1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghiên cứu kỹ trước khi đóng tàu vỏ thép cho ngư dân

(Dân trí) - Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) đã tiên phong đóng thử 3 mẫu tàu đánh cá vỏ thép cho ngư dân sử dụng thí điểm. Nhưng theo các nhà khoa học, các mẫu tàu này vẫn có nhiều khuyết điểm, cần nghiên cứu kỹ trước khi triển khai đại trà.

Đóng tàu cá vỏ thép để tăng sức mạnh biển

Ngày 7/6, hơn 60 nhà khoa học, giảng viên, nhà nghiên cứu, quản lý trong lĩnh vực thủy hải sản, thiết kế và đóng tàu, thông tin hàng hải… đã tranh luận về việc đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân trong buổi tọa đàm do Hội Khoa học Kỹ thuật Biển TPHCM và trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM tổ chức.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đều ủng hộ việc đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân
Các đại biểu tham dự tọa đàm đều ủng hộ việc đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Tùng Lâm, Phó Tổng giám đốc SBIC khẳng định việc chuyển đổi tàu cá vỏ gỗ sang tàu vỏ thép là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, nghi ngại về chi phí đầu tư, tính hiệu quả kinh tế của tàu cá vỏ thép và đặc biệt là tư duy, tập quán đánh bắt cá bằng tàu vỏ gỗ đã có từ hàng ngàn năm của ngư dân Việt Nam.

Theo ông Lâm, từ năm 2013, SBIC đã triển khai nhiều đội kỹ sư đến các tỉnh ven biển nghiên cứu thiết kế tàu cá và đã cho ra đời 6 mẫu tàu phù hợp với tập quán đánh bắt của bà con ngư dân các vùng miền. SBIC cũng đã triển khai đóng thử 6 tàu theo 3 mẫu thiết kế (lưới rê, lưới vây và lưới kéo, mỗi mẫu 2 tàu) và đã bàn giao một số tàu cho ngư dân khai thác thử.

Từ kết quả nghiên cứu của mình, đại diện đơn vị thiết kế của SBIC khẳng định tàu vỏ thép có rất nhiều ưu điểm so với tàu vỏ gỗ như: to lớn hơn, chịu được sóng lớn hơn, đi biển dài ngày hơn, tốc độ cao hơn, khoang chứa cá và nhiên liệu lớn, bảo quản cá tốt hơn, vật liệu thép dễ thi công đóng tàu theo các hình dáng có lợi cho sức cản nước hơn, chi phí nhiên liệu theo tải trọng tiết kiệm hơn, khi hết hạn sử dụng có thể bán phế liệu để thu hồi vốn…

Các mẫu tàu vỏ thép do SBIC thiết kế, chế tạo

Các nhà khoa học tham dự tọa đàm cũng đồng tình là tàu cá vỏ thép tốt hơn tàu vỏ gỗ rất nhiều. Kỹ sư Đỗ Thái Bình, Hội Khoa học Kỹ thuật Biển TPHCM cho rằng: “Sức mạnh biển là sự tổng hợp của hải quân và kinh tế biển. Khi thay thế hệ thống tàu cá vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép sẽ giúp phát triển kinh tế biển, tăng cường sức mạnh biển của quốc gia”.

Cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về thiết kế tàu

Trước ưu điểm trên của tàu vỏ thép và chủ trương chuyển đổi tàu gỗ sang tàu thép của Chính phủ, SBIC dự định triển khai hợp tác với ngư dân bằng cách đứng ra vay gói tín dụng ưu đãi chuyển đổi tàu dùng để đóng các tàu mới rồi cho ngư dân thuê mua. Cụ thể, mỗi con tàu có giá từ 5 – 7 tỷ đồng (chưa kể ngư lưới cụ), ngư dân phải đặt cọc 5% giá trị tàu và chịu chi phí trang bị ngư lưới cụ, phần còn lại sẽ được vay và trả chậm trong vòng 5 – 7 năm với lãi suất 3%/năm. SBIC sẽ đứng tên sở hữu tàu và đóng bảo hiểm cho tàu, đến khi ngư dân trả hết nợ thì tàu sẽ thuộc quyền sở hữu của ngư dân.

Theo ông Ngô Tùng Lâm, phương án này không chỉ giúp thực hiện chủ trương chuyển đổi tàu cá vỏ gỗ thành tàu thép của nhà nước mà lượng công việc đóng mới hàng ngàn tàu thép này sẽ giúp SBIC (tiền thân là Vinashin) tái cơ cấu nhanh chóng hơn. Ông Lâm cũng cho biết là mất 2 – 3 tháng để đóng 1 con tàu như trên, nếu tất cả các nhà máy đóng tàu của SBIC cùng tham gia thì có thể đóng mới 400 tàu/năm.

Một tàu vỏ thép do SBIC đóng đang hoạt động thử nghiệm
Một tàu vỏ thép do SBIC đóng đang hoạt động thử nghiệm

Tuy nhiên, các nhà khoa học tham gia hội nghị cho rằng đề xuất trên của SBIC “hơi vội vàng”. Các nhà khoa học đồng tình về chủ trương thay thế tàu vỏ gỗ nhưng về các mẫu thiết kế tàu thép do SBIC cung cấp thì các nhà khoa học có nhiều góp ý sửa đổi.

Theo tiến sĩ Phạm Ngọc Hòe, chuyên gia đóng tàu, Chủ tịch Công ty tư vấn Biển Đông, mẫu thiết kế tàu của SBIC chưa đi kèm với thiết kế khai thác sẽ rất khó đánh giá được hiệu quả của nó khi ngư dân đưa vào khai thác thực tế. Theo ông, kỹ sư đóng tàu của SBIC cần hợp tác thêm với các kỹ sư khai thác thủy sản, ngư dân để có thiết kế thiết bị khai thác, đánh bắt phù hợp khi thiết kế tàu.

Ông Phạm Non, ngư dân tỉnh Quãng Ngãi, đồng thời là Giám đốc công ty Mai Biển chuyên đóng tàu gỗ cũng chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý trong các mẫu thiết kế tàu thép của SBIC. Theo ông Non, máy tàu mà SBIC dùng rất lạ, ngư dân không quen dùng sẽ rất khó sửa và tìm phụ tùng thay thế; máy tàu theo các thiết kế này công suất cũng quá yếu trong khi ngư dân có thói quen đóng máy tàu công suất lớn rồi chỉ chạy bằng nửa công suất thiết kế để tiết kiệm nhiên liệu; chân vịt động lực cũng quá nhỏ…

Tiến sĩ Phạm Ngọc Hòe cho rằng: “Đánh cá thì không phải tàu mạnh, chạy nhanh là tốt mà phải dựa vào hiệu quả đánh bắt so với chi phí bỏ ra. Do đó, tôi đề nghị SBIC cần nghiên cứu kỹ hơn và có thử nghiệm cẩn thận, đánh giá hiệu quả rõ ràng rồi hãy triển khai”.

Ông Ngô Tùng Lâm tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và khẳng định sẽ phối hợp với ngành thủy sản để cải tiến thiết kế tàu cho phù hợp hơn. Ông cho rằng: “Ai cũng biết đi tiên phong sẽ rất gian nan, nhưng chúng ta phải có người đi tiên phong, phải nghiên cứu từ sớm để khi Chính phủ có quyết định thì chúng ta có mẫu tàu phù hợp để triển khai ngay”.

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm