DNews

Ngôi làng "bụi mù mịt quanh năm" ở thành phố di sản

Thái Bá

(Dân trí) - Những ngày cận Tết, làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân ở Ninh Bình hoạt động hết công suất. Tiếng máy xẻ, cắt, đục đá ồn ào, chát chúa vang lên cùng bụi mù mịt khắp các ngõ xóm.

Ngôi làng "bụi mù mịt quanh năm" ở thành phố di sản

Làng nghề chế tác đá nổi tiếng

Xã Ninh Vân, thành phố Hoa Lư (Ninh Bình) nổi tiếng với làng nghề chế tác đá mỹ nghệ. Toàn xã có 10/12 thôn làm nghề chế tác đá, trong đó có 3 làng nghề là Xuân Vũ, Dưỡng Thượng và Dưỡng Hạ được công nhận là làng nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống.

Ngôi làng bụi mù mịt quanh năm ở thành phố di sản - 1

Đường vào làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, thành phố Hoa Lư, Ninh Bình (Ảnh: Thái Bá).

Số người tham gia nghề chế tác đá ở Ninh Vân hiện nay có hơn 1.000 người. Nhiều nhất ở các thôn Xuân Thành, Xuân Phúc, Thượng và Hạ. Ngoài ra, còn lượng lớn lao động từ nơi khác đến Ninh Vân làm việc và học nghề.

Hàng chục năm qua, người làm đá mỹ nghệ ở Ninh Vân tự hào khi bàn tay tài hoa của họ ghi dấu trên những công trình lớn của đất nước như: Cụm tượng đài nghĩa trang Trường Sơn, tượng Mẹ Suốt (Quảng Bình), tượng đài Bác Hồ ở quảng trường Hồ Chí Minh (Nghệ An), tượng Trần Hưng Đạo ở Kinh Môn (Hải Dương), các pho tượng La Hán chùa Bái Đính (Ninh Bình)…

Đại diện Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân cho biết, nghề đá mỹ nghệ của làng có từ thời xa xưa và từng bị mai một. Tuy nhiên, những năm gần đây nhu cầu sử dụng đá mỹ nghệ vào các công trình tâm linh như đền, chùa, miếu, điện, lăng, tẩm, bia mộ… tăng cao, vì thế nghề của làng phát triển mạnh mẽ.

Ngôi làng bụi mù mịt quanh năm ở thành phố di sản - 2

Người dân làm nghề chế tác đá ở Ninh Vân (Ảnh: Thái Bá).

Khắp các đường làng, ngõ xóm ở Ninh Vân đâu đâu cũng thấy xưởng sản xuất đá mỹ nghệ. Xưởng nhỏ thì sản xuất tại các hộ gia đình, xưởng lớn rộng cả nghìn mét vuông với số lượng lớn công nhân và máy móc được đầu tư hiện đại.

Anh Nguyễn Đức Yên (41 tuổi) chia sẻ, thời xưa ông bà làm thủ công bằng đục, búa, chạm khắc đá thô sơ, các mặt hàng cũng đơn giản. Ngày nay, máy móc hiện đại, cơ khí phát triển nên nghề đá mỹ nghệ cũng phát triển theo với đủ các loại máy phục vụ cho sản xuất như máy cắt, mài, đục, nhiều xưởng còn áp dụng công nghệ vi tính chế tác đá bằng CNC…

Nghề chế tác đá giúp người dân địa phương "ăn nên làm ra" khi tham gia xây dựng hầu hết các công trình lớn bé, từ trong Nam ra ngoài Bắc, từ thành thị tới nông thôn. Cũng vì thế, ngày nay về Ninh Vân ra đường là gặp doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất chế tác đá mỹ nghệ. Những người dân không mở xưởng sản xuất, đi làm thuê ăn lương hay nhận khoán việc, hàng tháng cũng có thu nhập hàng chục triệu đồng.

Ngôi làng bụi mù mịt quanh năm ở thành phố di sản - 3

Dọc hai bên đường vào xã Ninh Vân, các xưởng chế tác đá mỹ nghệ mọc san sát nhau (Ảnh: Thái Bá).

"Đời sống người dân nâng cao nhờ có việc làm và thu nhập ổn định. Nhưng nghề chế tác đá quá vất vả và bụi bẩn, lớp trẻ giờ cũng ít người say nghề, các gia đình cũng đều hướng đến cho con cái học hành đến nơi đến chốn, tìm kiếm công việc ổn định để không phải lao động tay chân, bụi bẩn", anh Yên tâm sự.

Sống chung với bụi bẩn

Nổi tiếng với nghề thủ công mỹ nghệ đến đâu thì Ninh Vân cũng được biết đến với danh hiệu làng quê bụi bẩn nhất đến đó. Cũng vì thế mà ngôi làng này có biệt danh là "bụi mù mịt quanh năm".

