1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Nội:

“Ngơ ngác” về ranh giới xử phạt vi phạm giao thông

(Dân trí) - Nghị định 34 quy định mức phạt vi phạm giao thông có sự chênh lệch lớn giữa nội và ngoại thành Hà Nội, TPHCM. Tuy nhiên, cận ngày thi hành, không chỉ người dân mà bản thân người chấp pháp cũng “ngơ ngác” vì không thể phân biệt ranh giới nội - ngoại thành.

Dân chào thua với luật
 
Theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ” có hiệu lực từ ngày 20/5 tới đây, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới khi dừng xe, mở cửa xe không đảm bảo an toàn và gây ra tai nạn ở ngoại thành bị phạt tiền từ 800.000 - 1,2 triệu đồng. Cùng hành vi nhưng vi phạm trong khu vực nội thành sẽ bị phạt tiền với mức từ 1,4 - 2 triệu đồng.
 
“Ngơ ngác” về ranh giới xử phạt vi phạm giao thông - 1
Ở Hà Nội, nhiều khu vực mật độ dân cư đông, lưu lượng phương tiện lớn nhưng vẫn được coi là ngoại thành.
 
Người đi xe gắn máy, xe đạp điện không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đi ngược chiều nếu vi phạm ở ngoại thành bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng, ở nội thành bị phạt từ 300.000 - 500.000 đồng...
 

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sáng 5/5, ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay: “Sở sẽ đề xuất xin lui lại 1 tuần nữa (tức đến ngày 27/5 - PV) mới triển khai thực hiện Nghị định 34 để nghiên cứu và tuyên truyền thêm về quy định xử phạt sắp áp dụng”.

Qua so sánh theo khu vực cho thấy, mức xử phạt chênh nhau cao nhất có thể lên tới 5 lần. Tuy nhiên, dù đã cận ngày áp dụng quy định mới nhưng việc xử phạt người vi phạm sao cho đúng đang là “thách thức” không nhỏ, đặc biệt là ở những vùng vẫn được coi là giáp ranh nội và ngoại thành.
 
Anh Hòa (hành nghề xe ôm ở KCN Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh) cho biết: “Tôi sống ở Hà Nội từ nhỏ nhưng chưa bao giờ phân biệt được rạch ròi đâu là quận, huyện nội và ngoại thành. Ngay nơi cư trú hợp pháp của tôi trong sổ hộ khẩu, cơ quan chức năng cũng chỉ ghi ở xã, huyện nào chứ không có dòng chữ nào ghi nội thành hay ngoại thành”.
 
Theo Nghị định số 42/2009/NĐ- CP về phân loại đô thị của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/5/2009, những thành phố trực thuộc Trung ương được quy ước nội thành là các quận và ngoại thành là các huyện. Nếu chiếu theo Nghị định trên thì ranh giới giữa nội thành và ngoại thành là rõ ràng, song khi Hà Nội đã mở rộng bao gồm 29 quận, huyện thì việc xác định như trên lại là chuyện không tưởng.
 
Ví như quận Hà Đông - Hà Đông vốn là thành phố của tỉnh Hà Tây cũ, nhưng khi sáp nhập thì Hà Đông trở thành một quận của Hà Nội. Trên thực tế, rất nhiều người dân đã tỏ ra phân vân khi coi Hà Đông là 1 quận nội thành còn gọi Hà Đông là ngoại thành thì lại không thỏa đáng bởi quận này có mật độ dân cư và hạ tầng giao thông không thua kém gì các quận trung tâm Hà Nội.
 
Người chấp pháp “mòn mỏi” chờ… hướng dẫn
 
Có mặt tại các cửa ngõ dẫn vào trung tâm Hà Nội, PV Dân trí tìm mỏi mắt vẫn không thấy có tấm biển nào được dựng lên để xác định ranh giới nội, ngoại thành, trong khi đó đặc thù của các tuyến đường cửa ngõ là kéo dài và đi qua địa phận nhiều quận, huyện.
 
“Ngơ ngác” về ranh giới xử phạt vi phạm giao thông - 2
“Sẽ rất khó để áp dụng quy định xử phạt mới khi mà ranh giới xử phạt không rõ ràng”
 
Đơn cử như cao tốc Thăng Long - Nội Bài nối với đường Phạm Văn Đồng đi qua các huyện Mê Linh, Đông Anh, Từ Liêm và quận Cầu Giấy. Chỉ vài ngày nữa, khi mức phạt mới được áp dụng thì lực lượng chức năng xử phạt vi phạm giao thông sẽ lý giải như thế nào với người dân nếu họ bị áp mức xử phạt cao hơn khi vi phạm trên tuyến đường này?!
 
Một cán bộ Thanh tra Giao thông (Sở GTVT Hà Nội) làm nhiệm vụ phân luồng tại cầu Thăng Long ái ngại: “Sẽ rất khó để áp dụng quy định xử phạt mới đối với những hành vi vi phạm như trong Nghị định 34 khi ranh giới nội, ngoại thành chưa rõ ràng. Thời gian tới, chúng tôi hi vọng sẽ nhận được thêm các văn bản hướng dẫn cụ thể…”.
 
Đối với lực lượng Cảnh sát Giao thông (Công an Hà Nội), khi được hỏi về cách phân biệt nội, ngoại thành thì nhiều người cũng mơ hồ. Họ cho biết cũng chỉ hiểu nôm na ngoại thành là những huyện xa trung tâm thành phố, ít dân cư còn nếu cần sự chính xác giữa nội thành với ngoại thành thì phải cắm biển báo. Chúng tôi vẫn đang chờ những hướng dẫn cụ thể hơn...
 
Trong khi đó, Thượng tá Trần Sơn - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) ngập ngừng: “Đâu là nội thành, đâu là ngoại thành thì phải chờ quyết định từ UBND thành phố…”.
 
Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm