1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngôi trường hàn gắn tuổi thơ rạn vỡ của 80 đứa trẻ

Tôi tìm thấy trong một con hẻm đường Ung Văn Khiêm của quận Bình Thạnh (TPHCM) một ngôi trường bé nhỏ có hơn 80 học trò, với những người thầy chăm chỉ làm sứ mệnh hàn gắn những cuộc đời sớm rạn vỡ ngay từ ấu thơ.

Những đứa trẻ của bóng tối



Ngôi trường hàn gắn tuổi thơ rạn vỡ của 80 đứa trẻ - 1

Cô Phạm Thị Ngọc Đoan

 

Cô Phạm Thị Ngọc Đoan còn nhớ ngày đầu tiên đến lớp, một thằng nhỏ đã cầm viên gạch rõ to ném thẳng vào mẹ nó, chửi: “Đ.M mày, sao cứ bắt tao đi học!”. Đó là cậu bé bị cha bỏ từ nhỏ, bà ngoại quá cưng chiều, đòn roi của các cậu là xích sắt vọt xuống thân. Năm đầu tiên, cô Đoan đã cho thằng bé một năm tròn để hiểu thế nào là trường học với đầy đủ những niềm vui bạn bè và không chút roi vọt. Cô đã cho thằng bé một nếp nhà đủ ấm cúng để nó không phải chọi gạch vào mà chửi bới om sòm như thuở đầu tiên nữa.

 

Nếu như ở những ngôi trường bình thường, cô giáo nhiều khi còn ngẩn người ra khi người khác hỏi về học trò mình thì ở đây, cô Đoan và các đồng nghiệp thậm chí có thể viết cả tiểu sử gia đình đứa nhỏ vào học bạ mà không cần tra cứu lại.

 

Có những đứa học trò của cô Đoan trở thành mồ côi ngay cả khi cha mẹ còn sống. Họ sinh chúng ra, quẳng chúng cho họ hàng, rồi lại tiếp tục rong chơi với cuộc sống giang hồ. Có nhiều đứa mẹ làm nghề dắt gái hay thậm chí làm gái, cha thì đâm thuê chém mướn, còn ông bà không biết nói một lời tử tế với cháu, nhiều cô dì nuôi cháu như nuôi giang hồ nhí trong nhà, chỉ chờ tới tuổi là cho đâm chém thiên hạ... Chúng đến lớp tình thương phường 25 như đến với một nơi trông giữ mà cha mẹ chúng có thể gửi không tốn tiền. Nhưng cô Đoan đã miệt mài suốt chín năm cùng đồng nghiệp thay đổi những ám ảnh đen tối và tuyệt vọng trong những cuộc đời bé thơ đó.

 

Có lúc cô cười với tôi: “Ngày đầu đi dạy, đêm về chị nằm khóc luôn, cảm thấy như sự giúp đỡ của mình bị người ta lợi dụng. Nhưng rồi quen, mình cũng biết cách, không một ông bà phụ huynh nào còn lừa được mình nữa”. Đến chai dầu ăn cô cho gia đình học trò cũng phải khui nắp sẵn vì sợ phụ huynh đem bán. Cô khổ sở: “Không cho thì thì xót bọn trẻ, mà cho không đúng cách thì họ đem bán hết!”.

 

Ở ngôi trường tình thương này, cô Đoan và các cô giáo khác níu các em khỏi bóng tối bằng những bộ đồng phục tươm tất, bằng những giờ chơi có sữa tươi, bằng cả những buổi chiều cắt tóc định kỳ... Ở đây, thầy cô quên mất mình chỉ dạy học. Họ đang cố cứu đời bọn trẻ.

 

Chín năm tìm lại tuổi thơ cho học trò

 

Tôi tìm thấy dấu vết của cô Đoan trên mọi con đường các em đi qua. Tôi đã nghe dì Nhung kể cô Đoan đem cháu về nhà nuôi giúp dì thế nào. Thằng cháu ấy đến 12 tuổi còn đái dầm, đi học ở lớp tình thương khác vẫn không biết chữ. Mỗi đêm ngủ, cô Đoan canh đồng hồ, đúng giờ gọi nó dậy đi vệ sinh. Vài tháng ở với cô, thằng bé dứt tật, dứt luôn cả tật ăn vô độ. Nuôi giúp thằng bé cho dì Nhung, cô còn góp thêm gạo củi cho một gia đình khốn khổ có ba đứa trẻ có mẹ vướng vào tù tội vì nghề buôn hương bán phấn.

 

Ngôi trường hàn gắn tuổi thơ rạn vỡ của 80 đứa trẻ - 2
Giờ uống sữa của lớp tình thương

 

Chuyện cô Đoan chạy khắp nơi lo bảo hiểm y tế cho bé Hương Lan bị bệnh tim bẩm sinh được miễn phí toàn bộ tiền chạy chữa cũng được mẹ Nguyễn Thị Loan nhắc đến trong nước mắt. Hương Lan giờ vẫn ngồi học ở lớp cô, dần hồi phục sau những cơn đau triền miên nhiều năm. Người cha của Hương Lan đã từ bỏ mẹ con em.

 

Góp tay với ngôi trường này có những nhà hảo tâm giấu tên luôn tin tưởng những cô giáo ở đây có thể đem đến cho học trò một tương lai tốt đẹp hơn. Cô giáo Đoan ngày ngày đem những ký gạo, những gói mì, những chai mắm, dầu ăn... thơm thảo đó đến chia lại cho từng nhà. Cô cũng trở nên “chuyên nghiệp” hơn trong cuộc thoả thuận, phân xử với những đứa học trò giang hồ lọc lõi.

 

Với cô, chặng đường bán vé số, chạy quán nhậu hay sống bên những người thân giỏi đâm chém, hút chích của đám trẻ không đáng sợ bằng việc chúng từ bỏ ngôi trường này mà vào đời cùng tuổi thơ đen tối kia. Cô nói như nghẹn lòng: “Không thể tả nổi là mình đau như thế nào, đau đến uất ức khi phát hiện có đứa bỏ học”. Cô giáo ấy làm tôi nghĩ đến thiên chức của nghề dạy học với phương châm “không có con người nào bị giáo dục loại trừ”.

 

Cô Đoan và đồng nghiệp đã đi cùng cuộc đời các em trong suốt chín năm trời. Họ lấy nghề dạy thêm buổi tối làm thu nhập chính, để dành tám tiếng mỗi ngày dạy lớp tình thương. Có các cô, cuộc đời này có thêm những đứa trẻ biết sống mạnh mẽ để vượt lên nghịch cảnh.

 

Theo Khải Đơn

 Sài Gòn tiếp thị