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, chúng tôi ghé về Ninh Vân, qua cổng làng làm bằng đá cao sừng sững dọc hai bên đường dày đặc các xưởng chế tác đá của người dân trong làng. Trước sân hộ dân nào cũng trưng bày đủ các mặt hàng chế tác từ đá xanh đen, xanh rêu, đá trắng… để chào mời khách. Nhiều nhất vẫn là các loại lăng, mộ vì đây là mặt hàng chủ lực ở Ninh Vân xuất xưởng đi khắp nơi trên mọi miền tổ quốc những năm qua.

Ngôi làng bụi mù mịt quanh năm ở thành phố di sản - 4

Bụi bẩn từ sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ khiến xã Ninh Vân luôn trong tình trạng "mù sương" (Ảnh: Thái Bá).

Cuối năm là thời điểm nghề đá mỹ nghệ ở Ninh Vân hoạt động hết công suất. Tiếng máy xẻ, cắt, đục đá ồn ào, chát chúa khắp đường làng ngõ xóm. Từ các xưởng chế tác bụi đá bay mù mịt khắp nơi khiến nơi nào ở đây cũng bị phủ một màu trắng xóa.

Chị H. người thôn Hạ nói, tháng cuối năm các hộ kinh doanh phải trả đơn hàng vội để kịp bàn giao trước Tết Nguyên đán, vì thế mà từ sáng sớm cho đến đêm các xưởng sản xuất hoạt động hết công suất. Người người tất bật, nhà nhà tất bật, chạy đua với thời gian khi Tết đến cận kề, khung cảnh ở làng nghề trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết.

Từ việc các xưởng sản xuất đá hoạt động ngày đêm đã tạo ra bụi bẩn khiến toàn xã Ninh Vân lúc nào cũng như trong tình trạng "mù sương". Điều này hiện rõ trên các con đường làng, các ngôi nhà hay những hàng cây không còn màu xanh của lá, tất cả đều phủ một màu trắng xóa.

Ngôi làng bụi mù mịt quanh năm ở thành phố di sản - 5
Ngôi làng bụi mù mịt quanh năm ở thành phố di sản - 6

"Sống ở cái làng này chẳng làm được nghề gì khác ngoài làm xưởng đá. Người người làm nghề, nhà nhà làm nghề nên cuộc sống cũng quen với bụi bẩn. Gia đình nào có muốn kinh doanh buôn bán gì thì cũng khó vì đường ngõ lúc nào cũng bị bụi bẩn vây quanh, mở cửa ra trong nhà chẳng khác gì ngoài đường. Làm ăn buôn bán không được, chỉ ở thôi cũng phải tìm đủ cách để ngăn bụi vào nhà", bà L. thôn Xuân Phúc nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo UBND xã Ninh Vân cho biết, để giảm thiểu tình trạng bụi bẩn, tiếng ồn, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp. Trong đó, địa phương đã thực hiện di chuyển các hộ sản xuất đến cụm công nghiệp làng nghề, yêu cầu các doanh nghiệp có mỏ khai thác đá tưới nước hàng ngày và tuyên truyền các hộ dân thực hiện nghiêm việc bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, hiện nay chính quyền địa phương đang còn gặp khó khăn khi trong khu vực đông dân cư sinh sống của xã vẫn còn 500-700 hộ dân tiếp tục sản xuất do chưa có quỹ đất để di chuyển đến nơi làm mới. Vì thế, tình trạng ô nhiễm bụi bẩn chưa giảm được bao nhiêu.

Ngôi làng bụi mù mịt quanh năm ở thành phố di sản - 7

Đường làng ở Ninh Vân từ nhà cửa đến cây cối phủ một màu bụi trắng xóa (Ảnh: Thái Bá).

Cũng theo vị lãnh đạo xã Ninh Vân, nguyên nhân nữa là do ý thức sản xuất của các hộ dân chưa được nâng lên khi mạnh ai nấy làm, xưởng sản xuất không được che phủ, nước thải từ sản xuất đá tràn lan ra đường làng ngõ xóm làm cho ô nhiễm ở Ninh Vân ngày càng tăng lên.

Tình trạng bụi bẩn, ô nhiễm ở Ninh Vân diễn ra từ nhiều năm qua, địa phương này cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, nhưng đến nay tiêu chí về môi trường vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Điều đáng nói, xã Ninh Vân hiện nay thuộc thành phố Hoa Lư, làng nghề đá mỹ nghệ của xã nằm gần với các khu, điểm du lịch ở Ninh Bình như Tam Cốc - Bích Động, Thung Nham… nổi tiếng trong nước và thế giới. Bụi bẩn từ làng nghề này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ mà tỉnh Ninh Bình đang hướng tới.