1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM:

Nghiên cứu thêm để chống ngập bền vững

(Dân trí) - TP đang triển khai nhiều dự án chống ngập trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, trước điều kiện biến đổi khí hậu, các dự án này trở nên lạc hậu. Do đó, phải tiến hành nghiên cứu thêm để chống ngập một cách bền vững.

 Nghiên cứu thêm để chống ngập bền vững - 1
 Ngập nước là 1 trong những vấn nạn chính của TPHCM
 
Chưa xong đã lạc hậu
 
Những năm đầu thế kỷ 21, TP đứng trước cảnh ngập lụt triền miên. Hệ thống thoát nước đô thị của TP quá yếu kém, được xây dựng để phục vụ cho khoảng diện tích 35km2 với 1,5 triệu dân. Nhưng đến nay, chỉ riêng khu trung tâm rộng đến 140km2 và dân số trên 7 triệu người.
 
Chưa kể, hệ thống thoát nước chắp vá hiện hữu quá cũ kỹ, tồn tại gần 50 năm, trên 60% hệ thống cống không bảo đảm quy cách, hư mục, cần được sửa chữa hoặc thay mới; nhiều đoạn cống thoát nước đang nằm dưới mực nước triều, cản trở quá trình tiêu thoát nước...
 
Trước thực trạng này, TP đã vay vốn Ngân hàng Thế giới nhằm cải tạo, làm mới hệ thống thoát nước, giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng. Từ đó, hàng loạt dự án thoát nước lớn với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng ra đời, như: Vệ sinh môi trường nước TP lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè; Cải thiện môi trường nước kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi Tẻ; Nâng cấp đô thị…
 
Đến nay, các dự án trên vẫn chưa hoàn tất. Ở dự án Cải thiện Môi trường nước kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi Tẻ, gói thầu A mới chỉ đạt 27,5%, gói thầu đạt 68,1%. Dự án Vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, gói thầu Trạm bơm hoàn tất, nhưng chưa thể vận hành; Hạng mục nạo vét kênh mới chỉ đạt 30%; Các gói thầu thoát nước cũng chưa xong…
 
Dù các dự án này chưa hoàn tất, nhưng các chuyên gia lo ngại nó đã lạc hậu. Như dự án Cải thiện môi trường nước được xây dựng dựa trên đỉnh triều cường cao nhất tại sông Sài Gòn là 1,29m, có khả năng chịu được lượng mưa tối đa khoảng 90mm.
 
Tuy nhiên, những năm gần đây, mức triều của TP liên tục cao hơn 1,40m và các cơn mưa lớn liên tục xuất hiện với vũ lượng trên 90cm. Như vậy, cho dù nó có hoàn thành cũng khó phát huy hiệu quả chống ngập như dự báo.
 Nghiên cứu thêm để chống ngập bền vững - 2
 Các dự án thoát nước chưa xong nhưng được dự báo "đã lạc hậu"

Đó là chưa tính đến yếu tố biến đổi khí hậu sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Các tổ chức khoa học quốc tế đều nhận định TPHCM sẽ là 1 trong 10 TP chịu ngập lụt nặng nề nhất thế giới do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
 
Nghiên cứu bổ sung

 
Trước tình hình trên, UBND TP đề nghị các cơ quan khoa học nghiên cứu bổ sung để giải quyết bài toán ngập cho TP một cách bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.
 
Cụ thể, các chuyên gia Việt Nam đang cùng tư vấn Hà Lan lập quy hoạch tích hợp gắn chặt 4 yếu tố mưa, triều, lũ và sinh thái thành một thể thống nhất làm cơ sở cho việc định hướng chi tiết và xác định tiến độ đầu tư ưu tiên trong từng giai đoạn cho chương trình chống ngập của TP.
 
Ngoài ra, các đơn vị khoa học cũng tiến hành khảo sát những vị trí thích hợp để xây dựng hồ điều tiết (thu nước mưa) kết hợp trong hệ thống mảng xanh của đô thị nhằm giảm tải cho hệ thống thoát nước. Sau đó sẽ tiến hành lập quy hoạch tổng thể hệ thống hồ điều tiết trên địa bàn TP nhằm để dành quỹ đất xây dựng hồ.
 
Với mục đích phục vụ cho việc dự báo, cảnh báo những khu vực ngập lụt và những rủi ro có thể xảy ra do mưa và triều cường, các chuyên gia cũng tiến hành xây dựng bản đồ đánh giá, quản lý rủi ro do ngập lụt cho TP. Từ đó, nhóm chuyên gia sẽ đưa ra những quyết định đầu tư nhằm xác định mục tiêu xóa, giảm ngập một cách bền vững.
 
Trong cuộc họp về tình hình chống ngập ngày 27/10, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cũng đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu việc đóng cừ bằng bê tông hoặc nhựa uPVC thay cho cừ tràm như hiện nay tại các bờ bao ven sông kênh rạch. Với hệ thống gần 2.000km kênh rạch trên địa bàn hiện nay thì việc đắp bờ bao bằng bùn và cọc cừ tràm có nguy cơ xảy ra vỡ bờ bao rất cao.
 
Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm