1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghĩa vợ chồng

Họ là những phụ nữ bị chồng bỏ rơi để chạy theo người tình nhưng khi chồng gây tội, phải vào tù, họ lại tận tâm, tận lực lo lắng. “Nghĩa vợ chồng bao năm gắn bó” - Họ nhẹ nhàng lý giải.

Dưới đây là hai câu chuyện chúng tôi ghi được tại tòa án.

 

Câu chuyện thứ nhất

 

“Tôi lỡ tay giết chết T. rồi” - Ông Nguyễn Văn Thu (SN 1954, ngụ Vĩnh Long) run rẩy nói với bà N., người vợ ông mới ly dị trước đó không lâu.

 

Nỗi đau bị chồng phụ vẫn chưa nguôi, nhưng lòng bà N. vẫn như ngồi trên đống lửa. Giao lại việc làm ăn cho các con, bà  chạy đôn chạy đáo tìm hiểu tình hình của ông, qua nhà của cha mẹ cô T. (SN 1986) - bị hại đồng thời cũng là người cướp đi hạnh phúc gia đình của mẹ con bà - xin được thay ông Thu khắc phục hậu quả, muối mặt năn nỉ họ bãi nại cho ông.

 

Tiếp đó là những ngày tháng cơm đùm cơm xách thăm nuôi ông Thu, chạy tìm luật sư bào chữa... Tận tình, chu đáo, hết sức hết lòng từ khi vụ án xảy ra cho đến phiên xử phúc thẩm. Vì vậy, khi nghe bị cáo nói đã bồi thường toàn bộ cho gia đình bị hại, vị chủ tọa phải dừng lại hồi lâu trước khi nêu câu hỏi: “Ai là người đã thay mặt bị cáo bồi thường?”, dù trong hồ sơ cũng đã thể hiện rõ.  

 

“Tôi là vợ đã ly dị của bị cáo nhưng trước hoạn nạn của ông ấy, tôi không thể làm ngơ...” - bà đứng lên nhỏ nhẹ trình bày.

 

Cảm động trước nghĩa cử của bà, vị chủ tọa quay qua nói với ông Thu: “Bị cáo từng có một người vợ tốt đến thế, vậy mà...”.

 

Bảy năm về trước, ông Thu tình cờ quen biết cô T.- lúc ấy chỉ mới 17 tuổi. Trước sắc đẹp, tuổi trẻ của người tình nhỏ, ông Thu nhanh chóng bỏ rơi 3 đứa con và người vợ cùng chia ngọt sẻ bùi hai mươi mấy năm.

 

Ghen tuông, đau khổ, uất hận nhưng nghĩ đến các con, bà N. chấp nhận tha thứ cho chồng.

 

Đến khi cô vợ nhỏ có con với ông, bà lại mắt nhắm mắt mở để ông lo cho mẹ con họ. Có điều, dù bà nhượng bộ, chấp nhận kiếp chồng chung thì cô vợ nhỏ lại một hai bắt buộc ông Thu phải ly dị. Trước thái độ quyết liệt đòi ly hôn của chồng, bà đành chấp nhận.

 

Sự đời thật khó lường. Được tự do, ông Thu tìm đến người tình. Cô T. đồng ý làm đám cưới nhưng không chịu đăng ký kết hôn vì “ràng buộc lu bu lắm, cưới thì cưới còn tôi muốn đi đâu thì đi, đi chơi với bồ tôi cũng được, anh không được nói...”.

 

Tự ái, ghen tuông lẫn thất vọng, ông  Thu đánh cô T. Trong lúc bị cô T. đánh trả, ông Thu quật ngã cô xuống đất, dùng gối chặn lên mặt đến khi T. không còn cử động.

 

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt ông Thu 15 năm tù về tội giết người. VKSND tỉnh Vĩnh Long kháng nghị tăng hình phạt.

 

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Vĩnh Long, nhưng xét bà N. đã thay bị cáo bồi thường toàn bộ cho gia đình bị hại, HĐXX tuyên phạt bị cáo 16 năm tù.

 

“Ông ấy có lỗi với tôi nhưng vẫn là cha của các con tôi. Hơn nữa, vợ chồng hai mươi mấy năm, không tình cũng nghĩa...” - bà lý giải rồi lại tất tả chạy theo tiễn ông Thu lên xe về trại tạm giam.

