1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngồi trên mỏ vàng vẫn... đói

Đó là thực tế đang diễn ra tại thôn Nặm Làng, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn), nơi có mỏ vàng Pác Lạng - một trong những mỏ vàng được đánh giá là có trữ lượng lớn nhất tỉnh.

Trong tổng số 25 hộ dân, với 80 nhân khẩu của thôn (chủ yếu là người dân tộc Dao) có đến 10 hộ nghèo, các hộ còn lại phần lớn có mức sống dưới trung bình.


Lo ăn từng bữa


Ông Triệu Văn Bảo - Trưởng thôn Nặm Làng than thở: mang tiếng sống trên mỏ vàng nhưng chúng tôi có biết vàng ở đây hình hài, màu sắc thế nào đâu. Pác Lạng là mỏ vàng gốc đã khai thác từ thời kỳ thuộc Pháp; đến năm 1990, mỏ mới được người dân bản xứ phát hiện và ngay sau đó trở thành tâm điểm của hàng vạn lao động tự do đến đào bới, tạo nên sự hỗn loạn, cướp bóc, chém giết nhau vì vàng.

 

Khi giải thể xong nạn khai thác vàng thổ phỉ, mỏ Pác Lạng được chuyển giao cho Công ty 392 của tỉnh Cao Bằng khai thác. Năm 1999, Công ty 392 báo cáo bị thua lỗ, phải giải thể, UBND tỉnh Bắc Kạn tạm giao khoán mỏ cho Tổ hợp khai thác khoáng sản vàng Ngân Sơn quản lý, bảo vệ. Hai năm sau, Công ty TNHH Thanh Bình được UBND tỉnh Bắc Kạn cho phép khai thác tận thu, giao khoán nộp ngân sách nhà nước và thực hiện bảo vệ an ninh trật tự trong khu vực rừng núi này.

 

Sau khi Công ty TNHH Thanh Bình hết thời hạn được phép khai thác vào tháng 6/1997, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép thăm dò vàng và các khoáng sản tại khu vực này cho Công ty Archipelago Resources Plc (Công ty ARP) thuộc Vương quốc Anh. Công ty ARP đã thuê Công ty TNHH Bảo Thắng bảo vệ vùng mỏ; cũng từ đây nạn khai thác vàng trái phép tái diễn và ngày một tăng.

 

Ông Bảo cũng cho biết, đối tượng khai thác vàng trái phép chủ yếu là các đối tượng nghiện hút, dặt dẹo không có công ăn việc làm đến từ các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng... Ban ngày chúng ngủ trong các lán trại, tối đến chui vào các hàng để đào vàng. Dân thôn Nặm Làng mang tiếng sống trên mỏ vàng nhưng đâu có được hưởng lợi từ vàng mà còn chịu hậu quả nặng nề từ nạn khai thác vàng trái phép, do môi trường bị ô nhiễm.


Tiếp chúng tôi trong căn nhà ọp ẹp, anh Lý Văn Dân (một trong những hộ nghèo nhất thôn Nặm Làng) tâm sự: người dân ở đây chỉ biết trông chờ vào mấy trăm m2 đất nương rẫy nhưng nạn khai thác vàng trái phép diễn ra nhiều năm liền không được ngăn chặn làm cho đất nương rẫy bị ảnh hưởng nghiêm trọng, năng suất cây trồng ngày càng giảm. Muốn khai thác vàng phải dùng hoá chất Xyanua để trích phân (lọc) lấy vàng nên bọn “vàng tặc” thường đào các bể hoá rộng khoảng 5 - 7 m2 trên các khe núi.

 

Sau mỗi trận mưa, nước từ bể hoá theo dòng nước phân tán đi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước sinh hoạt cũng bị ô nhiễm nặng. Nhiều khe suối trước đây nước trong xanh nay đục ngầu, không ai dám dùng. Để có nước sinh hoạt người dân phải đi bộ khỏi mỏ vàng vài km mới lấy được nước để dùng.

 

Nỗi lo tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường


Theo thống kê của Công ty TNHH Bảo Thắng, hàng ngày tại khu vực mỏ vàng có khoảng 50 đối tượng cư trú bất hợp pháp (trong đó có khoảng 30 là con nghiện), tập trung với mục đích khai thác vàng trái phép. Hai bên đường dẫn vào khu vực mỏ mọc lên một số cửa hàng tạp hoá, nhưng thực chất là để bán ma tuý cho các con nghiện.

 

Bà Hoàng Thị Hợi, thôn Nặm Làng lo lắng: Đến nay thôn Nặm Làng chưa phát hiện người nào bị nghiện ma tuý nhưng trên địa bàn lúc nào cũng có mấy chục con nghiện đến cư trú bất hợp pháp, mọi người trong thôn đều lo sợ một ngày nào đó con em mình sẽ bị rơi vào vòng xoáy của cái chết trắng.


Trao đổi với Bí thư Đảng uỷ xã Đức Vân - Hoàng Ngọc Hoà - về bức xúc của người dân, ông thừa nhận: Vấn đề tệ nạn xã hội thì rõ rồi nhưng còn về ô nhiễm môi trường thì vẫn chưa có cơ quan chức năng nào lấy mẫu để đưa đi xét nghiệm mức độ ô nhiễm. Chỉ biết rằng, sau mỗi trận mưa mùi hoá chất, hôi thối bốc lên nồng nặc khắp thôn.

 

Cũng theo ông Hoà, sống trên miệng mỏ vàng nhưng thôn Nặm Làng lại là thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã. Nếu các cơ quan chức năng và Công ty ARP không sớm có giải pháp ổn định cuộc sống cho người dân, thì tương lai với người dân nơi đây chỉ là màu xám, với cái đói, bệnh tật, tệ nạn xã hội vây quanh.

 

Theo TTXVN