Ngôi nhà Hạnh Phúc: Đóng cửa hay chuyển thành cơ sở bảo trợ xã hội?
(Dân trí) - “Việc đề nghị đóng cửa cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc (huyện Bình Chánh, TPHCM) nhằm tránh nguy cơ dẫn đến hệ quả xấu đã xảy ra tại Chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) trước đây. Nhưng nếu chủ cơ sở đáp ứng được điều kiện, cơ hội tồn tại vẫn còn”.
Ông Tô Đức, Cục phó Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), trao đổi với PV Dân trí thông tin liên quan tới việc đóng cửa cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc tại TPHCM mới đây.
Ông Tô Đức cho biết thêm: Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cơ sở này nằm trên miếng đất thuộc diện quy hoạch giải tỏa chưa đền bù của dự án Đô thị Hạnh Phúc. Hiện trạng điểm giữ trẻ gồm: Căn nhà cấp bốn, gác lửng, mái tôn, vách tường, trần nhà đóng la phông, có tổng diện tích hơn 200 m2 kể cả phần lợp mái tôn. Một phần đất do ông Hoàng, bà Vân thuê lại của của chủ đất từ năm 2011 đến nay.
Về hoạt động tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc đối tượng: Tháng 2 năm 2006, ông Hoàng và bà Vân bắt đầu mở điểm giữ trẻ, nhưng lúc đầu chỉ nuôi giữ với số lượng trẻ ít (khoảng 5 trẻ).
Từ năm 2010, số lượng trẻ tăng lên và tại thời điểm kiểm tra, tổng số người là 32 người, độ tuổi lớn nhất là 23 tuổi và nhỏ nhất là 7 tuổi, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi là 24 trẻ (14 nam, 10 nữ), gồm: trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Khi vợ chồng ông Hoàng tiếp nhận trẻ chỉ có giấy khai sinh của trẻ, không có các giấy tờ liên quan khác. Hiện ông Hoàng vẫn còn giữ được liên lạc với gia đình các trẻ.
Các cháu nhỏ tại cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc (Ảnh: Báo Pháp luật TPHCM)
PV: Nguyên nhân nào dẫn tới việc đóng cửa cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc - nơi đang chăm nuôi 32 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn?
Ông Tô Đức: Sự việc bắt đầu vào giữa tháng 11/2013, khi đó UBND xã Bình Hưng kiểm tra hoạt động của cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc do ông Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 1970) và bà Ngô Thị Kim Vân (sinh năm 1966) làm chủ.
Kết quả kiểm tra phát hiện điểm giữ trẻ của ông Hoàng chưa có giấy phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, UBND xã Bình Hưng đề nghị ông Hoàng ngưng hoạt động nuôi giữ trẻ không phép tại địa điểm trên và phải giao trả các trẻ về với gia đình trong thời gian 7 ngày.
Ông Hoàng chấp thuận với đề nghị của UBND xã Bình Hưng đồng thời đề nghị gia hạn thời gian giao trả các trẻ đến ngày 31/5/2015 với lý do vì hiện tại các trẻ đang đi học và gia đình các trẻ đều ở xa.
Ngày 3/6/2015, Ủy ban nhân dân xã Bình Hưng kiểm tra tình hình giao trả trẻ về gia định theo như nội dung ông Hoàng thống nhất tại biên bản trước đó. Tuy nhiên ông Hoàng vẫn chưa thực hiện. UBND xã Bình Hưng tiếp tục đề nghị ông Hoàng, bà Vân thực hiện giao trả trẻ, thời hạn thực hiện trước ngày 15/6/2015.
Sự việc này cũng được Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Chánh xử lý và đánh giá cơ sở trên không đáp ứng điều kiện thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định 68/2008/NĐ-CP.
Ông Tô Đức, Cục phó Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)
Kết luận cơ sở không đủ tiêu chuẩn hoạt động là điều tất yếu dẫn tới việc phải đóng cửa. Nhưng theo phản ánh của báo chí, việc ra quyết định còn khiến chủ cơ sở và các cháu bé ở đây còn nhiều trăn trở, tâm tư. Ông có ý kiến gì về điều này?
Tôi cho rằng, sự ngỡ ngàng thậm chí là bức xúc của một số người dân là do công tác truyền thông, vận động chưa làm tốt. Các cơ quan chức năng cần làm là giúp người dân, dư luận nhận thấy những vấn đề, hệ quả tiêu cực từ các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng không tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tránh những hậu quả có thể xảy ra như vụ Chùa Bồ Đề, Trung tâm Bảo trợ Linh Xuân trước đây.
Đối với cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, Sở LĐ-TB&XH TP HCM cần phối hợp với UBND huyện Bình Chánh để làm việc, trao đổi, bàn bạc và thống nhất với ông Nguyễn Văn Hoàng và bà Ngô Thị Kim Vân về phương án xử lý đối với cơ sở nhà Hạnh Phúc.
Theo đó, hướng xử lý là tìm kiếm các giải pháp, huy động sự ủng hộ của cộng đồng nhằm hỗ trợ cơ sở nhà Hạnh Phúc có điều kiện tiếp tục chăm sóc các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể là giải pháp giúp đỡ, hướng dẫn cơ sở thực hiện thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP.
Trường hợp cơ sở không đủ điều kiện chăm sóc đối tượng, cần bàn bạc, thống nhất với cơ sở về kế hoạch, lộ trình xử lý theo hướng tiến hành phân loại, bàn giao về địa phương những đối tượng có địa chỉ cụ thể; lập danh sách các đối tượng không xác định được địa chỉ để xem xét, đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội công lập của tỉnh, thành phố để chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trong quá trình thực hiện, Sở LĐ-TB&XH TP HCM có trách nhiệm tìm kiếm, bố trí, điều động các nhân viên công tác xã hội, chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm hỗ trợ tâm lý cho các cháu; tư vấn, vận động cơ sở nhà Hạnh Phúc thực hiện các biện pháp bảo đảm tốt nhất quyền lợi của các cháu và các đối tượng khác.
Được biết quyết định đóng cửa cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc đã được tạm dừng để các cơ quan chức năng xem xét. Tuy nhiên, dư luận quan tâm tới việc nếu quyết định được thực thi thì giải pháp hỗ trợ cho các cháu tại cơ sở sẽ ra sao, thưa ông?
Sáng nay (29/6), đại diện Cục Bảo trợ Xã hội, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và Sở LĐ-TB&XH TP HCM đã trực tiếp xuống nắm tình hình, trao đổi với cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc và UBND huyện Bình Chánh.
Các đơn vị liên quan đã thống nhất đề nghị UBND huyện Bình Chánh chủ trì, hướng dẫn cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc thực hiện thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP.
Trường hợp cơ sở Ngôi nhà Hạnh Phúc không đủ điều kiện tiếp tục chăm sóc trẻ em, UBND huyện Bình Chánh chủ trì, phối với Sở LĐ-TB&XH thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan bàn bạc, thống nhất với cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc về phương án xử lý cơ sở nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích đầy đủ cho trẻ theo quy định.
Đối với trẻ có gia đình, nếu gia đình có điều kiện thì giải quyết hồi gia, trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tiếp nhận trẻ vào chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đối với những trẻ đang theo học văn hóa, học nghề sẽ được đảm bảo trẻ được tiếp tục học văn hóa, học nghề.
Đảm bảo công tác giáo dục, sinh hoạt văn hóa, thể chất được duy trì. Trước khi chuyển đến các cơ sở bảo trợ xã hội khác, trẻ và thân nhân, gia đình được thực hiện tư vấn tâm lý.
Xin cảm ơn ông!
Theo ông Tô Đức: TP HCM hiện có 53 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, trong đó có 32 cơ sở đã được cấp phép (từ năm 2010 đến nay thực hiện cấp phép cho 17 cơ sở, thuộc thẩm quyền của Thành phố và quận, huyện). Trong năm 2013, Sở LĐ-TB&XH tổ chức đoàn kiểm tra hoạt động các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập trên địa bàn Thành phố. Đối với những cơ sở đủ điều kiện hoạt động nhưng chưa thực hiện thủ tục cấp phép, đoàn kiểm tra hướng dẫn thực hiện thủ tục theo quy định. Đối với những cơ sở qua rà soát, kiểm tra không đủ điều kiện hoạt động, đoàn kiểm tra kiến nghị UBND Thành phố hướng dẫn Quận, huyện thực hiện việc chấm dứt hoạt động nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của đối tượng như: Chuyển đối tượng về gia đình, đối với những đối tượng không xác định được thân nhân, gia đình thì tiếp nhận vào các cơ sở bảo trợ xã hội công lập hoặc ngoài công lập đã được cấp phép… |
Hoàng Mạnh (thực hiện)