1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Ngôi miếu thờ 344 ngư dân tử nạn sau một cơn bão

(Dân trí) - Câu chuyện về 344 ngư dân tử nạn sau trận bão kinh hoàng năm 1931 có lẽ sẽ mãi là câu chuyện đau buồn nhất mà người dân Diêm Phố muôn đời không thể nào quên.

Xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) nằm quay mặt ra phía biển. Đất chật người đông, nhà ở chen chúc, không có đất canh tác nông nghiệp, nên người dân nơi đây sống không thể thiếu biển, “ngừng chèo treo niêu”.

Biển cho cái tôm, con cá, nhưng biển cũng lấy đi bao nhiêu mạng người. Đến giờ người dân Diêm Phố (nay là xã Ngư Lộc) vẫn luôn lưu truyền một câu chuyện đầy tang thương vào năm Tân Mùi - 1931. Một trận bão kinh hoàng bất ngờ ập vào vùng biển Diêm Phố, phá hủy và nhấn chìm hầu như toàn bộ thuyền bè đánh bắt ngoài khơi của ngư dân. Trận bão năm ấy khiến hàng trăm ngư dân vĩnh viễn không trở về. Người Diêm Phố đã phải lập một miếu thờ cho 344 người con xấu số ấy.

Ngôi miếu thờ 344 người con Diêm Phố nằm lại biển khơi năm 1931
Ngôi miếu thờ 344 người con Diêm Phố nằm lại biển khơi năm 1931

Theo lời kể của những bậc cao niên, xã Ngư Lộc lúc đó bị bao phủ bởi một màu tang tóc. Cả làng trắng khăn tang, phụ nữ cả làng góa bụa. Vợ mất chồng, con mất cha, anh mất em, mẹ mất con, hầu như nhà nào cũng có người thân nằm lại dưới đáy biển khơi.

Nhắc lại cơn bão năm 1931, ông Trần Văn Hạnh ở thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc (người trông coi đền Cá Ông và Miếu thờ 344 người tử nạn năm 1931) trầm buồn: “Đã là người con của Diêm Phố thì không một ai có thể quên được nỗi sợ hãi kinh hoàng trong cơn bão năm đó. Một trận bão lớn đột ngột và hoàn toàn bất ngờ đã phá hủy và nhấn chìm hầu như toàn bộ thuyền bè đánh bắt ngoài khơi và cướp đi vĩnh viễn 344 người con của Ngư Lộc”.

Biển vẫn mang đến biết bao tai ương. 65 năm sau, người dân Ngư Lộc lại đón nhận một cơn cuồng phong khác, cũng đớn đau không kém gì cơn bão năm 1931. Lúc đó, hàng trăm ngư dân đang đánh cá ngoài khơi vùng biển Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) thì áp thấp xuất hiện, ngư dân chạy tránh bão đúng vào tâm bão. Trận “đại hồng thủy” đã cướp đi 121 người con của Hậu Lộc cùng hàng trăm tàu, bè bị đánh chìm, trong đó riêng xã Ngư Lộc có hơn 60 người.

Biển cho ngư dân cuộc sống nhưng cũng lấy của ngư dân cả những kiếp người
Biển cho ngư dân cuộc sống nhưng cũng lấy của ngư dân cả những kiếp người

Từ năm 2008 đến năm 2010, người dân vùng biển này lại nghẹn ngào tiễn đưa 28 người con vĩnh viễn nằm lại giữa lòng đại dương do đắm tàu khi đang mưu sinh trên biển.

Để tưởng nhớ những người con của Diêm Phố không may bỏ mạng lại biển khơi vào năm 1931, nhân dân trong xã Ngư Lộc đã lập miếu thờ chung 344 người. Miếu thờ này nằm trong quần thể khu di tích chùa, đền, nghè Diêm Phố (nay gọi là chùa Liên Hoa). Trong Miếu thờ 344 ngư dân chết trên biển có bát hương, bài vị, mô hình bè mảng trên đặt một số ngư cụ, bên trái miếu có mô hình long châu cỡ nhỏ được đặt trong tủ kính.

Hàng năm, vào ngày 18/8 âm lịch, toàn bộ ngư dân xã tổ chức ngày giỗ chung cho 344 ngư dân gặp nạn để tưởng nhớ về sự mất mát đau thương lịch sử này. Bởi thế, năm nào cũng vậy, từ ngày 17, 18, 19 tháng 8 âm lịch, cả làng không đi làm, gia đình nào có thân nhân mất đều chuẩn bị lễ vật cỗ bàn cho ngày giỗ, sau đó họ mang một phần lễ vật vàng hương, bánh trái hoa quả và đặc biệt có cả mô hình thuyền mảng bằng giấy và một số ngư cụ. Sau khi cháy hết tuần hương, những đồ này được mang ra ngoài biển để hóa cùng với vàng mã.

Dù biết trước những tai ương nhưng ngư dân vẫn cố bám biển
Dù biết trước những tai ương nhưng ngư dân vẫn cố bám biển

Người trông coi miếu thờ ngư dân tử nạn ngậm ngùi: “Người dân Diêm Phố đã khóc quá nhiều. Năm nào trời yên biển lặng, Ngư Lộc cũng có ít nhất vài người con ra đi mãi mãi không về. Nhưng bao đời nay, dân quê tôi vẫn miệt mài bám biển, đối với chúng tôi biển đã lấy đi nhiều thứ nhưng cũng đã nuôi lớn bao nhiêu thế hệ người con Ngư Lộc. Nên dù có mất mát, đau thương chúng tôi cũng không thể quay mặt với biển”.
 
Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc - cho biết: “Câu chuyện về 344 ngư dân nằm lại biển khơi năm 1931 sẽ ám ảnh người dân xã Ngư Lộc đến muôn đời. Trải qua hơn 80 năm, câu chuyện ấy vẫn in đậm trong tâm trí của bất cứ người con nào sinh ra và lớn lên ở Diêm Phố. Cách đây mấy năm, địa phương đã cùng nhân dân sửa sang lại miếu thờ. Ngoài các ngày lễ chính cho 344 ngư dân thì vào các ngày mùng 1 hàng tháng hoặc ngày rằm, dân làng trong xã đều lên đền thắp hương cho các vị thần, phật và vong hồn của 344 người dân, mong cầu sự phù hộ bình an và may mắn cho dân làng”.

Nguyễn Thùy