1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Ngổn ngang trường học ... khi cơn lũ đi qua

(Dân trí) - Ngày khai giảng năm học mới đã đến rất gần, thế nhưng sau hai tháng trận lũ lịch sử đi qua, ngành giáo dục Kỳ Sơn, Tương Dương, Nghệ An vẫn đang bộn bề chồng chất khó khăn. Nhiều nơi, trường học vẫn còn ngổn ngang khi năm học mới đã và đang bắt đầu...

Hoang tàn Mường Típ
 
Khung cảnh hoang tàn, ngổn ngang, đổ nát là những cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến Mường Típ của huyện Kỳ Sơn. Đã hai tháng cơn lũ đi qua, nhưng cả hai trường Tiểu học 2 và mầm non Mường Típ vẫn còn bổn bề. Có những chỗ, bùn vẫn đang lấp cao dày đến hơn 1m. Riêng khu nội trú của giáo viên trường Tiểu học vừa được xây, mới đưa vào sử dụng hồi đầu năm học 2010-2011, lũ đã cuốn sập, một nửa đang nằm gọn dưới lòng sông sâu.
 
Dãy nhà hiệu bộ trường mầm non cũng đổ sập, nằm nghiêng ngả, xiêu vẹo bùn vẫn đang lấp kín cửa ra vào. Những mảng tường vôi gãy nham nhở nằm ngổn ngang lẫn với những trang giáo án đang soạn dở. Đây đó, còn thấy những trang vở học trò trắng lấp lóa trong đống đất bùn nhão nhoét. Sách giáo khoa, đồ dùng học tập, bàn ghế… đang nằm chờ trong kho, chuẩn bị cho năm học mới nhưng cũng đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ hung tàn.
 
Cô giáo Lương Thị Liên vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại những giây phút mà mình chứng kiến. Nước lũ lên nhanh quá, cả 2 trường chỉ có 5 thầy cô ở lại trực hè, nên khi lũ lên không kịp trở tay, chỉ kịp chạy lên đồi thóat thân, không đưa theo được bất cứ vật dụng gì. Cô giáo Liên buồn bã: "Giáo viên học sinh hiện tạm thời ở nhờ nhà dân, chờ anh chị em lên đông đủ xem có vớt vát được gì không, trường thì giờ chỉ có dọn dẹp vệ sinh chứ đồ đạc đã mất hết cả, sau làm tạm lán trại để học sinh học".
 
Mường Típ là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề của huyện Kỳ Sơn trong đợt lũ lụt cuối tháng 6 vừa qua. Chỉ trong chốc lát, dòng lũ cuồng điên đã cướp hết những gì mà bà con đồng bào các dân tộc ở đây gầy dựng suốt bao năm. Hầu hết các bản Tà Đo, Xốp Phe, Phà Nọi, Na Mỳ đều ngập sâu trong nước lũ, có 15 hộ dân bị trôi mất nhà. Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề nhất vẫn là 2 trường học Tiểu học và mầm non Mường Típ.
 
Toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho đến đồ dùng cá nhân, chăn màn quần áo, giường tủ của giáo viên cả 2 trường bị mất trắng. Ngay sau khi nước lũ rút, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng đoàn viên thanh niên trong xã đến khắc phục hậu quả. Hiện nay, 13 giáo viên trường Tiểu học vẫn đang phải ở tạm trong nhà dân.
 
Ông Lữ Phò Chinh, Chủ tịch UBND xã Mường Típ cho biết: "Trường học nằm sát bờ sông nên lúc nước lũ lên trở tay không kịp, cứ thế mà chạy. Chúng tôi đã huy động nhân dân đưa đồ đạc lên rửa dọn, chứ còn cơ sở vật chất thì trôi hết rồi. Năm học mới bắt đầu, sau gầnhai tháng ráo riết huy động thanh niên, người dân nay cơ bản các em có chỗ học, nhưng vẫn còn khó khăn lắm".
 
