Nghìn lẻ một kiểu mại dâm
(Dân trí) - Trong nhiều đường dây mại dâm bị triệt phá thời gian gần đây, xuất hiện nhiều “má mì” người Việt làm việc cho các ông chủ nước ngoài; nhiều gái bán dâm “cao cấp” là diễn viên, người mẫu, ca sĩ, sinh viên; mại dâm trên mạng nở rộ và biến tướng...
Những vụ mại dâm nổi cộm
Tại Hội nghị sơ kết công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn Công an các tỉnh phía Bắc do Tổng cục Cảnh sát tổ chức tại Quảng Trị ngày 12/7 vừa qua, Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội cho biết, tệ nạn mại dâm bây giờ biến tướng và khó quản lý vì thường hoạt động trên mạng, qua điện thoại. Gái mại dâm tự tìm khách trên mạng, không qua môi giới, không theo đường dây nhưng thậm chí có thể sang cả nước ngoài “đi khách”.
Một hình thức mại dâm khác đang nở rộ công khai ở các quán gội đầu thư giãn, cà phê đèn mờ, massage tẩm quất... là gái sẵn sàng làm mọi cách để khách thoả mãn mà không cần đi tới Z, để tránh né cơ quan chức năng. Nguyên nhân là do Pháp lệnh phòng chống mại dâm không quy định những hành vi này là hành vi mại dâm nên đã bị đối tượng tội phạm lách luật và triệt để lợi dụng.
Công an TPHCM báo cáo vừa tiến hành triệt phá đường dây gái gọi cao cấp hoạt động nhiều năm trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận. Cầm đầu đường dây là Chu Hoàng Thảo Trâm (còn gọi là Phương, SN 1978, quê Hải Dương).
Trâm khai mình trực tiếp quản lý 15-20 gái “xịn” được tuyển chọn kỹ. Khi có khách cần mua dâm, Trâm điều gái đến khách sạn gặp khách với giá 100 USD/lần, mỗi lần Trâm hưởng 300.000 đồng. Nếu khách có nhu cầu “tour” cùng gái đến các tỉnh lân cận sẽ phải trả 3-5 triệu đồng/”tour”, Trâm hưởng 40%. Ngoài việc môi giới, Trâm còn sẵn sàng bán dâm nếu khách yêu cầu.
Vụ án vợ chồng “má mì” Nguyễn Thị Nguyệt - Nguyễn Bá Ngọc do Công an Thái Bình điều tra xử lý cũng là một vụ án “nổi cộm”. Các đối tượng sử dụng mọi thủ đoạn để lừa các cô gái đi bán dâm. Vợ chồng Nguyệt mở nhà nghỉ - karaoke Tuấn Ngọc ở xã Thăng Long, Đông Hưng, Thái Bình; câu kết với Hà Thị Sinh, Lò Thị Việt (Yên Bái), Lường Thị Loan, Nguyễn Hải Anh (Hưng Yên), mở đường dây mại dâm xuyên các tỉnh.
Đường dây này thường xuyên có từ 10-15 gái. Nhiều gái mại dâm khai phải bán dâm hơn 1.000 lượt trong vòng 6 tháng, cao điểm có ngày lên tới 23 lượt khách.
Cũng bằng thủ đoạn dụ dỗ, lừa phỉnh, tên Đỗ Văn Thịnh (SN 1975, Hà Tây) đã vào tận Nghệ An lừa cưỡng hiếp hai chị em ruột trước khi ép hai em làm gái bán dâm tại nhà hàng Vinh Phong, khu du lịch biển Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Một thủ đoạn “chăn” gái khác được báo cáo tại hội nghị là thủ đoạn “cứu net”. Bọn tội phạm lợi dụng các em gái ham chat mà không có tiền, vờ ra tay cứu giúp rồi rủ rê đưa vào nhà nghỉ cưỡng bức, sau đó bán cho các chủ chứa trong nước hoặc bên kia biên giới.
Mới đây nhất là vụ hai đối tượng Nguyễn Văn Thành, Trần Duy Giang “cứu net” nhiều nữ sinh rồi bán cho chủ chứa Nguyễn Thị Lụt bên Trung Quốc.
Biện pháp nào cho phòng chống mại dâm?
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2007 của các địa phương trong cả nước, hiện có khoảng 55.000 người hành nghề mại dâm. Công an các địa phương đã lập hồ sơ quản lý 22.352 gái mại dâm và hơn 12.400 đối tượng chủ chứa mại dâm, môi giới mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà nghỉ, nhà hàng karaoke có biểu hiện nghi vấn hoạt động mại dâm.
Riêng TP Hà Nội có khoảng 6.000 gái có biểu hiện hoạt động mại dâm tại hơn 20.900 cơ sở kinh doanh dịch vụ (tăng 4.088 cơ sở kinh doanh dịch vụ so với 6 tháng đầu năm 2006). |
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, lực lượng công an các tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức điều tra, bắt giữ và đưa ra truy tố trước pháp luật hàng trăm đối tượng là chủ chứa, môi giới mại dâm... Nhưng đội quân này xem ra vẫn còn rất “hùng hậu”.
Ông Nguyễn Viết Chức - Phó Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hà Nội - trao đổi: Để phòng chống mại dâm hiệu quả, trước hết cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật. Trong đó cần thiết nhất là chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với người bán dâm, người mua dâm và quản lý người bán dâm. Mặt khác, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan xử lý và cơ quan cấp giấy phép kinh doanh những dịch vụ “nhạy cảm”.
Thực tế quá trình phòng ngừa và đấu tranh triệt phá các tổ chức mua bán dâm, rất ít cơ sở bị đình chỉ và thu hồi giấy phép kinh doanh. Việc xử lý vi phạm ở nhiều nơi cũng phải làm nghiêm túc hơn nữa, tránh tình trạng phạt cảnh cáo, phạt tiền ở mức thấp, nặng về xử lý người bán dâm, nương nhẹ đối với người mua dâm.
Đồng thời, tăng cường quản lý mạng internet, khai thác triệt để các thông tin liên quan đến tội phạm trên mạng, từ đó tìm ra phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này để có kế hoạch phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả.
Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng cần phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tệ nạn mại dâm ngay từ cộng đồng như tuyên truyền, giáo dục, phát động nhân dân tố giác các ổ nhóm, đối tượng hoạt động mại dâm trên địa bàn cư trú...
Hồng Quân