1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Ngồi với ông Trần Mai Hạnh

Khoảng cách giữa ông với tôi bây giờ là chiếc bàn nước phủ kính trong suốt...Lại ngồi với nhau như hai mươi năm trước? Như những cái đêm xứ Thanh, đường thị xã mà gập ghềnh những sống trâu, ổ gà...

Chúng tôi cứ thập thõm đi như thế khi ánh đèn đường chỉ loé lên một vài tiếng rồi cứ lịm cứ lụi mãi đi từ tầm chín giờ. Đi từ làng này sang làng khác để tránh cho chủ nhà vừa rời đi cái tiếng chứa chấp mấy tay nhà báo Hà Nội!

 

Ông khi đó là một trưởng ban cứng của tờ Tuần tin tức cùng nhiều tờ báo khác can dự vào những vụ việc này khác ở đất Thanh.

 

Những vụ việc mà sau đó chỉ ít ngày, trong vai một người bạn của bạn vong niên ông Hòa (người nhiều tuổi mà chơi với người ít tuổi, người ta gọi là bạn vong niên) chúng tôi đến chơi nhà ông Hà Trọng Hòa ở làng Hạc.

 

Ngó động thái ông Hòa bình thản ngồi tung tấm cho lũ gà con mới rời ổ, quanh ông là cây vườn cứ mướt mát xanh cùng khung cảnh u tịch của một vùng ven thị xã khi ấy chưa đô thị lẫn công nghiệp hoá thì trong tôi chợt có cái gì đó như là sự áy náy...

 

Nhưng mà sự kiện ấy lùi cho mãi đến gần hai mươi năm sau, người thì lờ mờ, kẻ thì mới rành rẽ chứ còn khi ấy, ông hăng, tôi hăng, chúng tôi cùng hăng, tất thảy lao vào trận tuyến chống tiêu cực!

 

Gọi là khoảng cách giữa các tư thế ngồi, nhưng khi đó khoảng cách ấy được đo bằng khe lưng và hõm hông chúng tôi sát sít lại với nhau trong những đêm mưa lạnh vùng ven thị xã Thanh Hóa.

 

Là cái sát sạt, ba mà phải ngồi năm của những hàng ghế xe đò thời bao cấp trong những chuyến công cán... Là độ dài từ chiếc ghế dành cho người nhà bệnh nhân tới cái khối trắng lôm lốp trên giường nhà thương Phủ Doãn mà ông đang thoi thóp trên đó sau cú tai nạn vỡ đầu, gẫy chân, mất đứt một con mắt trước thời điểm ông đóng hàm Trung ương ủy viên.

 

Rồi từ đấy, từ bấy khoảng cách giữa ông với chúng tôi hình như cứ doãng mãi ra thì phải? Mà độ doãng ấy được đo bằng tốc độ của xe máy trăm phân khối với độ bon của những con xe đời mới theo tiêu chuẩn hai, ba chấm? Rồi hình như càng trở nên thăm thẳm và diệu vợi khi ông bị cách ly khỏi xã hội một thời gian vào đoạn chót của phiên tòa vụ án Năm Cam?

 

Bây giờ thì ông đang ngồi ở nhà mình. Nói đúng hơn là đang nằm! Ông mới ra lúc năm giờ chiều cái ngày mà buổi sáng tướng Lê Thế Tiệm công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước nhân ngày 2/9... chấp hành tốt trong thời gian thi hành án phạt tù, đã thực hiện hình phạt bổ sung khắc phục hậu quả. Hiện sức khỏe ông Hạnh khá yếu, nên Hội đồng đặc xá Trung ương xét đặc xá dịp này...

 

Thoáng gẫm những dòng trên những tờ báo điện tử sáng nay, tôi ghìm mình trước cốc nước trà và đợi. Bà vợ ông khẽ khàng cho hay, tắm xong ông mệt. Đang phải nằm.

 

Anh trở về với em/ Như bao chuyến xa nhà vội vã/ Như bao lần lặng lẽ bên nhau/ Dẫu mất mát đã ghim vào trí nhớ/ Dẫu chẳng vẹn nguyên/ Anh vẫn là tất cả...

 

Trên tay tôi là cuốn thơ mà tôi vừa được vợ ông tặng có cái tên Bán không cho gió mà tôi giở đại một trang ra có những dòng như thế... Bùi Kim Anh, vợ ông làm nghề giáo và làm thơ cũng đã lâu. Bà là Hội viên Hội nhà văn.

 

Chừng như là chỗ quen biết thì tôi mới có nước trà và thơ trong hoàn cảnh mà có lẽ chả nên đến nhà ông trong lúc như thế này? Bán không cho gió chẵn chín mươi chín bài thơ! Khổ đã lạ: 20x20cm. Trình bày cũng lạ nhưng bắt mắt. Tác phẩm đồ họa của con gái ông bà.

 

Trong lúc bà nghe điện thoại, tôi lại có cớ để lướt qua Bán không cho gió. Giấy phép tháng 3. Xuất bản tháng 5. Tập này bà viết bao lâu? Trong hoàn cảnh nào? Có phải trong thời gian ông đang thụ án? Tất tật dưới 99 bài đều không có date (thời gian) hay địa điểm hoặc mùa, thời tiết như vẫn thường gặp nhan nhản dưới nhiều bài ở những tập thơ của người khác?

 

Đầu tiên là vô thức là khỏa lấp vẻ thừa thãi của mình khi chủ nhân đang bận bịu nhưng càng ngó lâu càng thêm những câu găm ngay vào trí nhớ! Và thừa, rất thừa nếu như mà ngớ ngẩn phỏng vấn bà những câu đại loại tâm trạng của bà khi ông nhà...

 

Nếu có chăng, những câu hỏi đại loại như thế thì bà đã trả lời phỏng vấn bằng cảnh ngộ này, nỗi đau, tâm trạng như thế này rồi  Anh và em đựng chung tủ áo quần/ đẹp và xấu/Thẳng thắn và xô lệch/Ta cùng nhau mua/ Chẳng lẽ vứt đi? Hoặc Ước một ngày giữa tự nhiên/ Cởi cho gió rũ ưu phiền cuốn đi/ Cứ cho mưa xối nước kỳ/ Chẳng còn chi nữa cả khi đứng ngồi. Viết về nỗi buồn như thế này thì chả còn riêng cho bà nữa: Em không thể xé nỗi buồn ném vào đêm tối/ Nó đã lớn lên trong em như một bào thai.

 

Có người nói ông đã gặp may khi có một người vợ tính tình ẩn nhẫn và lũ con biết nghe lời mẹ trong những năm tháng ông mắc vào vòng lao lý?  Đám cưới con trai, ông đang nằm trong trại. Bà dẫn con vào trại xin ý kiến ông kèm theo thơ Chế Lan Viên Khi ta chạng vạng/ Thì có người bình minh/ Đừng lấy hoàng hôn ta ngăn cản/ Ban mai của họ sinh thành.

 

Nhắc đến cô con gái đã vẽ bìa và trình bày tập thơ cho mẹ, ông nói: Con nó đây và âu yếm đặt tay lên cái đầu cắt cua rất ngộ của thằng bé, khi mình vào trại nó mới đẻ... Ba đứa cháu ngoại, tất thảy đều trai. Đang chuyện mà thi thoảng ông cứ phải nghển cổ dòm vào nhà trong vì không biết lũ cháu ngoại làm chi rầm rầm thế không biết? 

 

Hậu phương của ông, nơi trú ẩn cuối cùng của ông? Nhưng tôi đồ rằng nếu như ông trời chưa ban cho có cái nghị lực của những người đàn bà có chồng có con mắc vào vòng tù tội dài lẫn ngắn mà vẫn neo giữ được gia đình thì bà vợ ông có lẽ đã gặp may khi trốn vào thơ cùng nỗi cô đơn, nỗi buồn của mình nên mới không hoảng loạn?

 

Khoảng cách giữa ông với tôi bây giờ là chiếc bàn nước phủ kính trong suốt. Và hoa. Thứ bó thứ lẻ. Sắc hoa cứ ánh lên trong căn phòng khách trắng xanh đèn ống. Sắc hoa ánh lên khuôn mặt ông thấy đâm ra hồng hào... Sức khỏe khá yếu? Cái bắt tay chắc nịch hồi nãy của tuổi 62 cộng với sắc diện kia? Tóc có bạc đi kha khá nhưng không xơ xác như tôi tưởng...

 

Hình như là mờ nhạt, như là không có cái khoảng thời gian ông vắng nhà lâu đến thế và chả phải ông mới về được mấy tiếng đồng hồ. Mà như chồng báo dày những là báo ngày báo tuần bên kệ nước kia, ở vị trí ấy vẫn được ông lật giở! Những tờ báo như ông nói ở trong trại vẫn được đọc hàng ngày! Ông có bộc bạch là thời gian trong trại được đọc khá nhiều. Sách của bà, của bạn bè nhờ bà chuyển cho ông. Có những cuốn mà hồi trước túi bụi vì công việc, ông đã không có thời gian...

 

Ông đang than phiền cái bệnh cao huyết áp thi thoảng lại hành hạ. Nơi ông thụ án là cái trại mà nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã vào gắn huy hiệu 500 kilôvôn cho ông Vũ Ngọc Hải. Như ông cựu Bộ trưởng Năng lượng, ông cũng phải lao động theo qui định của trại. Hình như bệnh cao huyết áp của ông thích hợp với việc trồng hoa chăm sóc cây cảnh?

 

Có một cái Tết bà được phép vào thăm ông, ở trong trại đến Mồng hai. Giao thừa ấy, như thể ông chưa bao giờ cầm hoa bởi trong tay ông cứ rưng rưng mấy cành do chính tay ông chăm bẵm, được phép Ban giám thị hái ở ngoài vườn vào tặng vợ!

 

Và nữa, hình như bệnh huyết áp cũng không thích hợp với lối dằn vặt suy nghĩ ôm đồm? Ông cố tập từ ngày vô trại cái thói nghĩ in ít đi. Bây giờ đã gần thành nếp... Để làm gì? Để mà về với con với cháu chứ còn gì nữa, rằng trên đời sự sống là lãi, lãi lắm...! Ông cười lấy khăn lau mắt...

 

Con mắt giả của ông hồi trong trại thi thoảng giở chứng nhức buốt kinh khủng. Trại cho phép ông đi chữa bệnh nhưng ông cứ lần lữa... Ông nói ông ngại. Ông ngại nơi chữa bệnh ở ngoài đời ấy người ta kéo đến để mà tò mò! Nhưng thôi, hãy quên chuyện cũ! Hãy tịnh tâm, ông cười bảo tôi vậy!

 

Tôi cứ lẩn mẩn một ý nghĩ, rằng ông nói sự sống là lãi là ông học quên để giữ sức để thiền để đợi ngày đoàn tụ. Phải quá rồi. Nhưng hình như đấy chỉ là cái cớ? Hồi ông lĩnh án, hình như ông có đề nghị hoãn thi hành khoảng tháng hơn tháng kém chi đó để ông hoàn thành nốt một cuốn sách hơn nghìn trang mà đâu như chỉ còn dăm sáu chục trang?

 

Hồi nãy tôi có hỏi ông đã viết nốt chưa, cái thời gian trong trại ấy thì ông lắc đầu quầy quậy rằng tiệt, tiệt hẳn chuyện viết lách để mà tĩnh tâm, để mà nghiêm chỉnh thực hiện nội quy của trại! Ông nói vậy thì tôi cũng biết vậy!

 

Tiệt được làm sao được cái giống viết lách ấy? Cũng có nhiều người đã tiệt được. Nhưng đa phần những anh viết họ thường biến hung thành cát, biến dữ thành lành. Hoàn cảnh éo le trớ trêu với họ đôi khi cũng na ná như một thứ vận may? Lãi là lãi ở đây chăng? Chịu, tôi chả thể biết được!

 

Thái Hà, đêm 29/8/2005

Xuân Ba

Báo Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm