1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 vào phòng, chữa cháy rừng

(Dân trí) - Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, ông chưa hài lòng với những phương tiện chữa cháy hiện có. Thời gian tới ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc phòng, chữa cháy rừng.

Sáng nay (5/7), Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ các tháng tiếp theo của năm 2019.

Bên lề hội nghị trên, phóng viên báo chí đã cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 vào phòng, chữa cháy rừng - 1

Ông Nguyễn Quốc Trị trao đổi với báo chí. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Ông Trị cho biết, thời gian qua công tác PCCCR của Việt Nam nói chung chủ yếu dùng phương châm “bốn tại chỗ”, tức là sử dụng lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

"Với phương châm như vậy chúng ta rất nhanh chóng nắm bắt được những vụ cháy rừng xảy ra kịp thời và có lực lượng chỉ huy kịp thời, hậu cần kịp thời và phương tiện huy động kịp thời. Tuy nhiên, trong quá trình chữa cháy không phải địa phương nào, chủ rừng nào cũng có những thiết bị cơ bản, nhưng về cơ bản phương án PCCCR của chúng ta đáp ứng được với điều kiện hiện tại của Việt Nam" - ông Trị cho biết.

Việc lực lượng chức năng dùng máy thổi gió để chữa cháy rừng ở Hà Tĩnh vừa qua, có ý kiến cho rằng sử dụng thiết bị này là không phù hợp với điều kiện khí hậu ở miền Trung thường nóng và gió lớn, vô tình lại "thổi lửa" đến khu vực khác. Tuy nhiên, ông Trị lại cho rằng, dùng máy thổi gió để chữa cháy rừng ở Hà Tĩnh đã đem lại hiệu quả cao. 

"Nếu chúng ta sử dụng những máy thổi gió trong việc chữa cháy rừng  đúng kỹ thuật thì sẽ phát huy hiệu quả. Đúng là thời tiết miền Trung nắng nóng, gió lớn, nhưng nếu chúng ta biết tập trung nhiều máy thổi gió vào một điểm thì lửa sẽ tắt. Hiện tại chúng tôi vẫn chưa hài lòng với các thiết bị chữa cháy hiện có, thời gian tới chúng tôi tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc PCCCR để phát hiện sớm các điểm cháy sớm trong công tác bảo vệ rừng" - ông Trị nói.

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 vào phòng, chữa cháy rừng - 2

Lực lượng chức năng sử dụng máy thổi để chữa cháy rừng ở Hà Tĩnh. (Ảnh: Xuân Sinh).

Một vấn đề được báo chí quan tâm là tại sao Tổng cục Lâm nghiệp không đề xuất sử dụng trực thăng vào hỗ trợ chữa cháy trong vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh, ông Trị giải thích: Do điểm đặc địa hình của vụ cháy rừng tại Nghi Xuân (Hà Tĩnh), sử dụng phương pháp chữa cháy tại chỗ sẽ hiệu quả nên đơn vị này không tính đến đề xuất trực thăng hỗ trợ.

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 vào phòng, chữa cháy rừng - 3

Trực thăng của Binh đoàn 18 bay chữa cháy rừng tại Indonesia vào năm 2016.

Cũng liên quan đến câu chuyện đề xuất trực thăng chữa cháy rừng ở Hà Tĩnh, trước đó Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã nhận được ý kiến này nhưng thấy rằng chữa cháy bằng trực thăng cần sử dụng liên tiếp từ 3 đến 5 trực thăng dội nước liên tục chữa cháy cho một điểm cháy, trong khi đó tình trạng cháy rừng phủ rộng trên nhiều huyện của nhiều tỉnh việc huy động trực thăng là khó khăn.

Không chỉ vậy, tình hình gió phơn Tây Nam thổi mạnh trong suốt thời gian qua cũng ảnh hưởng tới khả năng tháo nước trúng điểm cháy, đặc biệt là ảnh hưởng tới an toàn bay trong bối cảnh trực thăng làm cả nhiệm vụ chữa cháy nên Chính phủ chưa điều động trực thăng của Binh đoàn 18, Tổng công ty bay Bộ Quốc Phòng.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp Quý I/2019 tăng 4,32%; Ước Quý II/2019 tăng khoảng 4,53%, cao hơn 0,08% so với cùng kỳ năm 2018.

Về công tác bảo vệ và PCCCR: Cả nước đã phát hiện 5.691 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 1.117 vụ (giảm 16%) so với 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó: đã xảy ra 863 vụ phá rừng, giảm 109 vụ (giảm 11%), diện tích rừng bị phá 287 ha, giảm 34 ha (giảm 11%) so với cùng kỳ năm 2018. Đã xử lý hành chính 4.938 vụ; xử lý hình sự 126 vụ.

Đã xảy ra 156 vụ cháy rừng, số vụ cháy rừng tăng 61 vụ (tăng 64%) so với cùng kỳ năm 2018, diện tích rừng bị cháy 930 ha, tăng 705 ha.

Thời kỳ cao điểm xảy ra cháy rừng từ ngày 26/6 đến ngày 1/7/2019, trên địa bàn các tỉnh miền Trung, trong đó có 45 vụ cháy gây thiệt hại tới rừng, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Diện tích rừng bị thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 293 ha (có 14 vụ chưa xác định diện tích rừng bị thiệt hại).

Về xuất, nhập khẩu lâm sản: Xuất khẩu lâm sản: Giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 5,23 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 50% kế hoạch năm. Ước cả năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 11 tỷ USD.

Về nhập khẩu: Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2019   đạt khoảng 1,25 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm