Nghịch lý "nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn"

Hoài Thu

(Dân trí) - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu bức tranh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, trong khi chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao…

Trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 23/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi bấp bênh do gặp những "cơn gió ngược", tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.

Theo cơ quan thẩm tra, mức tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra, vẫn khá cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra của Quốc hội ghi nhận kết quả nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị tiếp tục được hoàn thiện; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tích cực hơn.

Nghịch lý nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Hồng Phong).

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phòng chống tội phạm, tiếp tục được quan tâm. Hoạt động đối ngoại đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Đề cập đến việc 5/15 chỉ tiêu không đạt, ông Thanh lưu ý trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Thêm nữa, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ, thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp.

"Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm", theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.

Đáng chú ý, ông Thanh nhấn mạnh tình trạng nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước lỏng lẻo, thiếu gắn kết. Về tình trạng chậm đầu tư công, cơ quan thẩm tra cho rằng phải được làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để sớm khắc phục.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tầu tăng trưởng của nền kinh tế.

Về tình hình năm 2024, Ủy ban Kinh tế đồng tình với các định hướng lớn nhưng đề nghị Chính phủ đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP, lập dự toán ngân sách, giảm bớt bội chi…