1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Nghịch lý từ những khu chợ tiền tỷ

(Dân trí) - Được hưởng lợi từ các chương trình dự án, trong những năm qua huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình chợ nông thôn. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình này đang tồn tại nhiều nghịch lý

Chợ xã, chợ huyện đều… “hoang vắng”

Công trình chợ Sơn Thọ với số vốn đầu tư xây dựng gần 400 triệu đồng từ dự án 135. Chợ cao lớn, rộng rãi là vậy, nhưng sau gần 7 năm xây dựng xong ngôi chợ vẫn chưa một lần đi vào hoạt động. Khuôn viên chợ hoang vắng, đìu hiu. Mái đình rệu rã, tường xây trở thành một tấm bảng to đùng để những người thiếu ý thức viết, vẽ lên đây những câu tục tằn nhất...

Chưa hết, ngay tại đình chính thay vì những sạp hàng thì ở đó lại đang là nơi cất trữ một khối lượng lớn gỗ nằm ngổn ngang với đủ kiểu dáng, chủng loại. Chợ không chỉ biến thành tụ điểm cất trữ gỗ, xưởng cưa đã đành, tồi tệ hơn là giờ đây trong khuôn viên chợ đã trở thành nơi đổ rác thải, nơi phơi phong quần áo của hàng chục hộ dân sinh sống xung quanh.

Nghịch lý từ những khu chợ tiền tỷ - 1
Chợ Sơn Thọ làm nơi chứa gỗ và phơi quần áo
 
Nghịch lý từ những khu chợ tiền tỷ - 2
Chợ Sơn Thọ gây lãng phí hơn 400 triệu đồng
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Lạc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ (Vũ Quang) - cho biết: Việc công trình chợ không phát huy hiệu quả có nhiều nguyên nhân, trong đó cốt lõi là đời sống của người dân trên địa bàn xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên việc chuyển qua kinh doanh, buôn bán tiểu thương không nằm trong suy nghĩ của họ. Bên cạnh đó dân cư tại khu vực trung tâm xã còn thưa thớt, sức mua bán tiêu thụ hàng hoá thấp.
 
Về vấn đề chợ biến thành nơi cất trữ gỗ, xưởng cưa như hiện nay ông Lạc thừa nhận là có thật. Ông Lạc còn cho biết: thời gian tới xã có kế hoạch ký hợp đồng với một Công ty ở Thị xã Hồng Lĩnh để tận dụng khuôn viên cũng như đình chợ làm nơi thu mua, chế biến gỗ keo cho nhân dân trong vùng.

Rời chợ Sơn Thọ, chúng tôi đến với công trình chợ 2 tầng tại Trung tâm thị trấn Vũ Quang. Với số vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng từ dự án xoá đói giảm nghèo Opec, chợ thị trấn ra đời đã đáp ứng lòng mong mỏi của người dân vùng thượng huyện Vũ Quang trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, cuối năm 2009 khi chợ hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng thì lại không giống như những kỳ vọng ban đầu. Tầng trệt của chợ chỉ lác đác một số hộ vào kinh doanh. Nhiều gian hàng xây dựng xong rồi để trống. Cầu thang lên tầng 2 chất đủ mọi thứ từ chăn ga, gối nệm đến các mặt hàng, các vật dụng vừa chật kín lối đi vừa lộn xộn, nham nhở hết chỗ nói. Tầng trệt thì vậy còn tầng 2 lại ảm đạm đến lạ kỳ. Bao trùm lên tất cả là một không gian trống tuênh, trống hoắc không hề có một bóng dáng của người bán, kẻ mua.

Nghịch lý từ những khu chợ tiền tỷ - 3
Tầng 1 chợ Thị trấn Vũ Quang không sử dụng hết diện tích
 
Nghịch lý từ những khu chợ tiền tỷ - 4
Đìu hiu chợ Thị trấn Vũ Quang
 
Nghịch lý từ những khu chợ tiền tỷ - 5
Tầng II chợ Thị trấn Vũ Quang bỏ hoang cho chuột “đá bóng”

Bà Trần Thị Nhuận, một chủ hộ kinh doanh tại chợ thị trấn Vũ Quang than vãn: Sau một thời gian dài kinh doanh, buôn bán tại đây vì người mua thưa thớt nên ngày may mắn, gặp được khách mua nhiều cũng chỉ lãi ít chục ngàn, còn phần lớn là “sáng vác ô đi, tối vác về” tiền bán không đủ bù thuế chợ.  

