Hà Tĩnh:
Ngôi nhà “hạnh phúc” ở vùng rốn lũ
(Dân trí) - Mỗi em có một hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng về đây các em được yêu thương, chăm sóc. Tình yêu thương bao la của những người chị, người mẹ tại Trung tâm mồ côi Khuyết tật Hồng Phúc, ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã xoa dịu đi nỗi đau, thiệt thòi trong các em…
Những bông hồng ở rốn lũ
Trung tâm Mồ côi Khuyết tật Hồng Phúc được thành lập vào năm 2009 với mục đích cưu mang những phận đời kém may mắn, không phân biệt già hay trẻ, tôn giáo tín ngưỡng. Bởi vậy, Trung tâm này còn được gọi là ngôi nhà hạnh phúc. Trung tâm do các nữ tu Nguyễn Thị Kim Quế, Trần Thị Khánh, Phạm Thị Thái và Nguyễn Thị Lý đứng ra quản lý cưu mang và chăm sóc.
Những ngày đầu năm, chúng tôi đã tới thăm Trung tâm Mồ côi Khuyết tật Hồng Phúc ở rốn lũ xã Phương Mỹ của huyện Hương Khê. Ngôi nhà “hạnh phúc” này nằm lọt thỏm giữa núi rừng, cũng vì thế mà chưa được nhiều người biết đến. Từ xa xa, chúng tôi đã nghe những tiếng ú ớ, cười nói của những phận đời không được lành lặn, kém may mắn. Trung tâm hiện đang cưu mang 30 mảnh đời, trong số đó chỉ có 4 em là khỏe mạnh bình thường và đang theo học tại các trường trên xã.
Mỗi hoàn cảnh là cả một câu chuyện dài đầy nỗi buồn. Cô bé Hà Phương năm nay 9 tuổi, quê ở Hà Tĩnh bị bại não. Cô bé có dáng hình mảnh khảnh, xinh xắn nhưng cuộc sống của em gần như phải gắn liền với sợi dây xích. Các chị tại trung tâm cho biết, bình thường Hà Phương rất ngoan hiền nhưng lúc lên cơn thì hay quấy phá.
“Hà Phương có hoàn cảnh cũng hết sức thương tâm, bản thân em bị bại não. Bố mẹ có hoàn cảnh khó khăn, đau yếu lại có em nhỏ nên không thể đủ điều kiện chăm sóc nên đã gửi cho trung tâm cách đây một năm”, chị Nguyễn Thị Lý cho biết.
Còn em Nguyễn Thái Sơn thì quê ở tận tỉnh Quảng Bình. Sơn không có bố, mẹ là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình cũng hết sức khó khăn. Nếu ở với mẹ, thì Sơn sẽ không được đến trường. Vào năm 2014, Sơn được mẹ gửi ra nhờ các chị ở trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và hiện em đang học lớp 2 tại Trường Tiểu học Phương Mỹ….
Các em dù là ai, từ đâu đến nhưng khi về chung sống dưới mái nhà này đều được các chị xem như người thân, anh em ruột thịt của mình. Các chị lo cho các em từ miếng ăn đến giấc ngủ, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng nhau.
Chị Nguyễn Thị Mai Quế, một trong 4 người trông coi Trung tâm chia sẻ: “Lúc mới thành lập trung tâm, tôi cũng rất lo lắng. Bởi ở đây có cả những em lành lặn, bình thường nhưng cũng có nhiều em bị các chứng bệnh tâm thần. Việc sống chung dưới một mái nhà sẽ rất nguy hiểm”.
“Các em đang được chăm sóc tại đây là những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, thiếu tình yêu thương gia đình. Vì vậy, mái nhà chung này mong muốn có thể lấp đầy những khoảng trống, chia sẻ và xoa dịu đi những nỗi đau tâm hồn cũng như thể xác của các em”.
Sự hy sinh thầm lặng, tình yêu thương bao la của các chị dành cho những số phận kém may mắn đã lay động đến tận trái tim những người dân vùng rốn lũ Phương Mỹ này. Và họ đã gọi các chị với cái tên trìu mến là những bông hoa hồng, những ngọn nến thắp sáng, chiếu rọi cho những ước mơ ở vùng rốn lũ.
“Được san sẻ, yêu thương là hạnh phúc”
Hơn 7 năm qua là biết bao kỷ niệm, niềm vui cũng có và nỗi niềm. Lắng nghe những câu chuyện, những nỗi niềm về công việc của các chị chúng tôi thật sự cảm phục và thầm biết ơn những “ngọn nến” đang ngày đêm sưởi ấm, chiếu rọi cho những cảnh đời bất hạnh.
Ngày nào cũng như ngày nào, cứ 4 giờ sáng các chị lại bắt đầu công việc của mình, có khi công việc kết thúc lúc đã sang ngày mới.
Chị Nguyễn Thị Lý tâm sự.“4 giờ là các chị phải dậy đi chợ, chuẩn bị bữa sáng cho các em. Nhiều hôm trông coi cho đến lúc các em đi ngủ hết thì đã sang ngày mới”.
Chăm sóc các em nhỏ bình thường đã khó, chăm sóc các em bị dị tật, tâm thần càng khó hơn.
“Để cho các em bị bại não, tâm thần ăn uống nhiều khi phải mất đến cả tiếng đồng hồ. Đôi lúc các em lên cơn còn sợ các em bị đánh nữa”, chị Lý chia sẻ thêm.
Các chị làm việc ở đây đều xuất phát từ cái tâm, từ tình yêu, sự chia sẻ đối với những cảnh đời bất hạnh. Các chị không có một đồng lương, không có tiền hỗ trợ của nhà nước, tất cả kinh phí chăm sóc các em đều tự tay các chị đi kêu gọi, vận động.
Chị Nguyễn Thị Lý tâm sự: “Để các em cái ăn, cái mặc, chúng tôi thường xuyên phải đến từng nhà để xin giúp đỡ. Có nhà họ cho tiền, có nhà cho quần áo, cho gạo. Có ngày chúng tôi phải đi cả trăm cây số để đi xin các mạnh thường quân giúp đỡ”.
“Cũng có lúc thấy mệt mỏi, nhưng cứ nghĩ về các em, những hoàn cảnh đã chịu quá nhiều thiệt thòi chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Được san sẻ, yêu thương là hạnh phúc”.
Nhìn hình ảnh các chị chăm sóc, nâng niu những đứa trẻ, những người phụ nữ đơn thân tàn tật như chính người thân, ruột thịt của mình chúng tôi, cũng như những người dân nơi đây thật xúc động và cảm phục.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ cho biết: “Trung tâm này do các nữ tu ở giáo xứ Thọ Hoàng đứng ra quản lý, cưu mang những phận đời bất hạnh. Tất cả kinh phí trang trải, nuôi dưỡng các đối tượng đều do các nữ tu tự xoay xở nên cũng gặp rất nhiều khó khăn”.
“Chúng tôi thật sự cảm kích trước những nghĩa cử cao đẹp của các nữ tu. Những con người tuyệt vời, làm việc vì cái tâm vì sự bao dung yêu thương giữa con người với con người. Vào ngày lễ tết, chính quyền xã cũng đến thăm hỏi động viên các chị cũng như các hoàn cảnh nơi đây”.
Xuân Sinh