Ông Trần Văn Khánh - Trưởng Phòng giáo dục Kỳ Sơn cho biết: “Trận lũ vừa qua được xem là trận lũ lớn nhất trong lịch sử mà người dân miền núi Kỳ Sơn chứng kiến. Toàn huyện có 11 trường học bị nước lũ tàn phá, trong đó có 4 trường (gồm Tiểu học 2 và Mầm non Mường Típ, trường Tiểu học, mầm non Thị trấn Mường Xén gần như bị xóa sổ). Ngành giáo dục Kỳ Sơn hiện tại còn nhiều khó khăn, nhưng sẽ cố gắng khắc phục tốt để các em học sinh đến trường đầy đủ và cho ngày khai trường được tốt hơn”.

Năm học mới 2011-2012 này, toàn huyện Kỳ Sơn có trên 4.000 cháu mầm non; trên 9.000 học sinh tiểu học, gần 7.000 học sinh THCS và 1.500 học sinh THPT đến trường.

Ngổn ngang Yên Tĩnh
 
“Giờ vẫn còn ngổn ngang đấy anh. Trường học đã tan tành, nay dựng nhà mới cũng đang dở giang, sợ không kịp cho ngày khai giảng đấy chú”, cô giáo Ngân Thị Khay - GV tiểu học bản Hạt chia sẻ.
 
Sau gần hai tháng kể từ cơn lũ quét hồi tháng 6/2011 đi qua, người dân xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương vẫn còn lắng lo. Cái lo lớn nhất của bà con nơi đây là trường học, là học sinh, là thầy cô và lo việc đi lại vẫn còn gian khổ. Yên Tĩnh những ngày cuối tháng 8 dường như nhộn nhịp, hối hả hơn. Nhộn nhịp bởi người miền xuôi đem hàng lên đây giao thương khá đông, hối hả hơn bởi nhiều đoàn sinh viên tình nguyện về với bản, về với bà con, về với xã để giúp dân ổn định, khắc phục hậu quả cơn lũ quét.
 
Trường THCS Yên Tĩnh nằm khép mình bên khe Hạ, bản Cặp Chạng, là nơi "gieo chữ" cho 224 học sinh đồng bào dân tộc Thái, Kinh... Thầy Nguyễn Xuân Thiện nói: "Các anh làm sao giúp cho trường với, bao nhiêu sách vở bàn ghế lũ cuốn đi hết rồi, đồ dùng cá nhân và nhà cửa của giáo viên cũng theo nước mà đi. Các thầy cô dù đang cố gắng nhặt nhạnh xem có cái gì còn dùng được thì tận dụng, chứ năm học mới đã đến rồi".

Trong cơn lũ lịch sử và hoàn lưu bão số 2, con nước khe Hạ chảy sát bên trường dâng lên bất ngờ, lại đúng vào dịp nghỉ hè nên hầu như chẳng kịp sơ tán đồ đạc gì, tổng thiệt hại toàn trường lên gần 500 triệu. Thầy Nguyễn Hồng Trinh bảo: "Các thầy cô, thanh niên tình nguyện, xã làm cật lực mới được như giờ đó, chứ khi mới lũ xong bùn ngập ngang quá đầu gối. Những ngày này, chúng tôi đang phải chạy đua với thời gian khắc phục cho xong chứ năm học mới đã đến rồi". Tiếp đoạn, thầy Trinh trăn trở: "Phòng học, nhà nội trú của giáo viên, học sinh thì cơ bản dọn dẹp bùn đất xong, nhưng cái khó khăn nhất của chúng tôi hiện nay là toàn bộ học cụ, sách giáo khoa bị ngập nước hư hỏng gần như hoàn toàn, khu nhà bếp dành cho 80 học sinh nội trú bị cuốn trôi chưa thể làm ngay lại được, không biết các em nấu ăn ở mô đây".

Đi qua một dãy phòng chức năng, vết bùn vẫn hằn trên tầm tay với, nhiều phòng trống hoác vì ván che đã bị lũ bóc hết, có phòng rễ cây, rều rác từng búi lớn đâm xuyên vào tận giữa. Tất thảy đều ngổn ngang. Ở phòng thực hành Sinh, Hoá, thầy Vi Văn Tám và đứa con chừng hơn 1 tuổi đang nằm tạm trong một khung giường đã nát, phòng học bên cạnh là bếp nấu tạm của gia đình bé xíu này, đã bị mất gần như trắng tay do lũ. Vật dụng có giá duy nhất còn lại có lẽ chỉ là chiếc bàn là, được treo trên sợi dây phơi trong phòng.

Cơn đại hồng thủy đi qua Yên Tĩnh vết tích của nó vẫn còn đó. Ông Vi Vũ Quang - Chủ tịch xã cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay của các trường đều thiếu thiết bị dạy học... Đặc biệt trường Tiểu học bản Hạt được xây dựng từ nguồn vốn của chương trình "trẻ khó khăn" và mới sử dụng chưa được bao lâu thì cơn lũ vừa qua đã đánh sập hoàn toàn. Hiện tại chúng tôi san nền trường cũ, xin huyện một căn nhà gỗ 4 phòng học 8 gian di chuyển vào bản Hạt để dựng tạm để các em có nơi học; Bản Hạt có hơn 100 học sinh với 5 lớp. Sau cơn lũ vừa qua đồ dùng phục vụ cho dạy và học tại Bản Hạt đều theo con nước, số còn lại bị hư hỏng, không thể dùng được... Khăn nhất hiện nay với học sinh nơi đây là gia đình các em nghèo dường như trang bị sách vở cho các cháu phải nhờ xã, trường ... ".
 
Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết: "Ngành giáo dục chịu thiệt hại rất nặng nề, nhiều phòng học, nhà công vụ giáo viên, bàn ghế, sách giáo khoa, máy vi tính, đồ dùng, đồ chơi của các trường mẫu giáo... bị nước lũ cuốn trôi gần hết. Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo việc khắc phục thiệt hai sau cơn bão với quyết tâm cao nhất tất cả các trường học, thầy và trò vùng lũ cơ bản đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị, sách giáo khoa, đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho việc dạy và học trong năm học mới".
 
Hãy cùng PV Dân trí nhìn lại sự ngổn ngang mà ngành giáo dục hai huyện Kỳ Sơn, Tương Dương chịu hậu quả cơn lũ quét vào cuối tháng 6/2011 vừa qua:
 
Ngổn ngang trường học ... khi cơn lũ đi qua  - 1
Trường tiểu học Pa Tý ngày xảy ra cơn lũ.
 
Ngổn ngang trường học ... khi cơn lũ đi qua  - 2
Nay nền đất dày hơn 1m lấp sân trường.
 
Ngổn ngang trường học ... khi cơn lũ đi qua  - 3
Sách vở, đồ dùng học tập, dạy học của trường Tiểu học Pa Tý hư hỏng sau cơn lũ.
 
Ngổn ngang trường học ... khi cơn lũ đi qua  - 4
 Thầy cô Tiểu học Pa Tý dọn dẹp bàn ghế.
 
Ngổn ngang trường học ... khi cơn lũ đi qua  - 5
Ngổn ngang trường học ... khi cơn lũ đi qua  - 6
Và nay đã dọn sạch, nhưng bùn dày đã lấp sân trường.
Ngổn ngang trường học ... khi cơn lũ đi qua  - 7
Học sinh bản Hạt trước ngôi trường sập do cơn lũ quét hồi cuối tháng 6/2011.
 
Ngổn ngang trường học ... khi cơn lũ đi qua  - 8
Nay trường Tiểu học Bản Hạt chỉ còn lại nền đất trống.
 
Ngổn ngang trường học ... khi cơn lũ đi qua  - 9
Ngổn ngang trường học ... khi cơn lũ đi qua  - 10
Ngổn ngang trường học ... khi cơn lũ đi qua  - 11
Trống trường, đội, sách vở, đồ dùng dạy học của trường Tiểu học Bản Hạt đã hư hỏng.
 
Ngổn ngang trường học ... khi cơn lũ đi qua  - 12
Trường tiểu học Bản Hạt được dựng mới.
 
Ngổn ngang trường học ... khi cơn lũ đi qua  - 13
Cô giáo Bản Hạt lắng lo cho học sinh trước năm học mới.
 
Ngổn ngang trường học ... khi cơn lũ đi qua  - 14
Sửa sang lại trường mần non trung tâm xã Yên Tĩnh trước năm học mới.
 
 
Nguyễn Duy