 

Câu chuyện thứ hai

 

HĐXX bước vào tuyên đọc bản án. Ngồi kế bên tôi, vợ của Trương Văn Tài (SN 1975) nín thở, hãi hùng khi càng lúc càng phát hiện khả năng xấu nhất dành cho chồng. Và nước mắt chảy ràn rụa trên đôi gò má rám nắng, xám xịt vì bệnh tim của chị khiến tôi lo sợ chị sẽ gục ngã trước khi kịp nghe hết bản án.

 

Nghĩa vợ chồng  - 1
Bị cáo Trương Văn Tài

 

“Tổng hợp hình phạt cho cả hai tội giết người, cướp tài sản là tử hình...” - chị gục mặt trên đôi tay nhăn nheo chằng chịt những đường gân xanh, nước mắt lại nối nước mắt.

 

Mẹ Tài bàng hoàng, ngơ ngẩn, đứng sững nhìn chiếc còng số 8 bập vào đôi tay con, nhưng rất nhanh sau đó bà cúi xuống nâng lấy vợ Tài, giọng nghèn nghẹn: “Thôi, mình về đi con”. 

 

Họ đưa nhau ra ngồi ở ghế đá trong sân tòa. Mẹ Tài vỗ về con dâu: “Ngày mai, mình đi tìm luật sư nhờ giúp đỡ làm đơn xin ân xá cho nó, nếu cần thì lại lên Tây Ninh gặp gia đình người ta. Phải cố lần nữa coi sao. Nếu không thì...”. Bà bỏ lửng câu nói, cúi xuống lấy vạt áo lau mồ hôi, đưa mắt nhìn xa xăm: “Nếu không, con ráng nuôi con một mình...”. Và bật khóc. Vợ Tài lại rưng rức theo.

 

Hơn 10 năm chồng vợ nhưng thời gian hạnh phúc của chị chỉ tính bằng ngày, bằng tháng. Cưới nhau chưa bao lâu, chồng mê nhân tình, chẳng ngó ngàng gì đến chị. Vậy mà ngày ngày chị vẫn cùng mẹ chồng đi mua ve chai kiếm miếng ăn nuôi cha chồng và 3 đứa em chồng bị bệnh thần kinh.

 

Có những hôm mệt rã rời, chị lại phải tất tả đi khắp nơi tìm đứa em gái chồng bị tâm thần nặng, đưa về tắm rửa, cho ăn uống.

 

“Tôi chưa thấy người đàn bà nào mà hiền đến ngu ngốc như nó. Bị người ta cướp chồng, ghen ngược mà vẫn nhẫn nhịn chịu đựng. Má chồng nó chịu không nổi, mấy lần đi đánh ghen cho con dâu... ” - ông tổ trưởng tổ dân phố thở dài nói với tôi.

 

Nghe vậy, chị lắc đầu: “Dù gì ảnh cũng là cha của con gái con”. Sau khi biết chuyện Tài lỡ tay giết chết người tình, chị động viên chồng ra đầu thú rồi cùng mẹ chồng đón taxi đưa Tài đến công an. Cũng từ đó, chuỗi ngày đau khổ, lo toan cho chồng lại tiếp nối.

 

Làm điều gì để có thể giảm nhẹ hình phạt cho chồng, chứng minh Tài không phạm tội cướp, chị cũng không từ nan, kể cả lạy lục, van xin gia đình bị hại bãi nại. “Anh ấy còn sống, con gái tôi còn có cha. Cháu vẫn còn quá nhỏ lại vô tội...” - chị nói.

 

Luật sư bào chữa cho Tài kể với tôi, trước hôm xử phúc thẩm một ngày, Tài níu tay luật sư nài nỉ: “Xin cô hãy cứu con! Con muốn được sống để trả nợ cho gia đình. Trước nay con chỉ toàn làm khổ cha mẹ, vợ con thôi...”.

 

Khi bị đẩy đến gần cái chết, Tài mới thấm thía tình nghĩa, sự hy sinh mà vợ dành cho mình, mới thấy quý những gì đã từng có nhưng trót đánh mất. Tiếc là, sự hối hận đôi khi không còn kịp nữa rồi...

 

Theo Tố Trâm

 Người lao động