lại không có trạm dừng nghỉ nào được triển khai xây dựng. Vì vậy, nếu khai thác đồng bộ tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái nói riêng và tuyến cao tốc từ Hạ Long đến Móng Cái nói chung việc cần có trạm dừng nghỉ để đảm bảo an toàn, thuận tiện cho hành khách đồng thời tạo điểm tựa cho việc phát triển các tour du lịch là điều tất yếu" - chị Hiền nhận định.
Được biết, tuyến cao tốc từ cầu Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên đến điểm cuối là TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh có tổng chiều dài khoảng 175 km (bao gồm đoạn cầu Bạch Đằng - Đại Yên dài 25 km; đoạn Hạ Long - Vân Đồn dài 71,2 km; đoạn Vân Đồn - Tiên Yên dài 16,1km và đoạn Tiên Yên - Móng Cái dài 63,3 km).
Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thông thường, khoảng 50 - 60km cao tốc cần bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường với khả năng cấp xăng dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, vệ sinh, cửa hàng ăn.
Từ 120-200 km cần bố trí một trạm phục vụ lớn có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng dầu, ngoài ra còn có thể đón tiếp người đi đường với nhà ăn, khách sạn, văn phòng chỉ dẫn du lịch, chỉ dẫn trung chuyển và còn phải có chỗ đỗ xe lâu.
Theo tính toán của các chuyên gia, lưu lượng xe dự kiến lưu thông trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến năm 2030 là 59.226 xe và đến năm 2040 là 127.295 xe. Do đó, nhu cầu cần có điểm dừng nghỉ để các tài xế tiếp nhiên liệu, sửa chữa xe khi xảy ra sự cố hoặc cần chỗ nghỉ ngơi, đảm bảo an toàn trên hành trình dài là điều rất cần thiết.
Vì vậy, để đảm bảo sự đồng bộ, an toàn khi khai thác tuyến cao tốc này, tỉnh Quảng Ninh cần ưu tiên đầu tư các trạm dừng nghỉ dọc đường để phát huy được tối đa lợi thế của công trình hạ tầng, phục vụ sự phát triển du lịch đồng bộ cho toàn tỉnh.