Trái ngược với các chợ vùng thượng của huyện hoang vắng, đìu hiu bao nhiêu thì xuôi về chợ Bộng thuộc địa bàn xã Đức Bồng (Vũ Quang) vùng bán sơn địa lại đang phải gồng mình chống chịu nhiều áp lực.

Hàng ngày, chợ Bộng đã thu hút một số lượng lớn người dân đến từ 6 xã vùng hạ huyện Vũ Quang và nhiều xã thuộc huyện Đức Thọ cũng như các xã Sơn Mai, Sơn Long… huyện Hương Sơn. Họ đổ dồn về đây trao đổi mua bán hàng hoá.

Thế nhưng, khuôn viên chợ Bộng lại quá nhỏ hẹp. Chợ họp chật kín cả lối đi. Hàng hóa được bày bán tràn lan từ trong đình chợ chính ra các sạp hàng tư nhân tự dựng lên và có cả hàng trăm hộ dân đổ xô tràn ra họp chợ ngay trên tỉnh lộ 5, đường Ân Phú- Cửa Rào để buôn bán, giao dịch gây ách tắc, cản trở giao thông làm mất mỹ quan, vệ sinh môi trường. Rác thải tràn ngập từ cổng chợ ra đường, phủ dày lên mố cầu Treo, tuồn cả xuống dòng sông Ngàn Sâu gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt hơn, ngay sau đình chợ từ lâu đã trở thành nơi phóng uế, nơi đổ nước thải từ các hộ dân sinh sống xung quanh.

Nghịch lý từ những khu chợ tiền tỷ - 6
Diện tích chợ Bộng quá hẹp, người dân buôn bán tràn ra cả tỉnh lộ 5

Bà Nguyễn Thị Mỹ hiện đang buôn bán tại chợ bức xúc: Không biết đến bao giờ chợ Bộng mới thực sự được các cơ quan chức năng quan tâm vào cuộc để xử lý vệ sinh môi trường. Ngày nắng thì gần như cả khuôn viên chợ bụi bay mù mịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ngày mưa thì lầy lội, nhão nhoẹt. Vì quá ô nhiễm khiến nhiều hộ không thể chịu nổi đành phải tuồn ra tỉnh lộ 5 để kinh doanh, buôn bán đủ các mặt hàng…

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Đức Bồng cho biết: “Những năm qua xã chúng tôi cũng đã phối hợp nhiều đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ hộ kinh doanh và quần chúng nhân dân về việc chấp hành quy định đảm bảo hành lang an toàn giao thông, giải toả chống lấn chiếm cũng như thu gom, xử lý rác thải ơ chợ. Tuy nhiên, sau mỗi đợt vào cuộc, khu vực chợ chỉ được thông thoáng trong một thời gian rất ngắn, còn ít lâu sau những bất cập đâu lại vào đó. Chúng tôi nghĩ: để tạo thuận lợi trong trao đổi, mua bán và tránh được các bất cập nói trên thì vấn đề cốt lõi là phải điều chỉnh quy hoạch chợ, nới rộng khuôn viên phù hợp với yêu cầu phát triển, tiếp đến là, huyện cùng các bên liên quan cần phải sớm thành lập tổ vệ sinh môi trường, bãi xử lý rác thải cho khu vực chợ Bộng. Theo tôi, để nới rộng được khuôn viên thì điều cần thiết là phải giải toả, di dời một số cơ quan như: đội thuế, trạm kiểm lâm, bưu cục chợ Bộng và hàng chục hộ dân sinh sống xung quanh. Có như vậy, chợ Bộng mới trở thành một trung tâm thương mại sầm uất đúng với vị thế là điểm nhấn trong phát triển kinh tế xã hội nơi cửa ngõ huyện mới Vũ Quang”.
 
Nghịch lý từ những khu chợ tiền tỷ - 7
Cơ sở hạ tầng quá kém, chợ Bộng ô nhiễm nghiêm trọng
 
Vũ Quang là huyện miền núi được hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính Phủ. Chính vì vậy, những công trình phúc lợi được Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng, mong rằng cấp ủy và chính quyền cùng các ngành hữu quan cần cân nhắc sử dụng nguồn vốn hợp lý trong việc xây dựng các công trình nhằm phát huy hiệu quả vừa phục vụ thiết thực dân sinh vừa tăng thêm được nguồn thu ngân sách địa phương.
 
Quốc Châu - Duy Thảo - Văn Chương