Nghị quyết 21 tiến tới thống nhất đất nước được bàn thảo ở đâu, khi nào?
(Dân trí) - Tháng 10/1973, Trung ương Ðảng khóa III họp và ra Nghị quyết 21 "Về thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng Miền Nam trong giai đoạn mới".
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết. Những tưởng hòa bình đã cận kề sau 19 năm chiến đấu kiên cường, oanh liệt của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã không tôn trọng những gì họ ký kết, tìm mọi cách chống phá, tái chiếm đất, kiểm soát dân... Trước tình hình đầy phức tạp đó, theo triệu tập của Bộ Chính trị đứng đầu là Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn, một đoàn lãnh đạo cấp cao của Trung ương Cục Miền Nam đã có chuyến ra Bắc bí mật vào dịp tháng 4/1973. Mục đích để báo cáo tình hình Miền Nam với Bí thư Thư nhất và Bộ Chính trị, đồng thời bàn kế hoạch hệ trọng cho một Việt Nam thống nhất.
Đoàn lãnh đạo cấp cao của Trung ương Cục Miền Nam bí mật ra Bắc
Trung tướng Ðặng Quân Thuỵ, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội đã dành cho tôi một cuộc gặp để kể về những kỷ niệm sâu sắc của ông trong chuyến tháp tùng các vị lãnh đạo cấp cao của Trung ương Cục ra Bắc cách đây tròn 50 năm với đầy cảm xúc. Chuyện thật thú vị khi vị lão tướng nay cũng đã sang tuổi 96.
Tướng Thuỵ kể, khi đó, ông Hoàng Văn Thái là Ủy viên Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam (LÐVN), Phó Bí thư Trung ương Cục kiêm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng Miền Nam (B2), kiêm Phó Bí thư Quân ủy Miền Nam. Còn ông Thuỵ làm Phó Trưởng phòng Tác chiến Bộ Tham mưu Quân Giải phóng Miền Nam. Ông nhận được nhiệm vụ lo chuẩn bị gấp phần nội dung quân sự phụ giúp Tư lệnh Hoàng Văn Thái ra Hà Nội báo cáo... "Ðây là một chuyến đi mang tính tuyệt mật bởi không chỉ có mình Tư lệnh Hoàng Văn Thái mà còn nhiều yếu nhân khác trong Trung ương Cục tham gia", ông Thụy nhớ lại.
Ông bảo, đoàn công tác còn có Ủy viên Trung ương Ðảng LÐVN, Phó Bí thư Trung ương Cục Miền Nam Nguyễn Văn Linh; ông Võ Văn Kiệt, Ủy viên Trung ương Ðảng LÐVN, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục, Bí thư Khu ủy Khu 9 và ông Nguyễn Minh Đường, Bí thư Khu ủy Khu 8.
Theo ông Thuỵ, mỗi lãnh đạo nói trên chỉ có nhóm tháp tùng, gồm một Trợ lý, một cán bộ tham mưu giúp việc về chuyên môn ... Ví dụ như ông Thuỵ có nhiệm vụ tham mưu về quân sự. Khi nào được yêu cầu thì giúp thủ trưởng Hoàng Văn Thái báo cáo.
Ngoài ra, theo ông Thụy, đoàn công tác còn có lực lượng phục vụ, bảo vệ cũng đi cùng đoàn. Nhưng tinh thần là gọn nhẹ, bởi dọc đường đi chúng ta cũng đã bố trí lực lượng bảo vệ ở mức cao nhất có thể.
"Chuyến đi đó với tôi để lại một ấn tượng quá đỗi đặc biệt", Tướng Thuỵ nói và cho biết thêm, sau khi chúng ta đã ký kết Hiệp định Paris, tức là chúng ta đã giành thắng lợi một phần cực kỳ quan trọng - Mỹ rút quân.
Vỡ òa khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết
Theo ông, Hiệp định Paris năm 1973 là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Cội nguồn thắng lợi tại Hội nghị Paris là tinh thần quyết chiến quyết thắng, ý chí đấu tranh quật cường, bền bỉ, nhằm bảo vệ chân lý, chính nghĩa, lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Cuộc đấu tranh này phản ánh sự lãnh đạo tài tình của Ðảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, trên cơ sở chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc... Chỉ nội việc sau gần 9 năm sống trong chiến trường như ông là đủ thấy niềm vui vỡ òa khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết.
Ông kể, ngay từ năm 1964, ông đã từng vượt đường biển bằng "Tàu Không số" vào Nam với chức vụ Trưởng phòng Hoá học, Bộ Chỉ huy Quân giải phóng Miền Nam, hàm Trung tá. Nhưng rồi chuyến tàu đó không thể cập bờ được bởi vì được biết trên đất liền có biến động. Bộ Tổng Tham mưu buộc ra lệnh đoàn phải quay trở về Bắc để bảo toàn tính mạng và vũ khí khi đó có chở theo tàu.
Tiếp đó, năm 1965, ông lại vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu bằng đường bộ. Nhưng bây giờ, ông và cả đoàn công tác đã được đi bằng ô tô. Ðoàn đi từ căn cứ Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước ngày nay) đến vùng biên giới tỉnh Stung Treng, Campuchia để tiếp tục đi bằng ô tô trên đất bạn Campuchia rồi đến Lào và ra tới tận biên giới giáp huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị của Việt Nam.
Tướng Thụy kể, vui nhất là khi đang còn trên đất bạn Lào, đoàn công tác của ông đã chứng kiến một đoàn xe tăng được đưa vào Miền Nam để chi viện cho chiến trường mà trào dâng một cảm xúc vui sướng, tự hào đến kỳ lạ. Như vậy thì ngày toàn thắng sẽ được bảo đảm chắc chắn.
Khi ra đến Quảng Trị, đoàn đã có một chiếc máy bay quân sự chờ sẵn đón đoàn. "Chúng tôi thật sự mừng vui và cảm động vô bờ. Ngồi trên máy bay nên mọi người được nhìn xuống đất Mẹ thiêng liêng sau nhiều năm hoạt động bí mật trong lòng địch hoặc tại chiến khu nhưng vẫn phải bí mật, kín đáo theo quy định nên chúng tôi vui mừng đến trào nước mắt", Tướng Thụy nhớ lại.
Ðến khi máy bay hạ cánh tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, Ðại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng đã đích thân đứng chờ để đón đoàn trong sự mừng vui khôn tả.
Dựa vào sức mạnh của dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ
"Cuộc làm việc diễn ra sau đó mấy ngày do chúng tôi được tranh thủ về thăm gia đình", Tướng Thụy nói, đồng thời cho biết, cuộc họp này diễn ra bốn, năm ngày và do Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn chủ trì. Tham dự có Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và một số lãnh đạo khác. Ngồi họp, nghe những vấn đề hết sức hệ trọng nhưng không khí rất thoải mái và ấm cúng. Sau ngày làm việc đầu tiên, rất nhiều lãnh đạo trong Bộ Chính trị khác nữa như đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Lê Ðức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Văn Tiến Dũng... cũng đã đến họp theo từng nội dung có liên quan.
"Mọi người vui mừng hỏi thăm đủ chuyện, từ tình hình trong đó đến sức khoẻ của mỗi thành viên cũng như tình hình gia đình mỗi người trong đoàn chúng tôi. Thái độ ấm tình đồng chí. Ðích thân Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn ngồi nghe báo cáo rất nhiều buổi với đoàn", Tướng Thuỵ kể.
Sau khi nghe báo cáo và cùng trao đổi, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn đã đánh giá tình hình và kết luận nhiều vấn đề rất hệ trọng. Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn chỉ rõ âm mưu của địch đã và đang ra sức phá hoại Hiệp định Paris, mở nhiều cuộc hành quân lấn đất, kiểm soát dân. Do đó chúng ta phải kiên quyết đánh bại âm mưu này, củng cố vững chắc các vùng căn cứ địa. Một vấn đề đặt ra là phải phát triển các cơ sở của ta ở vùng nông thôn và đẩy mạnh các phong trào ở đấu tranh ở các đô thị lớn, đặc biệt là Sài Gòn.
Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn nhấn mạnh đến việc chúng ta cần phải bám sát lấy dân và biết dựa vào sức mạnh của dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị... Chúng tôi ghi chép cẩn thận, khi về nơi nghỉ buộc phải nhập tâm vì trước ngày đoàn trở lại chiến trường, sổ ghi chép đó đều được lập biên bản để thu lại. Những điều Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn chỉ đạo là những tiền đề giúp các cơ quan tham mưu của Ðảng nghiên cứu, soạn thảo văn kiện Nghị quyết 21 của BCH Trung ương Ðảng khoá lll sau này.
Tháng 10/1973, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá III họp và ra Nghị quyết 21 "Về thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng Miền Nam trong giai đoạn mới". Hội nghị phân tích thắng lợi to lớn của ta sau 19 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; chỉ ra một số nhược điểm, khuyết điểm của ta từ sau Hiệp định Paris. Hội nghị khẳng định: "Con đường cách mạng của Miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, chỉ đạo linh hoạt, đưa cách mạng Miền Nam tiến lên...
"Tôi nghĩ đó là những gì tất yếu đã đến để Ðảng ta có Nghị quyết trên. Ðó chính là từ sự kiện Bộ Chính trị triệu tập đoàn lãnh đạo Trung ương Cục ra Bắc họp, báo cáo tình hình và tham gia thảo luận để rồi sau đó có được Nghị quyết hết sức quan trọng nói trên", Tướng Thụy nhấn mạnh.