Viếng “nghĩa địa nấm”
(Dân trí) - Theo sự chỉ dẫn của một người bạn, chúng tôi đến viếng một nghĩa địa đặc biệt - nghĩa địa của những vong hồn chưa hoài thai, những sinh linh chưa kịp chào đời - nằm dưới chân cầu Gia Hội, sát bờ sông Hương (Huế)…
Khu nghĩa địa rộng chưa tới 100m2, nằm chênh vênh bên bờ sông, 520 nấm mộ nhỏ xíu chen chúc, chồng chất lên nhau tràn ra tận mép sông. Mới nhìn rất dễ nhầm tưởng đây là bãi đá cổ của người xưa bởi những nấm mộ không hề có bia ghi tên tuổi, các tai nấm bị sứt mẻ đi nhiều theo dấu vết thời gian.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, chú Tống Văn Sung bắt đầu những câu chuyện vui buồn kể từ khi đại gia đình chú gắn bó với nghĩa địa này ngót 100 năm nay.
Những nấm mồ không người thân
Cách đây gần một thế kỷ, ông nội của chú Sung là Tống Văn Mài kế nghiệp thân sinh khai phá vùng đất hoang sơ nằm dưới chân cầu Gia Hội. Thời điểm đó dân cư thưa thớt chỉ lác đác vài ba căn nhà bên sông khuất dưới những bụi lau rậm rạp. Trong quá trình mở rộng đất đai, ông Mài phát hiện ra nhiều nấm mộ của các vong linh bé nhỏ chưa hoài thai nằm rải rác nhiều nơi, ông đã quy tập tất cả mộ phần về một chỗ trên mảnh đất của mình vừa khai phá và hương khói cẩn thận.
Vậy là nghĩa địa của những linh hồn chưa có hình hài đã ra đời từ đó. Cũng kể từ đó, rất nhiều người đem thi hài con trẻ đến đây chôn cất. Đa số họ đều đến và đi rất vội vã, lén lút vào ban đêm, khi ông Mài còn đang say ngủ. Những sinh linh bé bỏng chỉ được “ghi nhớ” bằng một nấm mồ nhỏ xíu hình tai nấm, nhỏ bằng chiếc mũ cối. Và cũng đa số họ không bao giờ quay lại, để mặc những đứa trẻ xấu số cho ông Mài chăm sóc.
Nói đến người thân của các vong linh bé nhỏ, dì Nguyễn Thị An, người sống gần nghĩa địa 30 năm nay thổ lộ: “Họ đến đây để vứt bỏ “cái nợ” rồi đi không bao giờ trở lại, cũng có người đến chôn con khóc ngất lên ngất xuống nhưng chưa bao giờ thấy họ quay lại với đứa con của mình”.
Những đứa con bất hạnh nằm lại nơi bờ sông lạnh lẽo, may mắn cho những người như ông Mài sưởi ấm...
3 đời làm việc nghĩa
Sau khi ông Mài mất đi, đến đời chú Bằng (anh ruột chú Sung) lại tiếp tục chăm nom nghĩa địa chu đáo. Trong thời gian này có rất nhiều người đem những đứa con bất hạnh của mình đến đây chốn cất, có một số người Hoa cũng đưa con tới đây chôn, họ đưa cho chú Bằng ít tiền để lo hương khói và xây miếu Ông Trạng, làm nơi thờ cúng những vong linh bé nhỏ.
Từ ngày chú Bằng ốm nặng, việc chăm sóc nghĩa địa bị bỏ bê suốt 14 năm trời. Thời điểm đó, phong trào bài trừ mê tín dị đoan diễn ra rầm rộ ở Huế, người ta đã đập bỏ miếu Ông Trạng, những nấm mồ bất hạnh không có nơi thờ. Nhưng “dân số” trong “nghĩa địa nấm” vẫn không ngừng tăng lên.
Những nấm mồ ngày càng nhiều, tràn cả ra mép sông và bao quanh ngôi nhà chú Sung.
Chú Sung sau này lấy vợ, cất một ngôi nhà nhỏ sát ngay nghĩa địa. Thấy những nấm mồ xác xơ không ai hương khói, chú lập tạm một cái am để tiếp tục thờ cúng những vong linh xấu số. Mỗi năm chú Sung đều soạn lễ cúng cho các vong linh trong hai ngày 28/6 (tức là ngày lễ Quận Nường - người chăm sóc linh hồn những vong hồn chết khi chưa ra đời) và ngày tất niên. Ngoài ra, hàng tháng, cứ ngày rằm và mùng 1, chú Sung lại hương khói cho các phần mộ đầy đủ.
Cha của những vong hồn phiêu bạt
Trận lũ lịch sử năm 1999 đã làm sụp bức tường bê tông chắn ngoài bờ sông, cuốn trôi hết 150 phần mộ. Nhìn cảnh tượng đó, vợ chồng chú Sung gạt nước mắt, xắn tay vào nạo vén bùn sình. Năm nào cũng thế, mỗi lần bão lũ, bùn lầy lấp trên nghĩa địa dày đến nửa mét, chú Sung và dì Thương lại mất mấy ngày nghỉ việc mưu sinh, vét bùn, “cứu” nghĩa địa.
Gia đình chú cũng tự bỏ tiền ra tu bổ những nấm mộ hư hỏng, dựng hàng rào gỗ làm bảo vệ và chăm nom các mộ phần như một phần máu thịt của mình.
Điều chú Sung cảm thấy buồn nhất là nghĩa địa vẫn có thi hài của con những người trong xóm nhưng họ hoàn toàn làm ngơ. Mỗi lần lụt bão, họ để mặc vợ chồng chú dọn dẹp bùn lầy, đến khi chú dọn xong, ban đêm họ lại lẻn vào thắp hương đỏ rực. “Sống ở đời cốt là cái nghĩa, sao họ làm được như vậy không biết”, chú Sung ngậm ngùi nói.
Chú Sung thương lắm những số phận không tên, chú mong muốn nghĩa địa của các vong linh bé nhỏ sẽ sớm được di dời đến nghĩa trang thành phố Huế, nơi đó các vong hồn không phải nằm chồng chất lên nhau và không bị đe doạ cuốn trôi ra sông mỗi mùa nước lũ.
Tuy nhiên, phường Phú Cát vẫn chưa tìm ra được hướng giải quyết để di dời nghĩa địa này. Khó khăn chủ yếu, như ông Trần Trọng Hoà, Phó Chủ tịch phường, nói: “Thân nhân là khó khăn đầu tiên, họ ở đâu chẳng ai biết, khi chuyển đi các phần mộ còn có nguy cơ bị trùng lên nhau”.
Văn Tú - Công Kiên