1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghĩa trang của 31 vạn hài nhi bị bỏ rơi

(Dân trí) - Gió núi lạnh lẽo thét gào. Lá khô, tàn nhang bay phảng phất nghĩa trang... Ba mươi hài nhi bỏ chung trong một hũ sành được anh Năng nhẹ nhàng đặt xuống huyệt. Buổi tiễn đưa không kèn trống vòng hoa, không cả những giọt nước mắt của người ruột thịt...

Cầu kiều đưa bé sang sông

 

Nghĩa trang Anh Hài (Hương Hồ - Hương Trà - TT Huế) cách thành phố Huế hơn 20km, nằm lạnh lẽ cô quạnh giữa lưng chừng núi. Đây là nơi yên nghỉ của 31.300 bé thơ bị chối bỏ.

 

“Chiều nay gom về thêm ba mươi bé, tất cả đều không có tên. Thế là nghĩa trang này đã có hơn ba vạn em vô danh rồi đó” - anh Trương Văn Năng nói giọng buồn bã. Những ánh nắng yếu ớt cuối ngày không đủ xua đi không khí ảm đạm cô quạnh lạnh lẽo. Ba mươi sinh linh bé nhỏ kia được bỏ chung trong một hũ sành đã được khâm liệm kỹ chờ hạ huyệt.

 

Anh Năng nhận lấy hũ sành từ tay anh Hiếu rồi nhẹ nhàng đặt xuống dưới huyệt mộ đã đào sẵn. Khi những nắm đất đầu tiên được rải lên, cơn mưa bất chợt ập đến. Nhìn những nấm đất nhỏ xíu lạnh ngắt trong màn mưa nặng hạt, nước mắt lại tuôn trào. Họ đã khóc và hình như ông trời đang nối dài dòng lệ của họ. Trời mưa như trút nước nhưng hai anh chưa chịu ra về.

 

Đợi tạnh mưa, hai anh thắp lại nén nhang cháy dở. Bó nhang bùng cháy dữ dội. “Hương hồn các bé về đấy” - anh Hiếu thủ thỉ.

 

Anh Hiếu gạt nước mắt nói: “30-40 hài nhi chung nhau một mấm mộ, thấy cũng rất xót xa, nhưng rồi tự an ủi mình dù sao những bé thơ nằm đây cũng không quá lạnh lẽo…”.

 

Để các bé có một ngày được “sum vầy”, Năng và Hiếu đã quyết định chọn ngày 1-11 làm ngày giỗ chung cho các bé. Buổi đó, tất cả các nấm mồ sẽ có một cành hoa, một nén nhang và lời cầu nguyện. Đó cũng là dịp để cha mẹ các bé về “hối lỗi” bên mộ con mình. 

 

Những linh hồn vô danh

 

Nghĩa trang này được gọi là nghĩa trang không bia mô. Nơi đây, ngoài anh Hiếu và anh Năng ngày nào cũng chăm nom, lượm nhặt tử nhi về chôn cất còn có các thiện nguyện làm mẹ cha của các bé.

 

Ông Phước làm nghề sửa xe. Chị Lan, chị Mai mưu sinh bằng nghề lượm lặt ve chai.  Chị Phượng kiếm tiền bằng rửa chén bát thuê cho nhà hàng. Tất cả họ đều tình cờ biết chuyện, phát tâm cùng làm việc thiện. Họ chưa hề biết nhau và không muốn ai biết việc làm của mình.

 

Chị Lan hàng ngày chị đi mua ve chai, bới rác ở thùng rác bệnh viện, nhà hộ sinh và thấy những thai nhi bị vứt lộn trong thùng rác; chị gói kỹ trong bao nilông, gom lại rồi chuyển cho anh Năng đưa lên nghĩa trang chôn cất.

 

“Có chỗ người ta bỏ vào bao nilông đàng hoàng, nhưng có chỗ họ lại vứt lộn với rác. Có thai nhi bị vứt hai ba ngày nên bốc mùi, đã bị kiến bu đen bu đỏ, có thi hài bị chó mèo cắn xé rách nát…”, chị Lan nghẹn giọng kể.

 

Nghĩa trang của 31 vạn hài nhi bị bỏ rơi - 1

16 năm, đón hơn 30 vạn sinh linh bé bỏng xấu số. (Ảnh: H.A.S)

 

Ông Phước làm nghề sửa xe, những lúc rảnh tay ông lại chở bà đi đến các bệnh viện, phòng khám phụ sản để gom nhặt các tử nhi. Ông Phước thủ thỉ: “Tui thấy lòng nhói đau khi nghĩ đến số phận của hẩm hiu của các cháu. Các bé đã  bị tước đi cái quyền được sinh ra. Nghiệt ngã hơn khi những sinh linh tội nghiệp đó bị quăng vào bụi cây, sọt rác. Đã bao lần tui và nhà tui nhặt thai nhi từ thùng rác, thậm chí trong bọc nilông bỏ ở gốc cây, cuộn giấy báo ngoài hè đường. Thai nhi chưa tượng hình, nhiều bé đã đủ chân tay,… cũng chịu chung số phận và đều vô danh không một dòng bút tích…”.

 

Hơn 17 năm nay, ngày ngày anh Năng lội qua sông Hương, băng rừng hơn 20 cây số về Huế quy tụ các hài nhi từ những thiện nguyện viên lượm lặt rồi đem về cùng anh Hiếu chôn cất. Thời gian đằng đẵng trôi đi và có một điều mà hai anh vẫn luôn canh cánh day dứt: “Sao không thấy ai đến đặt tên cho bé?”

 

Anh Năng tâm sự: “Mọi người ở đây đều đau đáu mong mỏi những nấm mồ được đặt tên người ruột thịt, nhưng đến nay mới chỉ có một vài nấm mồ có đánh dấu “mật hiệu” để nhận biết, còn lại hơn ba vạn em vẫn chưa được đặt tên. Hầu hết nấm mồ đều không tên tuổi và không có một người thân nào tiễn đưa hay viếng thăm, nhỏ nước mắt dù chỉ một lần!”

 

Lật từng trang sổ nhật ký, anh Hiếu buồn rầu: “Bé thơ đầu tiên được đưa về đỉnh núi này cách đây 16 năm, nhưng đến giờ nghĩa trang đã lên đến 31.300 bé. Năm nay có đến gần ba ngàn em về đây rồi. Tất cả đều chưa được đặt tên, không một dòng bút tích…”.

 

Số phận những đứa trẻ không có cơ hội làm người ấy, các anh đã “đánh dấu” bằng cách… đánh số ký tự, ghi nhật ký chi tiết ngày giờ, nơi tìm được bé. Họ vẫn hi vọng một ngày nào đó, cha mẹ các bé sẽ quay lại tìm con mình...

 

Hoàng Anh Sơn